(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 22/3/2013, Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định số 216/QĐ-KTNN về việc ban hành Đề án thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước.
Đề án thành lập Thanh tra KTNN đã nêu rõ sự cần thiết thành lập Thanh tra KTNN và cơ sở pháp lý, mục tiêu, yêu cầu, thuận lợi và khó khăn, nội dung thực hiện cũng như tổ chức thực hiện.
Theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 định hướng: "Sắp xếp, củng cố lại các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành theo hướng giảm khâu trung gian; đảm bảo có bộ máy tham mưu gọn nhẹ, một đơn vị không thực hiện quá nhiều chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của KTNN"; đồng thời Chiến lược cũng đã đề ra lộ trình phát triển các đơn vị tham mưu đến năm 2020, theo đó, giai đoạn đến năm 2015: thành lập Thanh tra KTNN (tương đương cấp Vụ) để thực hiện chức năng thanh tra theo Luật Thanh tra trong lĩnh vực KTNN.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã ban hành Đề án triển khai phát triển Hệ thống tổ chức của KTNN đến năm 2020 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Theo đó, KTNN thành lập Thanh tra KTNN vào năm 2012.
Với mục đích hoạt động thanh tra KTNN nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách của KTNN để kiến nghị các biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ tại KTNN; giúp KTNN và cán bộ, công chức ngành KTNN thực hiện đúng quy định của pháp luật. KTNN cần có đầu mối tham mưu và triển khai hoạt động thanh tra của KTNN, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật cũng như các quy định về phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ, quy trình, chuẩn mực, quy tắc ứng xử, thực hiện đạo đức nghề nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân trong KTNN góp phần nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán và đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Hiện nay, công tác thanh tra của KTNN về chức năng, bộ máy còn lồng ghép với các chức năng khác của Vụ Pháp chế, nội dung, phương pháp thanh tra vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hệ thống quy chế, quy trình về công tác thanh tra hiện đang hình thành, còn thiếu đồng bộ, phạm vi hoạt động còn hạn chế, toàn bộ nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với đơn vị, cá nhân trực thuộc KTNN chưa được thực hiện. Thanh tra là một chức năng thiết yếu trong quản lý của KTNN nhằm "xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Từ thực trạng bộ máy thanh tra hiện nay tại KTNN là đơn vị cấp phòng chưa đảm bảo địa vị pháp lý khi thực thi công vụ. Do đó, việc thành lập Thanh tra KTNN (đơn vị cấp vụ) trực thuộc KTNN là hết sức cần thiết.
Cũng theo Đề án, lộ trình và nội dung thực hiện Đề án thành lập Thanh tra KTNN trong thời gian tới như sau: tháng 3/2013, Ban cán sự Đảng KTNN và Lãnh đạo KTNN định hướng phương án bố trí nhân sự, Tổng KTNN ban hành Quyết định luân chuyển, điều động hoặc điều động và bổ nhiệm công chức lãnh đạo (cấp Vụ, cấp phòng) của Thanh tra KTNN và Vụ Pháp chế; tháng 4/2013, Chánh Thanh tra KTNN và Vụ trưởng Vụ Pháp chế xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị cấp phòng trực thuộc trình Tổng KTNN ban hành; tháng 5/2013: xây dựng Đề án tăng cường năng lực đối với đội ngũ làm công tác thanh tra của KTNN.
Trên cơ sở Đề án thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, ngày 25/3/2013 Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-KTNN thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Thanh tra Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, Thanh tra Kiểm toán Nhà nước (tương đương cấp Vụ) trực thuộc Kiểm toán Nhà nước thực hiện thanh tra hành chính đối với các đơn vị, tổ chức cá nhân thuộc Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thanh tra Kiểm toán Nhà nước có chức năng tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thống nhất quản lý, thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tiến hành thanh tra công vụ trong hoạt động kiểm toán, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của Kiểm toán Nhà nước đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Kiểm toán Nhà nước.
Tổ chức bộ máy và nhân sự của Thanh tra Kiểm toán Nhà nước như sau:
Lãnh đạo Thanh tra Kiểm toán Nhà nước gồm: Chánh Thanh tra và các Phó Chánh Thanh tra giúp việc Chánh Thanh tra. Chánh Thanh tra Thanh tra Kiểm toán Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức sau khi trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức.
Thanh tra Kiểm toán Nhà nước có 4 phòng trực thuộc gồm: 1 Phòng Tổng hợp và 3 phòng Nghiệp vụ; Phòng có Trưởng phòng, các Phó trưởng phòng giúp việc Trưởng phòng và các công chức. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chi tiết của từng phòng do Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước quy định sau khi có ý kiến phê duyệt của Tổng Kiểm toán Nhà nước./.