Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V - 5 năm thi đua và 5 bài học lớn

21/01/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

KTNN Chuyên ngành V được thành lập từ năm 1995, khi KTNN mới  triển khai hoạt động, với tên gọi ban đầu là Kiểm toán đầu tư XDCB và các chương trình vay nợ viện trợ Chính phủ; đến năm 2004, được tách thành Kiểm toán Đầu tư dự án 1 và 2.

Sau khi Luật KTNN chính thức có hiệu lực, từ 01/01/2006, đơn vị được gọi là KTNN chuyên ngành V. Đây là đơn vị KTNN chuyên ngành, có đối tượng kiểm toán khá rộng, bao gồm các hoạt động đầu tư, các dự án có nguồn gốc từ ngân sách, các hoạt động kinh doanh xây lắp, các chương trình mục tiêu quốc gia có tầm cỡ chiến lược, ảnh hưởng sâu rộng đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế quốc dân. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Lãnh đạo KTNN đã rất chú trọng tăng cường lực lượng cho đơn vị. Từ chỗ chỉ có 23 cán bộ, kiểm toán viên năm 2004, đến nay đơn vị đã có 80 người, trong đó có 13 cán bộ chủ chốt.

Lực lượng được tăng lên về số lượng, song về chất lượng, đơn vị  vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều, số kiểm toán viên có trình độ phù hợp với yêu cầu đa dạng của đối tượng kiểm toán còn rất khiêm tốn. Những nhược điểm  về năng lực nội sinh đã thực sự là những thách thức đòi hỏi nhằm nâng cao trình độ, chất lượng các cuộc kiểm toán. Ngoài ra, do địa bàn kiểm toán rộng, trải dài trên khắp mọi miền của đất nước, đa phần là vùng sâu, vùng xa rất khó khăn cho việc triển khai, chỉ đạo và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Tuy vậy, với sự lãnh đạo và quan tâm của Lãnh đạo KTNN, KTNN chuyên ngành V đã từng bước xây dựng và củng cố tổ chức, phát huy sức lãnh đạo của Chi bộ, hoàn thiện từng bước điều hành của Lãnh đạo vụ, phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết và ý thức làm chủ của cán bộ, đoàn viên công đoàn, từng bước bám sát mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và nỗ lực xây dựng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành ngày một tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Hưởng ứng phong trào thi đua của toàn ngành trong 5 năm qua, KTNN chuyên ngành V đã có sự chuyển biến tích cực. Hàng năm, đơn vị đã phát động phong trào thi đua ngay vào dịp tổng kết công tác năm, triển khai kế hoạch công tác năm sau. Đặc biệt chú trọng việc đăng ký danh hiệu thi đua của đơn vị, của từng phòng, từng cá nhân, chú trọng đến 3 tiêu chí: Khối lượng công tác, chất lượng công việc và giữ gìn phẩm chất đạo đức của cán bộ, kiểm toán viên. KTNN Chuyên ngành V coi đây là mốc phấn đấu cụ thể để quy tạo thành phong trào, từ đó hướng tới hiệu quả và chất lượng của phong trào thi đua yêu nước.

Trước khi triển khai kiểm toán, KTNN chuyên ngành V đều thực hiện nghiêm túc việc tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức các qui định của Luật KTNN, nội qui cơ quan, qui chế đoàn kiểm toán. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ liên quan đến cuộc kiểm toán giúp cán bộ, kiểm toán viên nắm vững mục tiêu, nội dung phạm vi kiểm toán, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đơn vị cũng có sự quan tâm sâu sát đến cán bộ, kiểm toán viên, đặc biệt là cán bộ trẻ tham gia tích cực và có hiệu quả vào các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao của toàn ngành và của đơn vị. Các hoạt động bề nổi này thực tế đã góp phần to lớn động viên tinh thần, xây dựng ý thức tập thể và cũng là niềm tự hào của kiểm toán viên KTNN chuyên ngành V.

Từ năm 2006 đến nay, KTNN chuyên ngành V đã triển khai và hoàn thành 42 cuộc kiểm toán, phát hành 40 báo cáo kiểm toán đảm bảo chất lượng, tiến độ và thể hiện phong phú sự kết hợp nhuần nhuyễn 3 loại hình kiểm toán trong 1 cuộc kiểm toán (kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động). Chính điều này đã giúp cho kết luận kiểm toán đa dạng, phong phú, có tính thuyết phục cao hơn. Tổng hợp kết quả kiểm toán trong 5 năm qua, đơn vị đã phát hiện và xử lý tài chính: 1.143 tỷ đồng. Qua kết quả kiểm toán, các đơn vị được kiểm toán đã chấn chỉnh công tác quản lý tài chính kế toán, đầu tư XDCB, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Các cuộc kiểm toán của KTNN chuyên ngành V được hầu hết các đơn vị được kiểm toán đánh giá cao về kết quả kiểm toán, thái độ làm việc và thái độ ứng xử của kiểm toán viên… Đó là niềm tự hào, là sự tích tụ năng lượng tập thể giúp đơn vị vượt qua nhiều khó khăn thử thách trong công việc.

