Phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

15/05/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2013 phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, pham vi nghiên cứu gồm toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước thuộc địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông.

Mục tiêu quy hoạch là cụ thể hóa định hướng phát triển thoát nước Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phân vùng, lưu vực tiêu thoát nước. Dự báo yêu cầu thoát nước mưa và tổng lượng nước thải đô thị; xác định phương án thoát nước, xử lý nước thải theo từng lưu vực đô thị. Đồng thời, khắc phục tình trạng ngập úng khu vực đô thị với lượng mưa tính toán có chu kỳ 10 năm đối với công trình đầu mối, chủ động điều tiết lũ với chu kỳ cao hơn; Tỷ lệ dân số được phục vụ thu gom và xử lý nước thải trong phạm vi quy hoạch đạt 90% đến năm 2030 và đạt 100% đến năm 2050; Xác định nhu cầu đầu tư hệ thống thoát nước trong từng giai đoạn, làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án thoát nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước.

Theo Quy hoạch, thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước chính là vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Cụ thể, vùng Tả Đáy thoát nước bằng bơm cưỡng bức bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực sông Tô Lịch, Đông Mỹ, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn, diện tích khoảng 47.350 ha. Vùng Hữu Đáy thoát nước tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn và các thị trấn, diện tích khoảng 31.310 ha. Và vùng Bắc Hà Nội, kết hợp một phần thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, diện tích khoảng 46.740 ha.
 
Đối với quy hoạch thoát nước mưa, các khu vực trong phạm vi được phân chia thành các lưu vực chính và các tiểu lưu vực nhỏ, bảo đảm thoát nước mưa trên bề mặt nhanh, triệt để; Phát huy tối đa khả năng thoát nước mặt bằng tiêu tự chảy, tăng diện tích thấm nước mưa, … Đối với khu vực đô thị, cải tạo, xây dựng mới hệ thống mạng lưới cống, kênh, sông và các trạm bơm thoát nước, đồng thời cải tạo, bảo tồn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường các hồ hiện có, phát huy chức năng tổng hợp của các hồ điều hòa, hồ cảnh quan. Ở khu vực ven đô thị và ngoài đô thị, cần lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi và điều kiện của địa phương. Đối với sông, suối chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ chống sạt lở,…

Theo Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải, khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ) được chia thành 5 lưu vực chính thu gom và xử lý nước thải. Khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc khu vực từ Hữu Nhuệ đến sông Đáy và một phần lưu vực Tả Nhuệ còn lại) được chia thành 11 lưu vực; Khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng được chia thành 13 lưu vực; các đô thị vệ tinh, đô thị Quốc Oai được chia thành 10 lưu vực thu gom và xử lý nước thải.

Mạng lưới thu gom nước thải bao gồm các trạm bơm chuyển bậc, các tuyến cống bao và giếng tách nước thải, cống thu gom nước thải riêng đã được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu thu gom toàn bộ nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.

Dự kiến sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị với công suất của các nhà máy xử lý nước thải là 1,8 triệu m3/ngày (đến năm 2030); 2,4 triệu m3/ngày (đến năm 2050).
 
Quy hoạch cũng nêu rõ, trong xử lý nước thải và xử lý bùn, sử dụng công nghệ, thiết bị xử lý nước thải, bùn thải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xử lý nước thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phải ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, có tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai.
 
Dự kiến, kinh phí đầu tư thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 116.500 tỷ đồng./.

Minh Thúy

Xem thêm »