Kiểm toán thương hiệu năm 2022: Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu

30/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

vừa qua, BreakFreeFromPlastic (BFFP) - Tổ chức toàn cầu hoạt động nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một tương lai không ô nhiễm nhựa - đã hoàn thành cuộc kiểm toán thương hiệu năm 2022 và lên án những công ty, tập đoàn gây ô nhiễm nặng nề nhất thế giới, BFFP cũng kêu gọi các doanh nghiệp toàn cầu chung tay để đẩy lùi tình trạng ô nhiễm này.  

Ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng

Kiểm toán thương hiệu là một cách thu thập bằng chứng để yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm về rác thải nhựa không thể tái chế, dẫn đến các cuộc khủng hoảng rác thải nhựa. Cách duy nhất để chống lại ô nhiễm nhựa là ngăn chặn nó ngay tại xuất phát điểm, buộc ngành công nghiệp sản xuất nhựa phải thay đổi và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Từ năm 2018 đến nay, hơn 200.000 tình nguyên viên của BFFP tại hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện các đợt dọn dẹp rác thải trên quy mô toàn cầu và tham gia vào cuộc kiểm toán thương hiệu để xác định mức độ vi phạm của các công ty, doanh nghiệp gây ô nhiễm nhựa.

Theo Báo cáo kiểm toán thương hiệu toàn cầu năm 2022 của BFFP, trong 5 năm qua, các Công ty như: Coca Cola, PepsiCo và Nestlé đã gây ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng hàng đầu thế giới. Riêng các đợt kiểm toán trong năm 2022 đã tìm thấy hơn 31.000 bao bì của Coca Cola, tăng gấp đôi so với năm 2018. Nghiêm trọng hơn, số lượng bao bì của Coca Cola gom được trong 5 năm qua còn nhiều hơn tổng số lượng của PepsiCo và Nestlé. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, 99% nhựa từ các sản phẩm của Coca Cola được làm từ nhiên liệu hoá thạch, không thể tái chế.

Đáng chú ý, Coca Cola hiện vẫn là nhà tài trợ cho Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP27) của Liên hợp quốc được tổ chức tại Ai Cập. Trong khi đó, Báo cáo kiểm toán thương hiệu năm 2022 đã được công bố trong COP27, nơi các lãnh đạo gặp nhau để tranh luận về cách đạt được tiến bộ toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015.
 
Các tổ chức toàn cầu cần tích cực hành động vì môi trường

Hầu hết các thương hiệu trên toàn cầu đều đang đứng trước cuộc chạy đua hoặc là xanh hóa, hoặc là tụt hậu. Trong đó, ngành hàng tiêu dùng nhanh luôn đứng đầu bảng xếp hạng những doanh nghiệp thải nhiều rác nhựa nhất. Để đối phó với tình trạng này, các nhà hoạt động xã hội trên khắp thế giới đang kêu gọi, yêu cầu các công ty, đặc biệt các “ông lớn” của ngành đồ uống cần có những hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ môi trường.

Điều phối viên toàn cầu tại BFFP Von Hernandaz cho rằng, các chính phủ cần yêu cầu các công ty gây ô nhiễm đầu tư xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thay thế và tái sử dụng để giảm lượng rác thải nhựa ngay từ đầu. Đây là một trong những sự thay đổi hệ thống quan trọng và cần thiết nhằm ngăn chặn hậu quả của biến đổi khí hậu và ô nhiễm nhựa. Đồng thời, để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa hiệu quả, các quốc gia cần đưa ra một hiệp ước nhựa toàn cầu nhằm giảm thiểu hoạt động sản xuất nhựa, buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm mà họ gây ra; hơn nữa, phải đưa ra các giải pháp thay thế như tái sử dụng rác thải.

Vào năm 2018, cùng với các nỗ lực thực hiện các cuộc kiểm toán thương hiệu, Quỹ Ellen MacArthur - một tổ chức phi lợi nhuận của Vương quốc Anh và Chương trình môi trường Liên hợp quốc đã thực hiện cam kết mới về việc sử dụng và xử lý rác thải nhựa toàn cầu. Theo đó, Chương trình tập trung kêu gọi các công ty sản xuất tiêu dùng nhanh thực hiện các cam kết tự nguyện nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa. Tuy nhiên, Báo cáo tiến độ cam kết toàn cầu 2022 đã chỉ ra rằng, các mục tiêu đến năm 2025 của họ dường như không hoàn thành.

Nhiều công ty sau khi tự nguyện tham gia cam kết toàn cầu vẫn tiếp tục tăng đáng kể việc sử dụng bao bì nhựa và không có bất kỳ sự thay đổi nào trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Do đó, BFFP hiện đang kêu gọi một Hiệp ước nhựa toàn cầu chặt chẽ hơn nhằm cung cấp các cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý và các chính sách để giảm thiểu lượng rác thải nhựa từ các tập đoàn. Vào cuối tháng 11/2022, Phiên đàm phán Hiệp ước đầu tiên đã diễn ra tại Uruguay./.
​Báo cáo của BFFP cho thấy, từ năm 2018-2022, có 2.373 cuộc kiểm toán thương hiệu đã được thực hiện tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cuộc kiểm toán đã ghi nhận tổng cộng 2.125.414 sản phẩm rác thải nhựa tại môi trường. Tại Việt Nam, từ năm 2018-2022, 5 tổ chức đã thực hiện 19 hoạt động tại 10 thành phố và ghi nhận hơn 32.000 sản phẩm rác thải được làm từ nhựa.

TUỆ LÂM  (Theo greenpeace.org và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 52/2022)

Xem thêm »