Vượt khó năm 2013 – Đột phá vào 3 khâu ách tắc nhất

24/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Xu hướng khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2013. Làm thế nào để vượt qua được những khó khăn này? Có thể đột phá vào 3 khâu ách tắc nhất của nền kinh tế hiện nay là hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng, thị trường trì trệ để tạo thế và lực cho nền kinh tế phát triển hay không?

Trao đổi với PV Báo ĐBND về những vấn đề này ngay sau Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ NGUYỄN ĐỨC KIÊN cho rằng, không quá khó để xác định nên đột phá vào khâu nào. Cái khó là, quản lý nhà nước hiện nay đang rất phân tán. Bởi vậy, song song với việc thảo luận về các giải pháp cho năm 2013, QH cần dành thời gian thảo luận về sự phối hợp thực thi chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước và tăng cường giám sát của cơ quan QH thì mới có thể bảo đảm các quyết định về KT - XH của QH sẽ được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.

- Ngay tại Phiên khai mạc Kỳ họp, Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo với QH về 6 vấn đề nổi lên của nền kinh tế năm 2012 cần phải phân tích kỹ lưỡng để có đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn. Cá nhân Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về những vấn đề này?

- Với tư cách là người làm công tác nghiên cứu vĩ mô, tôi cho rằng nếu cộng hai bản Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế sẽ thấy một bức tranh tương đối toàn diện về tình hình kinh tế của nước ta trong năm 2012. Cần khẳng định rằng, những thành tích mà chúng ta đã đạt được trong năm nay không hề nhỏ mà đó là những thành tích cho thấy sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, ở góc độ hoạch định chính sách vĩ mô, chúng tôi phải đặt các thành tựu này vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Nếu chỉ nhìn từng chỉ tiêu riêng rẽ sẽ thấy kết quả đạt được rất đẹp. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng GDP của quý sau lần lượt tăng cao hơn quý trước. Kết quả này cho thấy các chính sách vĩ mô đã đúng hướng, tác động tích cực và mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Hay chỉ số giá tiêu dùng CPI, 9 tháng đầu năm, chúng ta đã kiềm chế được ở mức khoảng 5,13%. So với cùng kỳ năm 2011 thì đây là kết quả rất tích cực. Nhưng nếu đặt các chỉ tiêu này vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế thì buộc những người làm công tác hoạch định chính sách phải đặt ra các câu hỏi: nguyên nhân thực chất của các kết quả đạt được và chưa đạt được là gì và phải trả lời được các câu hỏi này thì mới có thể đưa ra hướng đi đúng cho nền kinh tế, giúp Chính phủ chèo lái nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách.

Có những chỉ tiêu mà người làm chính sách không thể bỏ qua mà phải tìm bằng được câu trả lời như: chỉ tiêu về người lao động không có việc làm ở khu vực đô thị là 4%; nếu so sánh với tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị của các nước công nghiệp hóa như Mỹ, EU thì tỷ lệ của nước ta là rất, rất đáng tự hào. Nhưng con số 4% này có phản ánh đúng áp lực về việc làm, áp lực có thu nhập ở khu vực đô thị hay không? Tôi cho là không. Và vì vậy, con số này cũng không nói lên được thực chất của nền kinh tế. Hay chúng ta nói tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; trong quý II, có những tháng chỉ số CPI âm, tức là tổng cầu giảm, M2 giảm, tổng đầu tư toàn xã hội dự kiến từ 34% giảm xuống chỉ còn có 29,5%, cũng có nghĩa là các yếu tố đầu vào của nền kinh tế bị giảm. Vậy thì cái gì làm cho nền kinh tế tăng trưởng? Khi đưa ra 6 vấn đề lớn đề nghị QH cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng và thấu đáo hơn, các thành viên Ủy ban Kinh tế muốn đi sâu phân tích ở những khía cạnh như vậy để QH có cái nhìn toàn diện hơn, đa chiều hơn và sâu sắc hơn về tình hình kinh tế của đất nước. QH phải trao đổi, thảo luận để có câu trả lời chính xác cho những vấn đề này để cùng với các cơ quan điều hành, cùng với giám sát của QH giúp cho công tác điều hành kinh tế hiệu quả hơn.

- Trước nhận định của Ủy ban Kinh tế về xu hướng khó khăn sẽ còn kéo dài trong năm 2013, bên hành lang Kỳ họp, nhiều ý kiến cho rằng, có thể đột phá vào 3 khâu để đưa nền kinh tế vượt qua thách thức của năm 2013. Cụ thể là, xử lý hàng tồn kho, nợ xấu và kích cầu thị trường. Phó chủ nhiệm bình luận như thế nào về những đề xuất này?

