Hoa Kỳ: Quản lý rủi ro gian lận góp phần minh bạch và bảo vệ ngân sách công

07/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kiểm toán nhà nước Hoa Kỳ (GAO) vừa qua đã công bố một báo cáo sau khi tiến hành đánh giá công tác quản lý rủi ro gian lận tại các Bộ, ban, ngành và chỉ ra những lĩnh vực chính các cơ quan liên bang và Quốc hội cần hành động để góp phần minh bạch nguồn ngân sách.  

Gian lận gây ra các hậu quả nghiêm trọng

Tình trạng gian lận trong các chương trình của liên bang khiến Chính phủ Hoa Kỳ thiệt hại hàng tỷ USD; làm suy giảm niềm tin của công chúng vào bộ máy hoạt động của nhà nước. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ ngày càng nâng cao số tiền quỹ liên bang để cứu trợ các nạn nhân của đại dịch, việc sử dụng những khoản tiền khổng lồ trong thời gian ngắn, khẩn cấp đã làm tăng nguy cơ xảy ra gian lận. Mức độ gian lận liên quan đến các chương trình cứu trợ nạn nhân của Covid-19 vẫn chưa được xác định đầy đủ, tuy nhiên những thông tin hiện có cho thấy mức độ gian lận khá lớn và nhiều hình thức gian lận vẫn tiềm ẩn.

Tháng 12/2022, GAO báo cáo rằng, gian lận ước tính trong các chương trình bảo hiểm thất nghiệp của Bộ Lao động trong thời kỳ đại dịch đã lên tới hơn 60 tỷ USD. GAO bày tỏ mối quan ngại trước thực tế này và chỉ ra rằng, các cơ quan cần thực hiện nhiều biện pháp để làm giảm rủi ro gian lận trên toàn liên bang, đặc biệt cần tuân thủ Khung quản lý rủi ro gian lận trong các chương trình liên bang của GAO.

Trong báo cáo, GAO đã nêu bật một số lĩnh vực quan trọng nhưng chưa được các cơ quan liên bang ưu tiên. Đa số các cơ quan, ban, ngành chưa thành lập một đơn vị chủ trì trong quản lý rủi ro gian lận; công tác đánh giá rủi ro gian lận chưa được thực hiện đều đặn; các chiến lược phòng, chống gian lận chưa được thiết kế và thực hiện; phân tích dữ liệu chưa được sử dụng để quản lý rủi ro gian lận; trong các trường hợp khẩn cấp, công tác quản lý rủi ro gian lận cũng chưa được thực hiện tốt. Từ những phát hiện này, GAO nhấn mạnh các cơ quan nhà nước cần thực hiện các hành động bổ sung để đảm bảo quản lý rủi ro gian lận hiệu quả, nhất quán với các thông lệ trong Khung quản lý rủi ro gian lận.
 
Để hỗ trợ các Bộ, ban, ngành quản lý rủi ro gian lận, GAO đã xuất bản Khung rủi ro gian lận vào tháng 7/2015, cung cấp một bộ các thông lệ hàng đầu để hướng dẫn các nhà quản lý khi thực hiện nỗ lực phòng, chống gian lận. Từ năm 2015, GAO đã ban hành hơn 70 báo cáo với nhiều khuyến nghị giúp các cơ quan liên bang quản lý rủi ro. Từ tháng 7/2015-12/2022, GAO đã cung cấp 142 khuyến nghị cho hơn 40 cơ quan.
 
Tăng cường quản lý gian lận để bảo vệ ngân sách

GAO đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Bộ Lao động nhằm cải thiện quản lý rủi ro gian lận trong các chương trình bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm các khuyến nghị để đánh giá rủi ro gian lận và thiết kế, thực hiện chiến lược chống gian lận. Bộ Lao động đã bắt đầu thực hiện các bước để thực hiện những khuyến nghị này nhưng vẫn chưa hoàn thành. GAO cho rằng, khi hoàn thành những khuyến nghị này, Bộ Lao động sẽ quản lý hiệu quả hơn các rủi ro gian lận trong bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo vệ ngân sách công.

GAO cũng chỉ ra những hành động mà Quốc hội có thể thực hiện để tăng cường các hoạt động quản lý nhằm giảm rủi ro gian lận trên toàn Chính phủ. Đặc biệt, các cơ quan công được yêu cầu báo cáo về các biện pháp kiểm soát phòng, chống gian lận và nỗ lực quản lý rủi ro gian lận trong các báo cáo tài chính. Vào tháng 3/2022, GAO đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi Đạo luật năm 2019 về thông tin tính liêm chính trong thanh toán nhằm khôi phục một số yêu cầu báo cáo. Việc yêu cầu các cơ quan báo cáo hằng năm về các biện pháp kiểm soát chống gian lận và nỗ lực quản lý rủi ro gian lận sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát của Quốc hội; giúp cơ quan chú trọng vào quản lý rủi ro gian lận chiến lược, đồng thời giúp điều chỉnh các nỗ lực của các cơ quan theo các thông lệ hàng đầu.

Theo GAO, Quốc hội cần thành lập một trung tâm phân tích thường trực để hỗ trợ cộng đồng giám sát xác định các khoản thanh toán không phù hợp và gian lận. Hơn một năm sau khi các cơ quan bắt đầu phân phối các quỹ cứu trợ, cơ quan thanh tra mới được tiếp cận đến năng lực phân tích trên phạm vi toàn Chính phủ để có thể xác định gian lận. Nếu không có khả năng phân tích thường trực trên toàn Chính phủ để hỗ trợ cộng đồng giám sát, các cơ quan sẽ có nguồn lực hạn chế để có thể đảm bảo công tác quản lý tài chính chặt chẽ cũng như chuẩn bị tốt hơn cho việc áp dụng các thông lệ quản lý rủi ro gian lận và tài chính cơ bản đối với nguồn tài trợ khẩn cấp trong tương lai./.

Yến Nhi
(Theo GAO và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 27+28)
 

 

 

Xem thêm »