Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kTNN - Những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện: Kinh nghiệm quốc tế về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

30/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Xử phạt hành chính để kiểm toán hiệu quả hơn

Hiện nay, thế giới tồn tại 3 mô hình cơ quan KTNN cơ bản tùy thuộc vào địa vị pháp lý và quan hệ của cơ quan này với hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước khác: Nghị viện, ủy ban hoặc tòa án. Trong khi đa số các SAI hoạt động theo mô hình tòa thẩm kế có quyền ra quyết định xử phạt thì các mô hình khác không được giao công cụ này. Dù tổ chức theo mô hình nào, bản chất của KTNN vẫn là công cụ kiểm soát các hoạt động quản lý tài chính vĩ mô thuộc cơ cấu của bộ máy nhà nước, do vậy luôn có sự đan xen nhau giữa các đặc trưng của từng mô hình. Thực tế, nghiên cứu gần đây cũng cho thấy xuất hiện xu hướng chuyển dịch mới như mô hình nghị viện (hay mô hình wesminster) đang dần bổ sung chức năng xử phạt hành chính để thực thi nhiệm vụ kiểm toán được hiệu quả hơn.

SAI Australia: Theo Luật Tổng Kiểm toán năm 1997, những người không tuân thủ theo hướng dẫn tại Điều 32, Mục 1 - Quyền thu thập thông tin (về việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước) sẽ chịu phạt 30 đơn vị phạt. Những người làm việc tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán nếu không cung cấp cho công chức được ủy quyền của Cơ quan Tổng Kiểm toán nhà nước hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị cần thiết để thực thi quyền hạn của họ thì sẽ chịu 10 đơn vị phạt (Mục 4AA của Luật Hình sự năm 1914 quy định giá trị hiện tại của một đơn vị phạt là 210 AUD).

SAI Trung Quốc: Theo Luật KTNN Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khi đơn vị được kiểm toán từ chối hoặc chậm trễ cung cấp thông tin liên quan đến các vấn đề kiểm toán, hoặc cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, từ chối hoặc cản trở việc kiểm tra, cơ quan kiểm toán sẽ ra lệnh để đơn vị được kiểm toán khắc phục vi phạm, phạt giao nộp số tiền trong một thời hạn nhất định hoặc thực hiện các biện pháp khác. Trước khi đưa ra quyết định xử phạt một khoản tiền lớn, cơ quan phải thông báo cho đơn vị được kiểm toán và những người có quyền lợi liên quan trong một phiên điều trần. Mức cụ thể cho một khoản tiền phạt sẽ do cơ quan kiểm toán quy định.

SAI Nhật Bản: Theo Luật Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản và Luật Sửa đổi, bổ sung (Luật số 73 ngày 19/4/1947), người tiết lộ thông tin bảo mật có thể bị phạt tù kèm lao động tới 1 năm hoặc phạt tiền lên tới 500.000 Yên. Từ kết quả của cuộc kiểm toán, nếu Ủy ban Kiểm toán kết luận nhân viên kế toán đã gây ra thiệt hại đáng kể cho Nhà nước do cố tình hoặc bất cẩn, Ủy ban Kiểm toán có thể yêu cầu người đứng đầu bộ phận liên quan hoặc người chịu trách nhiệm giám sát có biện pháp kỷ luật. Nếu cán bộ chịu trách nhiệm xử lý tiền mặt làm thất thoát tiền, tài sản, Ủy ban Kiểm toán sẽ điều tra và quyết định cán bộ đó có trách nhiệm bồi thường hay không.

SAI Azerbaijan: Xử phạt các hành vi cản trở các hoạt động có liên quan đến kiểm soát tài chính bên ngoài khu vực công của KTNN, gồm: Cản trở các công chức KTNN tiếp cận thông tin; không thực hiện hoặc cản trở KTNN tiếp cận các hệ thống thông tin điện tử; không thực hiện đúng các yêu cầu của KTNN; không gửi hoặc chậm nộp các tài liệu và thông tin cấu thành về bí mật thương mại, thuế và ngân hàng, dữ liệu cá nhân liên quan chịu sự kiểm soát tài chính nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Cộng hòa dân chủ Azerbaijan về KTNN...

SAI Philippines: Pháp luật Philippines quy định bất kỳ cơ quan công nào từ chối kiểm tra và kiểm toán sổ sách tài khoản và hồ sơ liên quan, hoặc gây cản trở không cần thiết cho việc kiểm tra và kiểm toán, hoặc bị kết tội che giấu bất kỳ thông tin trọng yếu nào liên quan đến tình trạng tài chính của mình sẽ phải chịu các hình phạt tương ứng. Cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật sẽ đưa ra phán quyết cho vụ việc trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo điều tra chính thức. Nếu phán quyết chỉ là phạt khiển trách hoặc đình chỉ công tác không quá 30 ngày, hoặc phạt tiền với số tiền không quá 30 ngày lương, phán quyết đó sẽ là phán quyết cuối cùng có hiệu lực thi hành…
 
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua tham khảo kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý về xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN của một số SAI, có thể tổng kết 3 nguyên tắc chung sau:

Một là, các SAI đều xây dựng chức năng, nhiệm vụ và thiết lập các công cụ bảo đảm cho hoạt động kiểm toán trên cơ sở định hướng của Tuyên bố Lima và Tuyên bố Mexico. Tuy nhiên, không tồn tại một mô hình chuẩn. Mỗi nước đều có phương thức riêng tùy bối cảnh, thể chế, thực trạng và yêu cầu thực tế.

Hai là, mục tiêu hướng tới của các SAI là như nhau và mang tính ổn định. Tuy nhiên, cách thức và mức độ sử dụng các công cụ, trong đó có công cụ về xử phạt VPHC có thể thay đổi và điều chỉnh. Nguyên tắc này thể hiện rõ qua xu hướng bổ sung chức năng xử phạt hành chính của các SAI theo mô hình nghị viện.

Ba là, SAI đóng vai trò chủ thể quan trọng trong tổ chức thực thi đồng bộ, minh bạch và hiệu quả các quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực kiểm toán, hướng tới kiến tạo môi trường thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực và tạo sự đồng thuận trong xã hội./.

VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ
(Báo Kiểm toán số 52/2022)

Xem thêm »