Giám sát tài chính quốc gia: Cần tăng cường giám sát hiệu quả và giám sát cảnh báo sớm

29/08/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tại Hội thảo - triển lãm Vietnam Finance lần thứ 10 với chủ đề “Tăng cường giám sát tài chính quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ” do Bộ Tài chính và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức ngày 27/8 tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, việc giám sát tài chính chủ yếu dừng ở giám sát tuân thủ, vì thế cần thực hiện giám sát hiệu quả và giám sát cảnh báo sớm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh, giám sát tài chính là vấn đề có nội hàm rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Trong đó, 3 trụ cột được xem là quan trọng nhất đối với nền tài chính quốc gia là: giám sát tài chính công, giám sát tài chính doanh nghiệp và giám sát thị trường tài chính. Ba trụ cột này có mối quan hệ, tương tác lẫn nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Để đảm bảo việc giám sát có hiệu quả cần có sự quy tụ của 5 yêu cầu cốt lõi và cơ bản: Khuôn khổ pháp lý đầy đủ, toàn diện cho giám sát tài chính vĩ mô; có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, Bộ, ngành liên quan trong thực hiện giám sát; có hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô bao quát được nội dung và chủ thể cần giám sát; hình thành được hệ thống dữ liệu thông tin phục vụ công tác giám sát tài chính vĩ mô thỏa mãn các tiêu chí: đầy đủ, chính xác, kịp thời; đảm bảo tính minh bạch, công khai trong thực hiện giám sát tài chính vĩ mô.

Trong khi đó, thực trạng giám sát tài chính ở Việt Nam đang bộc lộ một số điểm hạn chế, đặc biệt là hệ thống các công cụ giám sát tài chính cần phải tiếp tục điều chỉnh, việc giám sát chủ yếu dừng ở giám sát tuân thủ, trong khi giám sát hiệu quả và giám sát cảnh báo sớm cần tiếp tục hoàn thiện; hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính công chưa bao quát hết các loại hình rủi ro liên quan, hệ thống thông tin phục vụ cho công tác giám sát còn chưa đầy đủ, phân tán và chưa được cập nhật thường xuyên, công tác thống kê, hạch toán trong một số trường hợp chưa theo đúng các chuẩn mực quốc tế nên khó so sánh khi đánh giá về mức độ rủi ro; công tác giám sát tuân thủ pháp luật trên thị trường chứng khoán chưa bao quát hết các vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn, hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của các DNNN vẫn còn những điểm cần tiếp tục cải thiện; việc chia sẻ thông tin trong nội bộ từng ngành cũng như giữa các cơ quan chức năng còn có điểm hạn chế, cơ cấu hệ thống giám sát còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận, nhất là ở tầm vĩ mô, liên ngành, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan giám sát trong một số nội dung còn trùng lắp, cần phải được rà soát để điều chỉnh cho phù hợp.
 
Đồng quan điểm với Bộ Tài chính, TS. Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng: Chính sách, khuôn khổ, các công cụ phục vụ cho giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính chưa hoàn thiện, hệ thống chỉ tiêu giám sát an toàn vĩ mô và đặc biệt là kỹ năng kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống tài chính vẫn đang trong giai đoạn ban đầu của quá trình nghiên cứu triển khai. Do đó, việc hoàn thiện và nâng cao năng lực giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính là một yêu cầu cấp thiết. Ông khuyến nghị, trước mắt kỷ luật thị trường phải được tôn trọng, trong đó tập trung giám sát theo cơ chế thị trường hơn là giám sát bằng việc áp dụng các biện pháp hành chính; cần chuẩn bị tốt kiến thức và hiểu biết sâu về các điều kiện kinh tế và thị trường tài chính cho cán bộ của các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô; tăng cường hợp tác xuyên biên giới với các cơ quan giám sát nước ngoài. Về trung và dài hạn, cần phải đánh giá toàn diện thực trạng và khả năng triển khai hoạt động giám sát an toàn vĩ mô tại Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng khuôn khổ pháp lý cũng như xây dựng một cơ chế điều phối thực sự có hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính (bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bảo hiểm Tiền gửi) cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Những hạn chế nói trên đòi hỏi cần phải được nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đầy đủ để đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát tài chính. Hội thảo này là một cơ hội để thảo luận về các vấn đề.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã giới thiệu các xu thế công nghệ, các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, đáp ứng yêu cầu điều hành, quản lý tài chính quốc gia nói chung, giám sát tài chính nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững cho hệ thống tài chính quốc gia.

Theo Báo Kiểm toán (Số 35/2013)
 

Xem thêm »