Kiểm toán Nhà nước tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi

17/04/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Để triển khai lấy ý kiến công chức, viên chức, người lao động Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, theo tinh thần Văn bản số 145-CV/TW ngày 04/02/2013 của Ban Bí thư về việc lãnh đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Ngày 28/02/2013 Ban Cán sự Đảng KTNN đã ban hành Công văn số 07- CV/BCS tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lấy ý kiến công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình về dự thảo Luật đất đai sửa đổi đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ngày 18/3/2013, KTNN ban hành Kế hoạch số 316/KH-KTNN lấy ý kiến về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của công chức, viên chức, người lao động của KTNN trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai. Quá trình thực hiện thể hiện tính chủ động, trách nhiệm của các đơn vị. Việc lấy ý kiến công chức, viên chức, người lao động của KTNN về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi được thực hiện qua các hình thức: Phát tài liệu đến từng công chức để nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến công chức, viên chức, người lao động.

Công tác tổng hợp ý kiến được các đơn vị thực hiện nghiêm túc và gửi về đầu mối lập báo cáo chung của toàn ngành: số đơn vị trực thuộc gửi báo cáo về đầu mối đạt 30/30 đơn vị; số ý kiến tham gia đạt 269 lượt ý kiến. Các ý kiến đóng góp đều thể hiện trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng, nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị của KTNN đối với việc sửa đổi và thi hành Luật đất đai.

Các ý kiến đóng góp đều đánh giá về sự phù hợp của nội dung Dự thảo Luật với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong Nghị Quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đặt nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bao gồm 14 chương và 206 điều (tăng thêm 06 Chương và 44 Điều so với Luật Đất đai 2003) điều chỉnh toàn diện các hoạt động quản lý, sử dụng đất đai. Dự thảo lần này đã đặt ra mục tiêu sử dụng đất đai có hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp trong sử dụng đất, giảm khiếu kiện, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Nội dung Dự thảo được đánh giá là phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật đất đai nêu trong Nghị quyết số 19/NQ/TW.

Việc giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật đất đai qua gần 10 năm thi hành, cụ thể:
Luật đất đai năm 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế, một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn của giai đoạn phát triển mới của đất nước, do đó cần phải được xem xét giải quyết một số vấn đề như: Các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến đất đai đa phần liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho các tổ chức và cá nhân bị thu hồi đất nhằm phục vụ các dự án phát triển kinh tế nhưng các tổ chức, cá nhân không được nhận bồi thường một cách thỏa đáng nên đã dẫn đến sự xung đột về lợi ích. Do vậy, các quy định liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với người bị thu hồi đất cần thiết phải được lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực quản lý đất đai và của đông đảo quần chúng nhân dân. Ngoài ra, cũng cần thiết tham khảo các chính sách về đất đai, công tác thu hồi, bồi thường và tái định cư của các nước trên thế giới để có thể vận dụng phù hợp với tình hình của đất nước.

 Cách tính giá đất, xác định giá đất, thực tiễn cho thấy giá đất thực tế được giao dịch trên thị trường thường lớn hơn nhiều so với giá đất trong các bảng giá đất do các địa phương lập và ban hành. Do vậy, khi Nhà nước thu hồi đất và tính tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất trên cơ sở Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định không đảm bảo bù đắp thỏa đáng thiệt hại của người dân khi bị thu hồi đất so với giá quy định trên thị trường dẫn đến nhiều khiếu kiện, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người và cả các hành vi chống đối quyết định hành chính của các cấp. Từ thực tiễn trên cho thấy cần thiết phải nghiên cứu thêm đối với các quy định về xác định giá đất trong Luật Đất đai sao cho giải quyết tốt được các vấn đề trong thực tiễn đang đặt ra.

