Kỷ niệm 19 năm ngày thành lập KTNN: Những cột mốc đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước

01/08/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hà Ngọc Son
Nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

(kiemtoannn.gov.vn) - Năm 1991, sau khi xem xét tờ trình của Bộ Tài chính về đề án thành lập các công ty kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân, Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập và đưa vào hoạt động thí điểm hai công ty kiểm toán Việt Nam (Vaco) và Công ty dịch vụ Kế toán (AASC). Sau 3 năm hoạt động, ngày 29/1/1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/CP chính thức cho phép thành lập các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán trong nền kinh tế quốc dân. Qua hơn 2 thập kỷ hoạt động hệ thống kiểm toán độc lập ở nước ta đã có những bước trưởng thành và phát triển vượt bậc, đến nay  trong nền kinh tế quốc dân đã có hàng trăm công ty  kiểm toàn và dịch vụ tư vấn tài chính kế toán với hơn 1000 kiểm toán viên chuyên nghiệp được cấp chứng chỉ hành nghề.

Song song với việc triển khai xây dựng hệ thống kiểm soát độc lập, từ năm 1992 Bộ Tài chính bắt đầu vào việc nghiên cứu xây dựng đề án thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước bằng việc nghiên cứu khảo sát mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Toà thẩm kế Cộng hoà Pháp, KTNN Cộng hoà liên bang Đức, Malaisia, Singapore và nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Trong các năm từ 1992 đến 1994 trong rất nhiều các phiên họp của Chính phủ đề án thành lập cơ quan KTNN đều được đưa ra bàn thảo sôi nổi và ngày 11 tháng 7 năm 1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/CP về việc thành lập cơ quan KTNN thuộc Chính phủ. Có thể nói Nghị định 70/CP  ngày 11/7/1994 của Chính phủ là văn bản pháp lý đầu tiên, cũng là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời và đi vào hoạt động của cơ quan KTNN, một thể chế kiểm tra độc lập chưa từng có tiền lệ trong hệ thống cơ quan quyền lực ở nước ta. KTNN có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các tổ chức sự nghiệp nhà nước, các đơn vị kinh tế Nhà nước và các tổ chức xã hội có sử dụng nguồn kinh phí Nhà nước. Địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của KTNN được điều chỉnh, bổ sung nâng cao theo quy định tại Nghị định 93/CP năm 2003, KTNN là cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện quyền hạn nhiệm vụ của cơ quan thuộc Chính phủ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ. Ngoài chức năng kiểm toán báo cáo tài chính. KTNN còn có chức năng kiểm toán tuân thủ pháp luật, kiểm toán tính hiệu lực hiệu quả kinh tế (kiểm toán hoạt động) trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước và tài sản công.

Trong giai đoạn này tuy chưa có Luật KTNN nhưng nhiều vấn đề mang tính pháp lý quan trọng trong hoạt động KTNN đã được quy định trong một số luật có liên quan đặc biệt là Luật ngân sách Nhà nước và Luật Ngân hàng Nhà nước. Hơn 10 năm (từ 1994 đến 2005) triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ và các Luật có liên quan để xây dựng tổ chức và phát triển hoạt động, KTNN đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

- Định hình được mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động KTNN phù hợp với thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

- Ban hành và đưa vào vận hành trong xây dựng tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện hoạt động kiểm toán và các hoạt động khác của ngành, một hệ thống các văn bản pháp quy đồng bộ và luôn được hoàn thiện, cập nhật bổ sung những kiến thức mới và kinh nghiệm tiên tiến từ thực tiễn hoạt động kiểm toán trong nước và trên thế giới. Hệ thống các chuẩn mực  kiểm toán, quy trình Kiểm toán, các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ Kiểm toán lần lượt được xây dựng đã hướng cho các hoạt động kiểm toán đi dần vào nền nếp, bài bản theo hướng chuyên nghiệp hoá và hiện đại hoá.

- Bộ máy tổ chức KTNN ở Trung ương và các khu vực lần lượt được xây dựng và đi vào hoạt động. Cơ sở vật chất, phương tiện và các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động kiểm toán tuy còn thiếu thốn, nhưng về cơ bản  đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, đảm bảo tính độc lập khách quan và chủ động trong triển khai các kế hoạch kiểm toán, hạn chế tối đa sự trợ giúp của các đối tượng kiểm toán.

- Xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và Kiểm toán viên ngày càng đông đảo với cơ cấu ngành nghề hợp lý có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Tạo lập được môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị của người Kiểm toán viên.

- Phạm vi và quy mô hoạt động kiểm toán ngày càng mở rộng, chất lượng hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng cao, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán ngày càng được phát huy đầy đủ hơn trong thực tế hoạt động quản lý của các  đối tượng được kiểm toán, của các ngành, các cấp, các cơ quan lãnh đạo Nhà nước.

- Chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế về kiểm toán, mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới để tranh thủ sự giúp đỡ và học hỏi những kinh nghiệm tiên tiến, những kiến thức mới của khoa học kiểm toán.

- Nhìn lại chặng đường 10 năm đầu tiên của KTNN với muôn vàn khó khăn và thách thức những thành tựu mà KTNN đạt được là rất cơ bản và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề và nền móng  cho sự phát triển bền vững của KTNN trong giai đoạn mới.

- Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI, ngày 14 tháng 6 năm 2005 Quốc hội đã thông qua Luật KTNN ( Luật được công bố theo sắc lệnh của Chủ tịch nước ngày 24/6/2005). Đây được coi là cột mốc quan trọng thứ hai đánh dấu giai đoạn trưởng thành và phát triển mới của KTNN. Luật  KTNN là một đạo luật quan trọng, là công cụ pháp lý để tăng cường kiểm tra kiểm soát các nguồn lực tài chính đồng thời là cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay trong hoạt động Kiểm toán. Luật quy định những vấn đề cơ bản nhất nhằm đảm bảo vị thế, tính độc lập, khách quan chỉ tuân theo pháp luật của KTNN. Địa vị pháp lý KTNN được khẳng định trong Luật là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu và miễn nhiệm. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, trách nhiệm giữ và cung cấp thông tin và báo cáo kiểm toán, vấn đề công khai kết quả kiểm toán, trách nhiệm giữ và cung cấp thông tin và báo cáo kiểm toán, vấn đề công khai kết quả kiểm toán, trách nhiệm thực hiện các kết luận và kiến nghị kiểm toán,v.v… đã được quy định trong Luật. Luật Kiểm toán được ban hành đã mở ra một cơ hội mới, một môi trường thuận lợi để KTNN phát triển. Thực tế trong những năm qua từ sau khi có Luật, KTNN đã có những bước tiến vượt bậc, hành lang pháp lý của hoạt động Kiểm toán được bổ sung và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu lực và hiệu quả hoạt động Kiểm toán, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực phát triển nhanh chóng phủ đều khắp mọi miền đất nước với hàng ngàn Kiểm toán viên và chuyên gia Kiểm toán được tuyển dụng và huấn luyện một cách bài bản, chuyên nghiệp; cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động Kiểm toán được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn; Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua đã và đang được đưa vào cuộc sống; phạm vi và quy mô kiểm toán được mở rộng đáng kể, đặc biệt chú trọng tăng cường kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, hướng hoạt động kiểm toán đi vào các lĩnh vực, các chương trình dự án mà dư luận xã hội đang bức xúc; kỷ luật kiểm toán, phương pháp công tác, mối quan hệ phối hợp, hợp tác với các địa phương, các ngành và đơn vị kiểm toán được đổi mới và cải tiến đáng kể mang lại kết quả rõ rệt, các mặt hoạt động khác của KTNN đều có những tiến triển tích cực.

Có thể nói những năm sau khi có Luật KTNN, KTNN đã có bước trưởng thành và phát triển vượt bậc nâng cao vị thế và tầm vóc cơ quan KTNN.

Sự phát triển nhanh chóng hợp quy luật cùng với hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng cao của hoạt động kiểm toán trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong gần hai thập kỷ qua đã đến lúc đòi hỏi địa vị pháp lý của KTNN phải được hiến định trong Hiến pháp của Nhà nước ta. Nhận rõ sự đòi hỏi khách quan và bức xúc đó, Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khoá XI) của Đảng về những nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định việc nghiên cứu hiến định một số nội dung cơ bản đảm bảo quyền năng pháp lý độc lập của KTNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển KTNN trong giai đoạn mới.

Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi hiện nay đã được công bố để lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và đang được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 13 bàn thảo sôi nổi. Theo bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các quy định về địa vị pháp lý của KTNN và một số nội dung cơ bản khác được quy định trong một chương mới của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi dành riêng cho những quy định về các thiết chế độc lập. Hiến pháp là một đạo luật cơ bản và có giá trị pháp lý cao nhất của mỗi quốc gia. Vì vậy, khi địa vị pháp lý của KTNN được hiến định trong Hiến pháp thì đó là sự khẳng định vai trò vị thế rất cao của KTNN trong hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính của Nhà nước. Việc hiến định địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp được coi là cột mốc quan trọng bậc nhất đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của KTNN, tạo tiền đề và cơ hội để KTNN tiếp tục hoàn thiện vươn lên một tầm cao mới để trở thành cơ quan Kiểm toán tối cao theo đúng tiêu chí và chuẩn mực đã ghi trong Hiến chương của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Nỗ lực phấn đấu để địa vị pháp lý được hiến định trong Hiến pháp đã là một việc rất quan trọng và khó khăn, nhưng việc tổ chức và hoạt động của ngành KTNN sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua và địa vị pháp lý của KTNN sẽ được hiến định trong Hiến pháp lần này mới thực sự đòi hỏi sự phấn đấu không mệt mỏi của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo và cán bộ, công chức, kiểm toán viên KTNN.

Nhân dịp kỷ niệm 19 năm ngày thành lập KTNN, chúng ta nhiệt liệt chúc mừng thành tựu  và tiến bộ mà KTNN đã đạt được trong 19 năm qua. Chúc lãnh đạo KTNN và tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTNN đoàn kết, phấn đấu  vượt qua mọi thách thức trong giai đoạn mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành./.

Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học Kiểm toán số 69
(Tháng 7.2013)                       
 

Xem thêm »