Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN: cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN

26/03/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 25/3/2013, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, Thường trực Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Dự thảo Luật.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tại cuộc họp, các thành viên thường trực đã tham gia ý kiến chi tiết về các nội dung liên quan đến Dự thảo và từng bước tháo gỡ một số vướng mắc xung quanh các quan điểm và cách thức tiến hành. Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, thành viên Tổ biên tập, có 3 vấn đề cơ bản cần phải nghiên cứu, xem xét đối với dự thảo Luật KTNN về mặt tổng thể đó là, vấn đề cơ cấu (chương, điều), vấn đề kỹ thuật xây dựng (câu chữ) và vấn đề nội dung. Trong đó, nội dung đáng quan tâm nhất hiện nay là phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN. Về vấn đề này, ông Thanh cho rằng KTNN giữ một vai trò quan trọng trong việc kiểm toán tài chính nhà nước, ngân quỹ nhà nước và tài sản quốc gia, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, sử dụng các nguồn tài chính quốc gia. Ông Thanh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chú trọng công tác tiền kiểm, kiểm toán việc xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách Trung ương và các Quỹ tập trung ngoài ngân sách. Hiện nay, tài chính nhà nước không chỉ gồm NSNN mà còn gồm nhiều rất nhiều quỹ tài chính: Một là các loại quỹ hoàn toàn mang tính dự trữ, dự phòng mang tính quốc gia, chiến lược như Quỹ dự phòng tài chính, Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ dự trữ ngoại hối….; Hai là, các loại quỹ chức năng như Quỹ cổ phần hóa, Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ phòng chống các căn bệnh hiểm nghèo...; Ba là, các loại quỹ được hình thành theo cơ chế nhà nước không trực tiếp từ nhà nước như Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá….. Bên cạnh đó, các khoản tín dụng nhà nước (nhà nước đi vay, chính phủ đi vay và quốc gia cho vay) cũng là đối tượng cần được kiểm toán thuộc tài chính nhà nước.

Theo ông Thanh, kiểm toán phải kiểm toán toàn bộ các báo cáo dự toán, quyết toán của ngân sách nhà nước chứ không chỉ kiểm toán báo cáo quyết toán của ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương. Ông đề nghị làm rõ vai trò kiểm toán của KTNN kể từ khi xây dựng chính sách, từ vấn đề tỷ lệ điều tiết, vấn đề huy động và sử dụng nguồn lực cho đến vấn đề xây dựng dự toán ngân sách của nhà nước nói chung, trong đó có dự toán NSNN Trung ương và NSNN địa phương. KTNN phải kiểm toán đánh giá xác nhận báo cáo dự toán, quyết toán NSNN. Nói cách khác, các báo cáo dự toán, quyết toán NSNN trước khi đưa ra trình Quốc hội buộc phải có ý kiến của KTNN kèm theo.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Tổ thường trực cũng đề cập đến vấn đề xử lý các khiếu nại kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán, sự cần thiết tổ chức Hội đồng kiểm toán gồm đại diện của Chính phủ, Quốc hội và KTNN. Liên quan đến nội dung kiểm toán, các thành viên trong Tổ thường trực cho rằng không nên liệt kế chi tiết các nội dung kiểm toán mà nên quy định theo hướng khái quát, tổng hợp để bảo đảm bao quát hết các nội dung, lĩnh vực. Liên quan đến vấn đề tổ chức Đoàn kiểm toán, các thành viên trong Tổ thường trực thống nhất quan điểm không đưa nội dung này vào Luật bởi đây là những vấn đề chi tiết, cụ thể và có thể biến động tùy thuộc vào thực tiễn áp dụng.

Kết thúc cuộc họp, Đồng chí Lê Huy Trọng cho biết sẽ có giải trình tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp và hoàn thiện dự thảo thêm một bước trước khi đưa ra lấy ý kiến tại cuộc họp tiếp theo./. 

Hà Linh

Xem thêm »