- Về mặt lý thuyết, các đề xuất nêu trên là chính xác. Nhưng trên thực tế, để thực hiện một chính sách đa mục tiêu như vậy, vừa xử lý được nợ xấu, vừa khôi phục được thị trường và vừa giải quyết được hàng tồn kho là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể làm được. Vì 3 yếu tố này là 3 véc tơ không cùng một hướng. Cụ thể, nếu muốn có chính sách giảm hàng tồn kho thì phải phân tích được: hàng tồn kho chủ yếu ở những sản phẩm nào, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm và tồn kho là do thị trường quyết định, sức mua của thị trường giảm sút hay là do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường? Ví dụ đối với ngành hàng dệt may thì tồn kho là hàng xuất khẩu không xuất khẩu được hay là sợi làm ra không dệt thành vải được? Hay hàng tồn kho của xi măng là do thừa công suất hay do lực mua của thị trường giảm sút? Lực mua của thị trường xi măng lại liên quan đến thị trường bất động sản thì xử lý vấn đề của thị trường bất động sản như thế nào? Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra chưa làm rõ được các nội dung này.

Về vấn đề nợ xấu, một điều tra của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 80% các dự án bất động sản ở thành phố này dựa vào vốn vay ngân hàng. Vấn đề đặt ra là giá bán các bất động sản đó có đúng không? Có phù hợp với sự phân chia lợi nhuận của một nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa hay không? Một nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa không bao giờ chấp nhận việc lợi nhuận chạy về một phía là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như vừa qua. Nói cách khác, việc hình thành một thị trường bất động sản nóng như hiện nay có phần đóng góp của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chúng ta chia đều, hài hòa lợi nhuận của người bị thu hồi đất, của người mua nhà, của các doanh nghiệp bán vật liệu xây dựng, các nhà thầu xây dựng, ngân sách nhà nước và chủ đầu tư dự án thì thị trường bất động sản sẽ phát triển, vì không phải người dân không có nhu cầu về chỗ ở mà là do giá nhà quá cao, họ không tiếp cận được. Do chúng ta không điều tiết được lợi nhuận hài hòa bằng các văn bản pháp quy và để lợi nhuận tập trung chủ yếu vào chủ đầu tư dự án, chủ đầu tư dự án lại vay tiền của ngân hàng nên bây giờ, thị trường phản ứng lại, dồn lại thành nợ xấu là tất yếu. Tôi có một số liệu rất hay về thị trường bất động sản: giá thuê đất tại thị trường New York, Mỹ cho hơn 8 nghìn mét vuông giữa phố 53 và Đại lộ số 5 New York trong 15 năm chỉ có 30 triệu USD; nhìn lại giá thuê nhà ở Hà Nội thì cực kỳ bất hợp lý. Vậy thì bong bóng bất động sản của chúng ta thực chất là do ai tạo ra?

Đưa ra hai ví dụ về nợ xấu và hàng tồn kho như vậy để thấy rằng không thể có một chính sách mà có thể cùng lúc giải quyết được cả 3 vấn đề ách tắc nhất của nền kinh tế hiện nay. Khi phân tích cụ thể từng vấn đề thì sẽ thấy muốn xử lý được phải có các tiểu chính sách phù hợp.

- Vậy Ủy ban Kinh tế đã phân tích cụ thể các vấn đề này và đã có đề xuất “tiểu” chính sách nào để tháo gỡ 3 ách tắc lớn này của nền kinh tế hay chưa?

- Tất nhiên Ủy ban chúng tôi đã có những phân tích về các vấn đề này. Nhưng cái khó là, quản lý của chúng ta hiện nay rất phân tán, đặc biệt là sự phân tán về quyền lực của cơ quan điều hành: giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thì mỗi cơ quan đi theo một hướng. Bản thân các cơ quan của Chính phủ cũng chưa ngồi lại được với nhau để thống nhất một định hướng chung. Bây giờ, cơ quan điều hành cứ bảo là, những kết quả đạt được là tốt. Đúng là tốt rồi, kinh tế của chúng ta không xấu nếu so với bối cảnh khó khăn chung của cả khu vực và thế giới. Nhưng những cái không xấu này có đủ sức vực dậy được nền kinh tế như khả năng vốn có của nền kinh tế hay không? Câu trả lời là không. Tại sao tháng 9.2008, nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, chỉ 18 tháng sau, kinh tế Mỹ đã phục hồi? Là vì họ đã chọn đúng, chọn trúng khâu đột phá và thực hiện đúng, thực hiện rất nghiêm túc chủ trương, kế hoạch. Không quá khó để chỉ ra rằng nên đột phá vào khâu nào để nền kinh tế tiếp tục phát triển. Nhưng xác định được rồi thì việc thực hiện cũng chưa chắc đã đạt hiệu quả như yêu cầu vì sự phân tán của chính các cơ quan điều hành, cơ quan trực tiếp thực thi chính sách. Ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách và do tính công khai, minh bạch trong điều hành chính sách còn nhiều hạn chế nên không tạo được sự đồng thuận. Cùng với đó là những thông tin một chiều, không có trao đi đổi lại trên các phương tiện truyền thông, chưa phân định rõ đâu là ý kiến của người làm công tác nghiên cứu, đâu là ý kiến của người hoạch định chính sách, người điều hành chính sách nên đã tạo ra sự nhầm lẫn và làm cho thông tin bị rối loạn khiến dư luận xã hội không có được sự đồng thuận, thậm chí là mất niềm tin vào điều hành của Nhà nước.

