Hoàn thành cơ bản công tác xây dựng các nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và văn bản liên quan phục vụ công tác triển khai Luật Kiểm toán Nhà nước

01/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006. Luật Kiểm toán nhà nước ra đời đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Kiểm toán Nhà nước, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quyết tâm đẩy lùi nạn tham ô, tham nhũng, thực hành chính sách tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, vững bền, đưa đất nước vững tin bước vào hội nhập.

Hoàng Hồng Lạc

 Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006. Luật Kiểm toán nhà nước ra đời đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Kiểm toán Nhà nước, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quyết tâm đẩy lùi nạn tham ô, tham nhũng, thực hành chính sách tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, vững bền, đưa đất nước vững tin bước vào hội nhập.

          Ngay sau khi Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội thông qua, một nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra cho Kiểm toán Nhà nước đó là phải khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thi hành Luật Kiểm toán nhà nước với nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo xây dựng dự thảo một số Nghị quyết trình Uỷ ban thường vụ Quộc hội ban hành và các văn bản trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành theo thẩm quyền.

          Về nhiệm vụ xây dựng dự thảo các Nghị quyết trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm xây dựng 5 dự thảo nghị quyết gồm:

          - Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại Điều 21 Luật Kiểm toán nhà nước;

          - Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước;

          - Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn từng ngạch kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 27 Luật Kiểm toán nhà nước;

          - Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về phê chuẩn bảng lương, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; bảng lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại Điều 70 Luật Kiểm toán nhà nước;

          - Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định việc kiểm toán đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 75 Luật Kiểm toán nhà nước.

          Để thực hiện nhiệm vụ này, mỗi nghị quyết Ban chỉ đạo đều thành lập tổ soạn thảo do đơn vị trực tiếp liên quan chủ trì soạn thảo và được lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo dân chủ. Việc xây dựng các nghị quyết đều đảm bảo các nguyên tắc  như: phù hợp với các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan; kế thừa và bổ sung các quy định mới trên cơ sở đánh giá, rút ra những mặt tích cực và những mặt hạn chế, cần khắc phục, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung của các quy định trước đây mà Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện.

          Tháng 9/2005 Kiểm toán Nhà nước trình và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết đó là:

          - Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước. Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, mô hình tổ chức của Kiểm toán Nhà nước được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất gồm bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp; đảm bảo cơ cấu hợp lý, đồng bộ để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là những chức năng, nhiệm vụ mới được bổ sung theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; đảm bảo sự kế thừa và phát triển cơ cấu tổ chức hiện hành theo quy định tại Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Chính phủ, khắc phục hạn chế, bất cập trên cơ sở đánh giá việc thực hiện cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua; phù hợp với định hướng phát triển của Kiểm toán Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính nhà nước; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm mô hình tổ chức của Kiểm toán Nhà nước các nước trên thế giới. Cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước đến nay gồm 21 đơn vị trực thuộc, trong đó có 07 Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, 05 Kiểm toán Nhà nước khu vực, 06 vụ chức năng và 03 đơn vị sự nghiệp. Với cơ cấu như vậy, tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thiện thêm một bước trong chiến lược phát triển đến năm 2010.

          - Nghị quyết số 917/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước; theo đó, việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy trình chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo do một Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước làm trưởng Ban; Tổ soạn thảo được thành lập theo hướng tập trung các chuyên gia về kế toán, kiểm toán và các nhà khoa học trong và ngoài ngành trực tiếp soạn thảo và làm thường trực cho Ban chỉ đạo trong việc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo và ý kiến của Uỷ ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tài chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam và các cơ quan có liên quan khác để hoàn chỉnh chuẩn mực trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành...

