Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

18/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng - Thực trạng và giải pháp”. Tại đây, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến vấn nạn tham nhũng và những tồn tại từ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được phân tích, chỉ rõ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu khai mạc Hội thảo

Thanh tra và KTNN góp phần quan trọng trong PCTN
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, tham nhũng và lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt và làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Cùng với việc tăng cường và kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật đối với công tác PCTN, công tác đấu tranh chống tham nhũng trên mọi mặt trận đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn. Số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử với số lượng lớn, bình quân mỗi năm khởi tố 282 vụ/600 bị can.

Sau 6 năm triển khai Luật PCTN, toàn ngành Thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kết thúc 52.671 cuộc; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc; kiến nghị thu hồi NSNN 20.743,8 tỷ đồng, 3.793.978 USD. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng, xử lý trách nhiệm 3 người đứng đầu.

Sau 6 năm thực hiện Luật PCTN (tính đến hết năm 2012), KTNN đã tiến hành kiểm toán 903 cuộc kiểm toán, qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 121.100 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân hàng trăm vụ việc; trong đó, riêng năm 2012, KTNN đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ. Tính đến hết tháng 6/2013, toàn ngành đã triển khai 75/143 cuộc kiểm toán, kết thúc 52 cuộc kiểm toán, phát hành 5 báo cáo kiểm toán. Chỉ tính riêng 5 báo cáo kiểm toán đã phát hành đã kiến nghị xử lý về tài chính 83,3 tỷ đồng.

Đánh giá về vai trò của KTNN trong việc phát hiện và PCTN, TS. Nguyễn Quốc Hiệp - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (TTCP), cho biết: Kết quả kiểm toán của KTNN là nguồn thông tin rất có giá trị trong PCTN. Hoạt động kiểm toán của KTNN góp phần rất ý nghĩa vào việc ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực xâm hại tài sản đất nước và sự tha hoá, biến chất đội ngũ cán bộ quản lý.

Thông qua việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đã giúp các cấp, các ngành phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, từ đó giúp cơ quan lập pháp bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng phù hợp hơn...

Tăng cường phối hợp xử lý vi phạm về tham nhũng
Cùng với những kết quả đạt được đáng ghi nhận, thời gian qua, công tác PCTN vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là: Việc vận dụng một số chủ trương, chính sách và áp dụng các quy định pháp luật về PCTN chưa sát với tình hình thực tiễn, thiếu hiệu quả (như minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức); xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa phát huy nhiều tác dụng trong PCTN. Việc xác định đúng đắn dấu hiệu của hành vi, tính chất và mức độ của vụ việc tham nhũng cũng như trách nhiệm của những người vi phạm đòi hỏi có nhiều thời gian, hiểu biết pháp luật, chuyên môn, điều này cũng khiến cho công tác xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Một thực tế khác được TS. Nguyễn Quốc Hiệp chỉ ra, đó là: dù các cơ quan như Thanh tra, KTNN đã phát hiện sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý hành chính, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý còn ít.

TS. Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết, hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra năm 2011 là hơn 11 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên việc thu hồi đạt tỉ lệ rất thấp - khoảng 300 tỷ đồng, tương ứng với 2,6%, tức là còn tới 97,4% chưa và không thu hồi được. Nguyên nhân, theo TS. Đỗ Văn Đương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, do tâm lý nể nang, né tránh nên nhiều nơi chưa kiên quyết chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho các cơ quan điều tra xem xét để xử lý hình sự. Việc xử lý nhiều vụ việc tham nhũng còn kéo dài, trong đó số vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra chiếm xấp xỉ 70%.

Hội thảo cũng thống nhất ý kiến cần phát huy tối đa vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, trong đó, sự tăng cường phối hợp và quyết liệt trong xử lý sai phạm đóng vai trò quyết định, góp phần đẩy lùi tham nhũng. “Hiện tại, TTCP đã triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu chung về PCTN tiến tới sẽ mở rộng đến các cơ quan ở Trung ương có chức năng về PCTN như KTNN, Bộ Công an; đẩy mạnh hơn mối liên kết trong PCTN giữa các cơ quan trong tương lai” - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (TTCP) Ngô Mạnh Hùng cho biết.

Theo Báo Kiểm toán (Số 29/2013)
 

Xem thêm »