Cải cách kinh tế trong nước là nền tảng hội nhập quốc tế

19/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Chinhphu.vn) - Đó là nhận định của các đại biểu tại buổi họp ngày 18/10 của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Ủy ban.

Cuộc họp có  sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ,…

Cuộc họp đề cập đến tổng thể các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, xem xét  tình hình đàm phán các Hiệp định tự do thương mại (giữa Việt Nam với các đối tác xuyên Thái Bình Dương, EU, Liên minh Thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus, Hàn Quốc) mà Việt Nam đã và đang thực hiện.

Cuộc họp mang tính chất tổng kết việc thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế trong suốt thời gian qua, để nhìn nhận rõ “những cái được và mất” và những bước đi tiếp theo trong thời gian tới. Việc tổng kết cũng sẽ phục vụ cho Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Cuộc họp cũng dành thời gian đánh giá tổng thể tình hình kinh tế- xã hội sau 5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đánh giá  của đại diện Bộ Công Thương, việc gia nhập WTO đã mang lại hiệu ứng tích cực lớn nhất là tạo ra một khuôn khổ thể chế mới, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh tiến bộ. Trái với e ngại ban đầu, nhiều ngành kinh tế đã trụ vững sau khi nước ta gia nhập WTO như viễn thông, dịch vụ, tài chính, hệ thống phân phối…

Về những hạn chế, theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu- quản lý kinh tế Trung ương, thành viên xây dựng bản đánh giá, kinh tế vĩ mô gặp một số bất ổn, dòng vốn vẫn chưa được sử dụng với hiệu quả cao nhất...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tăng trưởng hiện cũng đang chậm dần và xu hướng bảo vệ sản phẩm trong nước sẽ gây khó khăn cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ý kiến cho rằng những hạn chế trên là những vấn đề lớn cần được giải quyết trong thời gian tới.

Bản đánh giá tập trung đánh giá sâu hơn những vấn đề về nông nghiệp, thương mại (thương mại dịch vụ và thương mại trong nước), đầu tư (trong đó có cả vốn đầu tư FDI), những bất ổn vĩ mô liên quan đến tài chính, lao động việc làm, giáo dục, y tế…

Góp ý để hoàn thiện, Thứ  trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng cần đánh giá rõ ràng về mức độ mở cửa của kinh tế nước ta sau 5 năm gia nhập WTO, đồng thời dự đoán thời gian tiếp theo sẽ đến đâu, những cam kết giảm thuế cũng cần tính đến yếu tố thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, năng lực thực thi của bộ máy hành chính cũng là một yếu tố quan trọng khi hội nhập.

Đại diện Bộ Tư pháp góp ý bản đánh giá cần nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ  Văn Ninh cho rằng việc đánh giá kết quả kinh tế- xã hội là một vấn đề khó, nên cần được nhìn nhận một cách khách quan, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái.

Phó Thủ  tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích kỹ về công tác dự báo (không chỉ dự báo kinh tế mà còn cả dự  báo vấn đề hội nhập); vấn đề quy hoạch, tính chủ động trong thực hiện các cam kết, việc xác định các trọng tâm, trọng điểm trong hội nhập kinh tế…

Phó Thủ  tướng cho rằng cấn nhấn mạnh nguyên tắc cải cách kinh tế trong nước làm nền tảng cho hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần xem xét thành lập một nhóm đánh giá về hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ý kiến khác cho rằng đối với các nội dung của hiệp định liên quan đến đầu tư, các bộ, ngành cũng cần chủ động nắm bắt được những quy định để phối hợp thực hiện hiệu quả; việc đàm phán các hiệp định cần gắn với việc tái cấu trúc đầu tư công và có một thể chế đủ mạnh để thực hiện các nội dung này.

Xem thêm »