          Tháng 02/2006 Kiểm toán Nhà nước trình và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết đó là:

- Nghị quyết số 1002/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03/3/2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn từng ngạch kiểm toán viên nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch kiểm toán viên nhà nước được xây dựng trên cơ sở phù hợp với những quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức ở các ngạch tương đương theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hiện hành; xuất phát từ cơ sở thực tiễn của hoạt động kiểm toán nhà nước, đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác, thể hiện tính đặc thù của ngành kiểm toán nhà nước; đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn của từng ngạch kiểm toán viên nhà nước được xây dựng trên cơ sở 3 cấp độ sau đây: i) cấp độ chỉ đạo – đây là cấp độ cao nhất, thực hiện việc xây dựng và quyết định những vấn đề mang tính định hướng, bao quát, đối với những công việc quan trọng, phức tạp có tầm ảnh hưởng lớn; người thực hiện những công việc trên ngoài việc phải có kiến thức toàn diện và chuyên sâu về các lĩnh vực của hoạt động kiểm toán, còn phải có bề dày kinh nghiệm và sự hiểu biết về các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội khác. Cấp độ này phù hợp với ngạch kiểm toán viên cao cấp; ii) cấp độ triển khai – cấp độ này nhằm triển khai, thực thi hoá những quyết định của cấp độ chỉ đạo; do dó, đòi hỏi người thực hiện phải có khả năng phân tích, nắm bắt và triển khai thành các công việc chuyên môn cụ thể. Cấp độ này phù hợp với ngạch kiểm toán viên chính; iii) cấp độ thực hiện – nhằm hiện thực hoá những công việc cụ thể theo sự phân công; do đó, đòi hỏi người thực hiện phải nắm chắc những kiến thức cơ bản về kiểm toán, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực kiểm toán. Cấp độ này phù hợp với ngạch kiểm toán viên và kiểm toán viên dự bị. Nghị quyết ra đời tạo ra sự đồng bộ và chuẩn hoá đối với đội ngũ kiểm toán viên nhà nước ở mỗi ngạch; là cơ sở quan trọng cho công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm toán viên trong giai đoạn mới của Kiểm toán Nhà nước.

          - Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03/3/2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về phê chuẩn bảng lương, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; bảng lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước. Chế độ về tiền lương, phụ cấp... đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về chế độ tiền lương; xem xét đến những yếu tố đặc thù của hoạt động kiểm toán nhà nước; đồng thời, đảm bảo hài hoà, thống nhất với các quy định về chế độ tiền l­ương của cán bộ, công chức ở các cơ quan có các hoạt động đặc thù như Toà án, Thanh tra..., có sự tham khảo chính sách về chế độ tiền l­ương đối với công chức Kiểm toán Nhà nư­ớc của một số n­ước trong khu vực và trên thế giới, tham khảo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI): "Nhà nư­ớc phải đảm bảo ­ưu tiên cho kiểm toán viên có chế độ tiền lương phù hợp nhằm tăng c­ường trách nhiệm và đảm bảo tính độc lập của kiểm toán viên khi thi hành nhiệm vụ". Về bảng lương của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định như bảng lương của Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo cấp Vụ và cấp Phòng được xác định theo quy định hiện hành tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang; về bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước được áp dụng theo Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; đối với kiểm toán viên dự bị được áp dụng thang bậc lương của công chức loại A1, như thang bậc lương của kiểm toán viên; về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề được quy định áp dụng cho cán bộ, công chức ở các ngạch kiểm toán viên, mức phụ cấp như chế độ áp dụng đối với công chức ngành thanh tra; theo đó, kiểm toán viên cao cấp gồm cả chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nư­ớc được hưởng thêm 15 mức lương hiện hưởng; kiểm toán viên chính được hưởng thêm 20 mức l­ương hiện hưởng; kiểm toán viên, kiểm toán viên dự bị được hưởng thêm 25 mức lương hiện h­ưởng; chế độ trang phục của cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà n­ước được quy định mới, khắc phục những hạn chế của chế độ trang phục Kiểm toán Nhà nước áp dụng trong những năm vừa qua theo Thông tư liên tịch số 297/1998/TTLT- KTNN- BTC ngày 16/7/1998 giữa Kiểm toán Nhà n­ước - Bộ Tài chính; về chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước được quy định theo hướng, căn c­ứ vào kết quả kiểm toán hàng năm, Kiểm toán Nhà nước được trích 2 số tiền thực nộp vào Kho bạc Nhà nước (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) do Kiểm toán Nhà nước phát hiện ngoài số thu ngân sách nhà nước do cơ quan có nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đảm nhận để đầu tư cơ sở vật chất trong ngành và khen thưởng trong hoạt động kiểm toán.

