(kiemtoannn.gov.vn) - Hội đồng thi kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề cấp Nhà nước vừa ra Thông báo số 01/TB-HĐT về các điều kiện, thủ tục đăng ký dự thi chứng chỉ Kiểm toán viên (CPA Việt Nam). Đây là kỳ thi lần thứ 2 kể từ khi Luật Kiểm toán độc lập (Luật KTĐL) có hiệu lực, và trái với mong đợi của nhiều người, kỳ thi này vẫn chưa có nhiều đổi mới so với trước. Để rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).
Đây là kỳ thi thứ 2 kể từ khi Luật KTĐL có hiệu lực thi hành, xin ông cho biết những điểm mới so với kỳ trước và những vấn đề đang đặt ra hiện nay?
- Có thể nói kỳ thi năm nay đã có những điểm mới, mở rộng hơn so với trước, như bỏ môn Tin học, tiêu chuẩn dự thi đối với các ngành học kinh tế khác cũng được giảm các môn học chuyên ngành từ 10% xuống 7%... Tuy nhiên, tôi cho rằng phần lớn các điều kiện dự thi quy định tại Thông tư 129/2012/TT-BTC vẫn giữ nguyên như năm trước. Điều đó sẽ khiến cho 2 mục tiêu về tăng cường số lượng kiểm toán viên (KTV) và quốc tế hóa đội ngũ KTV khó có thể đạt được.
Luật KTĐL khuyến khích mở rộng đầu vào dự thi để tăng số lượng người có chứng chỉ CPA, người có bằng đại học là có thể dự thi. Tuy nhiên, Thông tư 129/2012/TT-BTC quy định có điểm mở rộng hơn nhưng có điểm còn chặt chẽ hơn, đó là phải có thời gian tốt nghiệp đại học từ 60 tháng trở lên, hoặc có 48 tháng làm trợ lý kiểm toán thay vì trước đây quy định tương ứng là 5 năm hoặc 4 năm. Điều này làm cho số lượng đầu vào bị giảm sút là không phù hợp với tinh thần của Luật KTĐL. Về số lượng KTV hành nghề, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến 2020 sẽ có ít nhất 7.000 người có chứng chỉ CPA Việt Nam. Đã 18 năm kể từ kỳ thi đầu tiên năm 1994, nay mới có 2.800 người có chứng chỉ, quy định như hiện nay thì đến 2020 khả quan lắm cũng chỉ có khoảng 5.000 KTV có chứng chỉ.
Về quy định thi chuyển đổi đối với người có chứng chỉ quốc tế sang chứng chỉ CPA Việt Nam bắt buộc thi bằng tiếng Việt theo tôi là thiếu tích cực, khiến người nước ngoài không thể dự thi. Tôi chắc chắn với quy định này trong vòng 10 năm tới sẽ không có KTV người nước ngoài nào có thể tham gia thi chuyển đổi sang CPA Việt Nam. Đây không chỉ là điều làm hạn chế số lượng và chất lượng đầu vào rất rõ ràng mà còn khiến mục tiêu “quốc tế hóa đội ngũ KTV Việt Nam” không đạt được, thậm chí còn giảm so với trước đây. Từ năm 2010 Việt Nam đã ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ KTV giữa các nước ASEAN, nhưng với quy định này tôi nghĩ khó có thể được quốc tế công nhận chứng chỉ CPA Việt Nam.
Về nội dung thi, ông có nhận xét như thế nào?
- Có ý kiến cho rằng, thi CPA Việt Nam hiện vẫn còn nặng về lý thuyết và thiếu những bài thi thực hành, bài tập tình huống - điều rất cần thiết để đánh giá năng lực của KTV. Đó là do việc ra đề thi đều do giảng viên các trường đại học đảm nhiệm. Khả năng ra đề thi của giảng viên rất tốt nhưng thường nặng về lý thuyết mà thiếu hẳn phần tình huống thực hành trong công việc vì họ không thực tế hành nghề. Như ở các nước, đề thi KTV là do các Hội nghề nghiệp hoặc chuyên gia độc lập từ các công ty kiểm toán xây dựng, nên tính thực tế rất cao. Họ có những bài thi tình huống kéo dài 3 tiếng đồng hồ, thậm chí cho phép mang tài liệu, như yêu cầu xây dựng kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro một công ty... Vì vậy, những người được cấp chứng chỉ hành nghề đều đã rất thành thục trong công việc.
Theo ông, để nâng cao chất lượng của các kỳ thi, chúng ta cần đưa ra các giải pháp gì?
- Theo tôi, Bộ Tài chính nên tổ chức mỗi năm 2 kỳ thi cấp chứng chỉ KTV. Đây là một trong những giải pháp tích cực để nâng cao số lượng KTV có chứng chỉ hành nghề. Mặt khác, thời gian thi cần cố định, như ACCA cố định thời điểm tổ chức 2 kỳ thi hàng năm vào tháng 6 và tháng 12, như vậy người dự thi rất chủ động trong việc bố trí thời gian học, thời gian thi. Như hiện nay chúng tôi tổ chức học ôn thi từ cuối tháng 6 nhưng thí sinh cũng khó có thể tập trung vì chưa biết rõ thời điểm thi. Lịch trình thi không ổn định làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của kỳ thi.
Mặt khác, cần sớm hoàn chỉnh tài liệu học thi. Hiện vẫn đang sử dụng bộ tài liệu ôn thi đã có từ lâu, cần phải nâng cấp lên thành giáo trình, trong đó có những bài tập thực hành, thậm chí đặt ra yêu cầu như thực hiện một cuộc kiểm toán quy mô nhỏ. Thời gian học cần dài hơn và bố trí thành chương trình, không nên quy định chỉ là ôn thi như hiện nay.
Một vấn đề chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được chấp nhận, đó là cần công khai đề thi, đáp án và điểm thi. Đây là việc hết sức quan trọng để nâng cao trách nhiệm của người ra đề cũng như người chấm thi bảo đảm công khai, minh bạch cuộc thi tầm quốc qua này. Khi tham gia xây dựng Thông tư 129/2012/TT-BTC, VACPA cũng đã đặc biệt kiến nghị vấn đề này nhưng Ban soạn thảo cho rằng không có quy chế bắt buộc nên không cần công khai.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Kiểm toán (Số 35/2013)