Trong 5 năm qua, KTNN chuyên ngành V luôn có ý thức trong việc tham gia đóng góp xây dựng các qui chế, nội qui công tác của cơ quan và các văn bản của các bộ, ngành. Mọi yêu cầu góp ý đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận tập thể và cho ý kiến kịp thời, xác đáng. Đơn vị coi đó là kế sách để góp phần hoàn thiện cơ chế về quản lý và vận hành bộ máy của KTNN. Các văn bản của KTNN đều được nghiên cứu, quán triệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra cán bộ kiểm toán viên luôn tích cực chủ động tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở, viết bài cho các tạp chí, tham gia các hội thảo khoa học nghiệp vụ, đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm của mình cho công tác tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn của ngành.

KTNN Chuyên ngành V luôn coi công tác lãnh đạo của chi bộ, sự điều hành của lãnh đạo và sự nỗ lực của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản là động lực to lớn cho phong trào thi đua. Trong phong trào ấy, tập thể phát huy trí tuệ, cá nhân cống hiến sức mình cho phong trào. Theo đó, tình thân hữu, sự quan tâm và sẻ chia của các đồng nghiệp được vun đắp và kết nối làm cho cơ quan được vui vẻ, ấm áp tình đồng nghiệp. Đó cũng là nguồn động lực vô tận để thúc đẩy phong trào thi đua đến với mỗi người.
Trong 5 năm qua, dù kết quả thi đua vẫn còn khiêm tốn, nhưng KTNN Chuyên ngành V cũng đã đạt được sự ghi nhận của Nhà nước, của Chính phủ và của ngành. Đơn vị đã được tặng Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước,  Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của KTNN, 5 năm liền được nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, 3 năm được nhận Bằng khen của Tổng KTNN. Trong năm qua, đơn vị cũng đã có một cuộc kiểm toán được công nhận là Cuộc kiểm toán chất lượng vàng...  Đặc biệt trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập KTNN, KTNN CNV đã đạt được những thành tích cao khi tham gia Hội diễn văn nghệ và hội thi thể thao toàn ngành.

Qua 5 năm của phong trào thi đua yêu nước, KTNN chuyên ngành V cũng đã  rút ra được 5 bài học lớn:

Một là, Chi bộ, Ban lãnh đạo đơn vị, các tổ chức đoàn thể phải nắm bắt được cách thức tổ chức phong trào thi đua, gắn các chỉ tiêu thi đua vào chương trình công tác chuyên môn, kết nối các tổ chức hoạt động thành kế hoạch, chương trình hướng vào nhiệm vụ cụ thể của đơn vị.

Hai là, phải biết chú trọng đến khối lượng, chất lượng của công tác kiểm toán trong toàn bộ chương trình điều hành của cơ quan. Trong đó, khâu tổ chức lực lượng kiểm toán, sự phối kết hợp giữa các phòng, cơ cấu trình độ kiểm toán viên, việc phân công trách nhiệm rõ ràng, sự kiểm tra sâu sát thường xuyên của Lãnh đạo vụ kết hợp với sự tự giác, tự trọng của từng kiểm toán viên sẽ làm nên sức mạnh hiện thực của hoạt động kiểm toán. Phong trào thi đua tốt chỉ có ở đơn vị có hoạt động chuyên môn tốt, còn hoạt động chuyên môn tốt chính là cơ sở, là tiền đề để gây dựng một phong trào tốt. Đây có thể xem là logic biện chứng giữa chuyên môn và phong trào thi đua.

Ba là, đoàn kết hợp tác, tin cậy, lắng nghe và thấu hiểu cho nhau là nền tảng sức mạnh tinh thần của đơn vị. Nhờ đó mà văn hóa đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp được ươm cấy cho sự nỗ lực, sự thánh thiện và sự cố gắng của từng kiểm toán viên. Cũng vì thế mà họ say mê làm việc, học tập, đóng góp sức mình ngày càng tốt hơn cho tập thể.

Bốn là, sự mẫu mực của Ban lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt trong đơn vị chính là tấm gương để cán bộ, kiểm toán viên noi theo. Đạt được như vậy, sự quản lý, điều hành mới được tín nhiệm và thực sự có uy lực, đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt mới được tập thể cán bộ công chức tin cậy, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để hoàn thành tốt chức phận của mình.

Năm là, với đối tượng kiểm toán rất rộng, nhiều lĩnh vực hoạt động, mỗi cán bộ, kiểm toán viên cần phải quán triệt thái độ đúng mực với đơn vị được kiểm toán. Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán cần phải thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm như đã được quy định tại Luật KTNN. Theo kinh nghiệm của KTNN Chuyên ngành V, nếu xây dựng được mối quan hệ minh bạch và lành mạnh với các đơn vị được kiểm toán thì công việc kiểm toán sẽ luôn đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời mọi khó khăn cũng sẽ được tháo gỡ một cách hợp lý và nhẹ nhàng./.

(Nguồn: theo Tạp chí Kiểm toán số 12 (121) tháng 12/2010)

Xem thêm »