Chính vì thế, việc chọn được khâu đột phá hết sức quan trọng. Nhưng chọn được rồi thì giải pháp như thế nào, hành xử của cơ quan điều hành như thế nào và QH, các cơ quan của QH giám sát việc thực hiện các khâu đó như thế nào mới là yếu tố quyết định thành công trong việc gỡ các điểm ách tắc của nền kinh tế để đưa kinh tế phát triển ổn định. Đây là vấn đề rất quan trọng và tôi cho rằng, tại Kỳ họp này, QH nên dành thời gian để bàn về vấn đề này để chúng ta tạo được niềm tin cho thị trường, tạo được niềm tin cho xã hội.

- Bên hành lang Kỳ họp, nhiều ý kiến cũng đã đề nghị, QH cần thay đổi cách thức đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH hàng năm tại Kỳ họp của QH. Từ góc độ của cơ quan chuyên môn của QH, Phó chủ nhiệm thấy thế nào?

- Hiện nay, chúng ta đang trên con đường tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. QH muốn phát huy hơn nữa vai trò của QH trong việc hoạch định chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ thì bản thân QH cũng phải thống nhất được với nhau trong nhận định, đánh giá tình hình. Phải có trao đi, đổi lại công khai trên diễn đàn của QH để thấy được chính kiến của các ĐBQH, thuyết phục nhau để đi đến một kết luận thống nhất. Tuy nhiên, hiện nay, tôi cho rằng, công tác đánh giá, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế của QH chưa chuẩn. Khi nghe báo cáo của Chính phủ, chúng ta sẽ thấy ngay rằng, Chính phủ báo cáo 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 5 chỉ tiêu không đạt, như vậy có đến hơn 66% chỉ tiêu là hoàn thành và vượt kế hoạch, chỉ có 33% chỉ tiêu không đạt. Nhìn trên bức tranh tổng thể như vậy là Chính phủ thành công trong điều hành nền kinh tế. Nhưng QH chưa đi sâu vào phân tích và Chính phủ cũng chưa báo cáo rõ với QH là để giữ được chỉ số tăng trưởng như vậy thì từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã làm những việc gì và do những việc như vậy đã đạt được kết quả gì, phát sinh hậu quả gì, hướng tới xử lý như thế nào. Nếu thay đổi cách thức thảo luận của QH thì có lẽ nên thay đổi theo hướng như vậy sẽ hiệu quả hơn và vấn đề sẽ rõ ràng hơn. Hiện nay, tại Kỳ họp của QH, chúng ta chưa dành đủ thời gian để ĐBQH trao đổi, làm rõ những vấn đề này.

- Liên quan đến việc đổi mới cách thức đánh giá và quyết định các chỉ tiêu KT - XH, thực tế nhiều năm cho thấy, việc có thực hiện được các chỉ tiêu QH quyết định hay không phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của thị trường. Vậy, theo Phó chủ nhiệm, QH có nên tiếp tục quyết định các chỉ tiêu kinh tế “cứng” nữa không hay chỉ nên quyết định các chỉ tiêu mang tính định hướng thôi?

- Vẫn phải có chỉ tiêu KT - XH thì QH mới có thể giám sát được điều hành của Chính phủ chứ. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, việc quyết định các chỉ tiêu mang tính pháp lệnh là tốt. Lâu nay các chỉ tiêu này vẫn được đưa vào Nghị quyết của QH, tức là có tính pháp lý nhưng thực tế, chúng ta chưa xem việc không thực hiện được các chỉ tiêu KT - XH theo Nghị quyết của QH là một tiêu chí để đánh giá Chính phủ có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Nếu chúng ta quan niệm chỉ tiêu KT - XH là chỉ tiêu pháp lệnh thì tại Kỳ họp đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu này, QH phải nói rõ Chính phủ có hoàn thành nhiệm vụ hay không, nếu thực hiện được thì như thế nào và không thực hiện được thì như thế nào. Làm được như vậy, QH sẽ vừa tạo được khung pháp lý để đánh giá, nhận xét điều hành của Chính phủ lại vừa tạo được sân đủ rộng cho Chính phủ điều hành linh hoạt trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thị trường.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!
 

Xem thêm »