Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc Kiểm toán nhà nước

06/01/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 
Quy chế gồm 6 Chương và 18 Điều. Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc KTNN (Ban Quản lý dự án chuyên ngành) được thành lập theo Quyết định số294/QĐ-KTNN ngày 09/3/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước. Ban Quản lý dự án chuyên ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư và chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Kiểm toán nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định.
 
Theo Quy chế, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành là: Lập,trình phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án hàng năm; Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng: Thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng chống cháy nổ có liên quan đến xây dựng công trình; tổ chức lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; Tiếp nhận, giải ngân vốn đầu tư và thực hiện các công việc chuẩn bị dự án khác; Thuê tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt hoặc tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng (theo phân cấp); Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có) và thu hồi, giao nhận đất để thực hiện dự án; Tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; Giám sát quá trình thực hiện; Giải ngân, thanh toán theo hợp đồng xây dựng và các công việc cần thiết khác...
 
Các nhiệm vụ kết thúc xây dựng, bàn giao công trình để vận hành, sử dụng: Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành; vận hành chạy thử; quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình và bảo hành công trình. Các nhiệm vụ quản lý tài chính và giải ngân: Tiếp nhận, giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng ký kết với nhà thầu xây dựng; thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản của Ban Quản lý dự án chuyên ngànhtheo quy định; tổ chức thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý dự án theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm quản lý về khối lượng, chất lượng xây dựng, tiến độ thực hiện, chi phí đầu tư xây dựng, an toàn trong thi công xây dựng, bảo vệ môi trường trong xây dựng, lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng, quản lý rủi ro, quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác theo quy định của pháp luật; quản lý nhân sự của Ban Quản lý dự án chuyên ngành; thực hiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động theo quy định;thực  hiện giám sát đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật; định kỳ hoặc đột xuất đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện dự án với Tổng Kiểm toán nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được Tổng Kiểm toán nhà nước giao.
 
Quy chế quy định chi tiết nội dung về: Cơ cấu tổ chức, quyền và trách nhiệm các thành viên; Chế độ làm việc; Tài chính, tài sản; Mối quan hệ công tác của Ban Quản lý dự án chuyên ngành.
 
Được biết, Chế độ tài chính Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành được áp dụng chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Ban được: Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; mở tài khoản giao dịch tại Ngân hàng thương mại để phản ánh các khoản thu, chi từ hoạt động quản lý dự án theo quy định pháp luật. Ban có tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán, có trách nhiệm quản lý sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn kinh phí được cấp để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; lập dự toán thu, chi và mở sổ kế toán theo dõi, quản lý sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật; báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán hàng năm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
 
Về các nguồn thu tài chính, Quy chế nêu: Khoản thu từ nguồn chi phí quản lý dự án tính trong tổng mức đầu tư của các dự án được giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Khoản thu từ các khoản phí được khấu trừ và để lại từ việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án như: 
 
Tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; thẩm định dự toán xây dựng; thu từ việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các hoạt động khác theo quy định hiện hành; Các khoản thu khác như thu tiền bán hồ sơ mời thầu và các khoản thu hợp pháp khác,… (nếu có). Các khoản thu này không tính vào chi phí đầu tư của các dự án được giao quản lý; Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết. Các nội dung chi gồm chi thường xuyên và chi không thường xuyên.
 
Định kỳ hàng tháng, 06 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành có trách nhiệm báo cáo về tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác; chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách. Trong quá trình giải quyết công việc, trường hợp có ý kiến khác với ý kiến của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đơn vị, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành phải chấp hành sự chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo với Tổng Kiểm toán nhà nước, báo cáo kết quả công tác và đề xuất với Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước những vấn đề cần giải quyết, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch công tác liên quan đến nhiệm vụ được giao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. ​
 
​Chế độ tài chính, các khoản thu, chi của Ban Quản lý dự án chuyên ngành quy định tại Quy chế này được áp dụng kể từ thời điểm thành lập. Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Ban theo quy định của Quy chế và quy định của pháp luật có liên quan. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, sửa đổi bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
 
Thanh Trang

Xem thêm »