Latvia: Cần giải quyết những bất cập trong công tác hỗ trợ đào tạo nhân lực

13/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Latvia cho biết, cuộc kiểm toán đánh giá cơ hội giáo dục dành cho nhân sự tại các tổ chức, cơ quan nhà nước của Latvia phát hiện nhiều vấn đề bất cập.

Nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân sự tại các tổ chức công khá cao tại Latvia. Ảnh: ST

Theo Báo cáo kiểm toán được công bố, ngân sách hỗ trợ công tác giáo dục, đào tạo cũng như nguồn lực của các dự án do Cơ quan Việc làm nhà nước (NVA) và Cơ quan Phát triển giáo dục nhà nước (VIAA) phụ trách hiện chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả; chức năng của các tổ chức có sự chồng chéo.

KTNN Latvia cho biết, nguồn tài trợ cho các dự án đào tạo tính đến cuối năm 2023 là 164,3 triệu euro, số tiền này chỉ có thể hỗ trợ đào tạo gần 200 nghìn người trong khi nhu cầu thực tế cao hơn rất nhiều. Do đó, nguồn tài trợ này đã được lên kế hoạch để hỗ trợ chủ yếu cho các nhóm nhân lực quan trọng, thuộc diện ưu tiên, để bồi dưỡng giúp nhân sự có trình độ cao đảm nhận các vị trí lãnh đạo.

Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán chỉ ra thực tế rằng, năm 2022, hơn 294 nghìn người trong độ tuổi từ 25-64 tại các cơ quan nhà nước có trình độ học vấn thấp. Trong số gần 100 nghìn người đăng ký tham gia đào tạo trong các dự án của NVA và VIAA năm 2019-2022, hơn 28% có trình độ học vấn thấp. Do đó, KTNN Latvia cho rằng, không nên có sự phân biệt về trình độ học vấn khi lựa chọn đối tượng hỗ trợ đào tạo mà cần tìm phương án nâng cao nguồn kính phí, giúp tăng cường sự tham gia của mọi nhân sự các tổ chức, cơ quan vào các chương trình đào tạo, học tập.

Bên cạnh đó, KTNN Latvia đánh giá mục tiêu quốc gia về giáo dục cho nhân sự tại các cơ quan, tổ chức công quá rộng, chưa xác định được số lượng người tham gia đào tạo trong các giai đoạn cụ thể, không thiết lập chỉ số cụ thể cho các nhóm mục tiêu quan trọng.

Theo các kiểm toán viên, từ năm 2019 đến giữa năm 2022, ít nhất 44% số người lao động tại các cơ quan nhà nước đã hoàn thành các khóa đào tạo được hỗ trợ kinh phí nhưng lại không vận dụng vào công việc chuyên môn. Ngoài ra, phần lớn các chương trình giáo dục có thể đáp ứng nhu cầu thị trường lao động chưa được triển khai trên thực tế. Do đó, KTNN Latvia nhấn mạnh rằng, các kế hoạch đào tạo cần được xây dựng chi tiết hơn nhằm giải quyết nhu cầu thực tế của công việc.

Một vấn đề bất cập khác là cả dự báo thị trường lao động dài hạn và trung hạn cũng như danh sách các chương trình giáo dục do NVA và VIAA xây dựng đều chưa chi tiết, không có sự thảo luận đầy đủ với các chuyên gia trong ngành và các bên liên quan, chưa tính đến xu hướng thị trường lao động và nhu cầu đào tạo tương ứng ở các khu vực kinh tế khác nhau... Do đó, cả NVA và VIAA đang phải đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc xây dựng kế hoạch, xác định các ngành nghề cụ thể cần đào tạo.

Qua những phát hiện kiểm toán, KTNN Latvia đưa ra khuyến nghị các bên liên quan cần cải thiện việc lập kế hoạch đào tạo cho nhân sự các cơ quan công. Bộ Kinh tế cùng NVA (trực thuộc Bộ Phúc lợi xã hội) và VIAA (trực thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học) cần tiến hành xác định các ngành nghề đang thiếu lao động có trình độ, tay nghề cao; xác định dự báo thị trường lao động và phát triển kế hoạch đào tạo phù hợp cho các cơ quan, tổ chức.

Sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán, KTNN Latvia đã mời Nội các và Hội đồng Phát triển nguồn nhân lực tham gia giải quyết các vấn đề được xác định trong cuộc kiểm toán này./.

 

Xem thêm »