Tăng tính đầy đủ, hữu hiệu của chức năng kiểm toán nội bộ

12/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để tăng cường tính đầy đủ, hữu hiệu của chức năng kiểm toán nội bộ (KTNB), Singapore đã đưa ra 10 nguyên tắc đánh giá. Cách thức để KTNB đạt được 10 nguyên tắc này có thể khác nhau giữa các tổ chức, nhưng khi bất kỳ nguyên tắc nào không đạt được, điều đó nghĩa là hoạt động KTNB của tổ chức đó không hữu hiệu như mong muốn.

Đảm bảo chất lượng và hiệu quả KTNB dựa trên nhiều yếu tố. Ảnh PwC

Đảm bảo tuân thủ 10 nguyên tắc

10 nguyên tắc đánh giá KTNB do Singapore đưa ra được chia theo 3 nhóm: Chức năng, phạm vi và nguồn lực, đảm bảo chất lượng kiểm toán, giá trị đề xuất. 

Đối với các nguyên tắc về chức năng, phạm vi và nguồn lực, việc định vị và trao quyền cho KTNB phải được quy định trong điều lệ KTNB. Khi đó, KTNB được quyền tiếp cận thông tin và quản lý thông qua việc tham gia vào các cuộc họp quan trọng của Ủy ban rủi ro, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác. Phạm vi của KTNB tại Singapore đã chuyển trọng tâm từ kiểm toán tuân thủ sang hợp tác kinh doanh với ban quản lý thông qua các kiến nghị để cải thiện và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tốt hơn, hiệu quả hơn. Trọng tâm của quá trình hợp tác kinh doanh là KTNB điều chỉnh công việc theo các mục tiêu và rủi ro chiến lược của tổ chức. Kế hoạch KTNB phải đủ linh hoạt và thích ứng với những thay đổi về ưu tiên và rủi ro phát sinh của tổ chức. Mặc dù chuyển trọng tâm sang hợp tác kinh doanh nhưng KTNB vẫn đảm bảo tính độc lập, tuân thủ các hướng dẫn về vai trò, chức năng.

Về nguồn lực, KTNB tại Singapore yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ phạm vi công việc mà tổ chức cần để giải quyết các rủi ro chính ngày càng đa dạng. Các kiểm toán viên có những kỹ năng vượt ra ngoài các kỹ năng thông thường sẽ được ưu tiên tuyển dụng. Singapore cũng thực hiện chính sách thuê ngoài các chuyên gia để sắp xếp bổ sung nguồn lực nội bộ, trong trường hợp đoàn kiểm toán thiếu kiến thức và chuyên môn nội bộ để thực hiện đánh giá. Các lĩnh vực thuê ngoài phổ biến nhất là kiểm toán công nghệ thông tin, đánh giá an ninh mạng và phân tích dữ liệu.

Bên cạnh đó, tại Singapore, các tổ chức còn áp dụng các chương trình “kiểm toán viên khách mời” hoặc luân chuyển nhân viên từ các bộ phận khác tham gia các dự án kiểm toán để tận dụng chuyên môn và kiến thức kinh doanh của họ. Điều này cũng giúp nâng cao hiểu biết về đơn vị được kiểm toán, đồng thời tạo cơ hội cho các bộ phận chức năng khác tìm hiểu về hoạt động của KTNB.

Liên quan đến nhóm nguyên tắc về chất lượng của KTNB, tại Singapore, KTNB dựa trên các nền tảng về các nguyên tắc theo Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA) và được tiếp cận một cách linh hoạt nhằm đưa ra các kiến nghị chất lượng và cải tiến liên tục. Đứng trước thực tế về sự biến động liên tục của rủi ro, bộ phận KTNB luôn chủ động đánh giá chất lượng công việc và cố gắng nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực nhằm cung cấp sự đảm bảo hiệu quả hơn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro tội phạm tài chính, gần đây là rủi ro hành vi.