          Nghị quyết về chế độ tiền lương, phụ cấp… đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự kỳ vọng của Quốc hội đối với Kiểm toán Nhà nước; là sự động viên, khích lệ lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và lực lượng kiểm toán viên nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ; và cũng chính là điều nhắc nhở về nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

          Tháng 3/2006 Kiểm toán Nhà nước trình và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30/3/2006 quy định việc kiểm toán đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 75 Luật Kiểm toán nhà nước. Với phương châm, mọi hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đều phải được kiểm tra, giám sát. Song do đây là lĩnh vực kiểm toán có tính bảo mật cao, liên quan đến bí mật và và an ninh quốc gia, vì vậy, nội dung kiểm toán được quy định trong Nghị quyết đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh không chỉ phải đảm bảo thực thi một cách có hiệu quả hoạt động kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, mà còn phải phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đảm bảo thực hiện yêu cầu quản lý, yêu cầu về bí mật và an ninh quốc gia. Trên cơ sở đó, nội dung và phạm vi kiểm toán được phân thành hai loại, gồm: loại kiểm toán có độ bảo mật cao và loại kiểm toán được thực hiện kiểm toán bình thường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước. Đối với nội dung và phạm vi kiểm toán có độ bảo mật cao, do tính chất đặc biệt của nội dung kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ chỉ đạo trực tiếp hoạt động kiểm toán; báo cáo kiểm toán chỉ gửi cho cá nhân có thẩm quyền và được bảo quản theo chế độ tài liệu tuyệt mật.

          Có thể nói, việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành kịp thời các Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đảm bảo cơ sở cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo Luật Kiểm toán nhà nước.

          Về nhiệm vụ xây dựng các văn bản để Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định theo thẩm quyền, có rất nhiều văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước mà Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phải ban hành. Tuy nhiên, tuỳ theo tính cấp thiết của mỗi văn bản, Kiểm toán Nhà nước đã phân loại ra hai mức độ: loại văn bản cần phải ban hành trước để áp dụng thực hiện ngay sau thời điểm 01/01/2006 và loại văn bản ban hành trong năm 2006.

          Về các văn bản cần phải ban hành ngay như: các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, Quy chế làm việc của Kiểm toán Nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán; Quy định về quy trình kiểm toán và hồ sơ kiểm toán; các văn bản quy định về chương trình bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước, chế độ thi, cấp chứng chỉ, thẻ kiểm toán viên nhà nước, mẫu thẻ và chế độ sử dụng thẻ kiểm toán viên nhà nước... Hiện nay các dự thảo văn bản này đã cơ bản xây dựng xong trên nguyên tắc kế thừa và khắc phục những điểm tồn tại, bất cập của các quy định cũ, bổ sung những quy định mới phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của Luật Kiểm toán nhà nước. Riêng đối với quy định về chương trình bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước, chế độ thi, cấp chứng chỉ, thẻ kiểm toán viên nhà nước, mẫu thẻ và chế độ sử dụng thẻ kiểm toán viên nhà nước, đây là quy định mới áp dụng đối với Kiểm toán Nhà nước, song trong những năm qua Kiểm toán Nhà nước cũng đã có những đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Chương trình học quy định phù hợp với yêu cầu của từng ngạch kiểm toán viên. Tổng Kiểm toán Nhà nước cấp chứng chỉ cho kiểm toán viên nhà nước sau khi kiểm toán viên hoàn thành chương trình của mỗi khoá học đối với từng ngạch; chứng chỉ sẽ là căn cứ để Tổng Kiểm toán Nhà nước cấp thẻ kiểm toán viên nhà nước...

          Về các văn bản ban hành trong năm 2006 như: các quy trình, thủ tục về lập báo cáo kiểm toán, thẩm định báo cáo kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, các văn bản quy định về công tác tổ chức cán bộ,... sẽ được nghiên cứu ban hành trên cơ sở kế thừa và khắc phục những tồn tại, bất cập của các quy định cũ, bổ sung những quy định mới phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của Luật Kiểm toán nhà nước.

Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác triển khai Luật Kiểm toán nhà nước, làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước./.

 

 

Xem thêm »