Tham nhũng về đất đai diễn ra hết sức phức tạp, chính vì vậy, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này cũng cần phải có những quy định để làm cơ sở cho việc xử lý tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Trong Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật chưa quy định cụ thể về các chế tài xử lý vi phạm trong quản lý đất đai. Đề nghị Nhà nước cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định về các chế tài cụ thể xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nghiêm trọng về quản lý và sử dụng đất đai.

Đối với vấn đề thu hồi đất, Dự thảo mới chỉ đề cập hình thức thu hồi, song thực tế còn có các hình thức trưng mua, trưng thu, vì vậy đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung quy định rõ vấn đề này. Hiện nay, tại khoản 1 Điều 15 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Với quy định này cần thiết phải nghiên cứu kỹ lưỡng đối với việc thu hồi đất vì mục đích “thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội” để hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách để tiêu cực tham nhũng đất đai.

Về cơ chế giá đền bù đất, đối với trường hợp đền bù để giao đất cho doanh nghiệp thì phải có thỏa thuận về giá, nếu phục vụ lợi ích quốc gia thì áp dụng theo khung giá của Nhà nước; cần quy định rõ nguyên tắc, nguồn thông tin và phương pháp để xác định giá thị trường, xây dựng giá đền bù nhằm đảm bảo sự công bằng lợi ích giữa các bên liên quan do việc thu hồi đất tạo ra.

Vấn đề giá đất là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Giá đất phải do Nhà nước quy định, tuy nhiên căn cứ để xác định giá là dựa vào giá thị trường thì cần có sự quy định rõ ràng, minh bạch. Nhà nước nên dựa theo điều kiện thương mại, điều kiện phúc lợi xã hội, điều kiện giao thông để xây dựng giá đất và tùy theo mức độ phát triển của cả nước, của từng địa phương mà xây dựng giá cho phù hợp. Hơn nữa giá đất theo dự thảo là “đảm bảo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” là một khái niệm không rõ ràng, không minh bạch, dễ bị lợi dụng, áp dụng tùy tiện trên thực tiễn,…

Bên cạnh đó, các ý kiến cụ thể về từng nội dung Dự thảo cũng được tổng hợp đầy đủ, chi tiết, như: Tại Điều 12, có ý kiến nêu Dự thảo quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện là chủ sở hữu” còn chung chung chưa nêu cụ thể theo tinh thần dự thảo sửa đổi Hiến pháp, do đó sửa lại thành: “Đất đai do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật” hay "Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, mọi sự điều tiết, quy hoạch đất đai của Nhà nước đều phải thông qua ý kiến của nhân dân"; Tại Điều 15, vấn đề Nhà nước quyết định thu hồi đất, có nhiều ý kiến cho rằng “Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội” quy định này dễ phát sinh vấn đề lợi ích nhóm. Do đó, đề nghị bỏ quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất trong trường hợp “thực hiện các dự án phát triển kinh tế” hoặc phân loại cụ thể các dự án kinh tế - xã hội Nhà nước có quyền thu hồi, loại dự án nào phải trưng mua theo hình thức thỏa thuận để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân; nhiều ý kiến cho rằng trên thực tế các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp giấy chứng nhận, các thủ tục về cấp giấy chứng nhận, dẫn đến tình trạng lợi dụng chức vụ gây khó khăn cho người dân để trục lợi. Do đó, tại mục 2 Chương VII cần phải quy định lại cho chặt chẽ hơn; các quy định về việc bồi thường và phương thức bồi thường tại Chương VI cũng cần phải được nghiên cứu quy định lại cho phù hợp để bảo đảm người dân sau khi bị thu hồi đất không bị rơi vào tình cảnh khốn khó,…

Ngày 15/4/2013, KTNN đã hoàn thành công tác lấy ý kiến công chức, viên chức, người lao động, lãnh đạo KTNN đã ký Báo cáo số 527/BC-KTNN gửi Ban soạn thảo Dự án Luật đất đai sửa đổi nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện Dự thảo./.

PPL


 

Xem thêm »