Mọi sự thay đổi hay điều chỉnh về cách tiếp cận của KTNB đều nhằm quản lý tốt hơn các giai đoạn trước để tiếp tục duy trì và tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Đây được coi là một trong các thước đo tính hữu hiệu của KTNB tại Singapore. Điều quan trọng nữa là KTNB và Ủy ban kiểm toán luôn có sự hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy quản trị tốt, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Với các giá trị đề xuất của KTNB, tại Singapore, KTNB áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để đưa ra đánh giá độc lập về quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ. Phương pháp tiếp cận này phải bắt đầu bằng việc xác định các rủi ro ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược và các mục tiêu kinh doanh, đặc biệt là những rủi ro làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và khả năng đạt được các kế hoạch và chiến lược. KTNB liên tục xác định và nhận ra những rủi ro mới, đang phát sinh và đang thay đổi. Điều này nhất thiết phải liên quan đến thảo luận với quản lý cấp cao và chức năng quản lý rủi ro.

Hội đồng quản trị thường xuyên có các cuộc họp với KTNB để truyền tải các mục tiêu chiến lược của tổ chức và nắm bắt tình hình thực tế về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, KTNB không chỉ báo cáo và lắng nghe mà còn đóng vai trò tích cực trong xây dựng mục tiêu chiến lược của ban quản lý. Tiếng nói và chất lượng thông tin từ KTNB giúp Hội đồng quản trị đưa ra đánh giá sáng suốt rằng các kiểm soát nội bộ đối với rủi ro tài chính, hoạt động, tuân thủ và công nghệ thông tin nhằm giải quyết thỏa đáng các vấn đề.
 
Bài học cho kiểm toán nội bộ Việt Nam

Từ kinh nghiệm của Singapore trong việc tăng cường tính đầy đủ, hữu hiệu của KTNB, các tổ chức tại Việt Nam cần nghiên cứu để trao quyền cho KTNB với những chức năng phù hợp, bao gồm cả chức năng đảm bảo và tư vấn. Theo đó, trước hết, KTNB có quyền truy cập, tiếp cận mọi thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, KTNB cần tuân thủ khuôn khổ thực hành nghề nghiệp quốc tế nhằm hướng tới việc nâng cao và bảo vệ giá trị của tổ chức bằng cách cung cấp sự đảm bảo, tư vấn và thông tin chi tiết dựa trên rủi ro và khách quan.

Thứ hai, Hội đồng quản trị, Ủy ban kiểm toán cần xây dựng các thang đo đánh giá, đo lường về tính hữu hiệu của KTNB dựa trên những hướng dẫn của IIA và tham khảo 10 nguyên tắc mà KTNB Singapore đã áp dụng. Định kỳ 2-3 năm/lần thực hiện đánh giá độc lập về tính đầy đủ, hữu hiệu của chức năng KTNB bởi các chuyên gia tư vấn bên ngoài.

Thứ ba, cần đầu tư cả về chất lượng nhân sự, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin để KTNB phát huy chức năng của mình. Tổ chức cần lựa chọn các kiểm toán viên nội bộ chất lượng từ tuyển dụng và đào tạo thường xuyên nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp của IIA. Khi thực hiện các chức năng của mình, KTNB cần am hiểu chiến lược của tổ chức và những gì quan trọng đối với duy trì và phát triển tổ chức. KTNB không thể chỉ tập trung vào kiểm soát nội bộ mà cần nhìn rộng, bao quát cả về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro nói chung.

Thứ tư, bản thân các kiểm toán viên nội bộ cần không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thông qua các khóa học nghiệp vụ; thường xuyên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp kiểm toán dựa trên định hướng rủi ro, kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhằm đưa ra các giải pháp, kiến nghị mang lại giá trị gia tăng cho tổ chức./.
 
Hội đồng quản trị, ban quản lý cần quan tâm đến KTNB cả về nguồn lực và thực quyền với phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng. Các chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường tính đầy đủ, hữu hiệu cho chức năng của KTNB luôn cần thiết để KTNB mang lại giá trị ngày càng gia tăng cho tổ chức.

TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - Học viện Ngân hàng
(Báo Kiểm toán số 19/2023)

Xem thêm »