Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng: Sẽ công tâm, quyết liệt và sâu sát với công việc

09/08/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhân dịp được Quốc hội bầu giữ trọng trách mới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng (Tổng KTNN) đã trao đổi với phóng viên Website KTNN, sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên (PV): Trước hết xin chúc mừng Tổng KTNN, Xin Ông vui lòng cho biết cảm nghĩ đầu tiên của mình, sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Tổng KTNN?

Tổng KTNN: Với tôi, đây là niềm vinh dự rất lớn, là niềm tự hào của cá nhân, đồng thời tôi cũng xác định đây là một trách nhiệm rất lớn trước sự tin tưởng của Đảng, Quốc hội và nhân dân.

PV: Những việc đầu tiên Ông dự định sẽ triển khai khi đảm nhận cương vị người đứng đầu ngành KTNN?

Tổng KTNN: Tôi nghĩ việc đầu tiên là sẽ cùng với các đồng chí trong Ban cán sự Đảng và lãnh đạo KTNN rà soát lại nhiệm vụ công tác năm nay để cùng toàn ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực, có hiệu quả và đúng kế hoạch, trước hết là thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng nhiệm vụ kiểm toán năm 2011 và xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2012.

Với những kết quả, thành tích đạt được trong nhiều năm qua, tôi hy vọng trong thời gian tới toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại mà chúng ta đang gặp phải. Đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, các kiểm toán viên nhà nước luôn được kỳ vọng và được nhìn nhận như là những người cầm cân nảy mực. Và thực tế, chúng ta phải thể hiện được điều đó thì mới khẳng định được vị trí của KTNN trong xã hội. KTNN cần phải làm cho các đơn vị nhận thấy, KTNN sẽ giúp chính bản thân đơn vị quản lý tốt hơn và phối hợp với KTNN ngày càng chặt chẽ, tích cực hơn. Vấn đề này đến nay KTNN đã làm được nhưng cần phải nhân rộng thêm, phấn đấu để xã hội hiểu rõ hơn hoạt động kiểm toán nhà nước là thông lệ, có vai trò rất quan trọng hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát cũng như các đơn vị được kiểm toán. Xa hơn một chút là tôi sẽ cùng toàn ngành tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Chiến lược và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được phê duyệt.

PV: Được biết, Ông đã trải qua nhiều vị trí công tác trong quản lý kinh tế, tài chính trước khi đảm nhiệm vị trí thứ trưởng, chủ tịch bí thư tỉnh uỷ… bề dầy kinh nghiệm đó sẽ có lợi thế như thế nào trong cương vị mới của Đ/c tại KTNN?

Tổng KTNN: Trong quá trình công tác của mình tôi đã có thời gian dài làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; trực tiếp từ nhân viên, tới Phó phòng, Trưởng phòng, Kế toán trưởng công ty và Tổng công ty, và lên Vụ trưởng phụ trách công tác này. Khi đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng tôi cũng được giao phụ trách lĩnh vực tài chính kế toán, đổi mới doanh nghiệp, kinh tế xây dựng, thanh tra xây dựng... Tôi nghĩ, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau là điều hết sức thuận lợi khi đảm nhận vị trí Tổng KTNN.

Theo tôi, ngoài việc căn cứ vào các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, các quy định của pháp luật, bằng chứng kiểm toán thu thập được, khi nhận xét, đánh giá vấn đề, KTNN phải nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan và nhiều chiều. Có như vậy, kết luận và kiến nghị kiểm toán mới có tính khả thi, thuyết phục được đơn vị được kiểm toán. Điều này có nghĩa là việc tuân thủ pháp luật phải đặt lên hàng đầu nhưng trong thực tiễn, nếu phát hiện quy định của pháp luật không phù hợp, khi thực hiện kém hiệu quả, KTNN phải thu thập bằng chứng để kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh việc kiến nghị sửa đổi hạn chế, khắc phục sai sót, nếu các đơn vị được kiểm toán quản lý tốt ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, KTNN cần phải “khen” để chứng tỏ sự công tâm và toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ. Với suy nghĩ này việc trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, với kinh nghiệm có được sẽ giúp tôi thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu và hy vọng KTNN sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.

PV: Theo đánh giá của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, đồng chí Vương Đình Huệ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua. Đó sẽ là áp lực hay Ông sẽ biến nó thành lợi thế khi đảm nhận nhiệm vụ mới tại KTNN?

Tổng KTNN: Trong suy nghĩ của tôi thì nguyên Tổng KTNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành tích to lớn này thuộc về cá nhân đồng chí Vương Đình Huệ và gắn liền với cả một tập thể lãnh đạo, toàn ngành KTNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ hơn 5 năm qua. Đây chính là nền tảng tốt, là tiền đề tốt để khi nhận nhiệm vụ mới này, tôi kế thừa và phát triển những thành tựu đó. KTNN đã hoạt động tương đối chuyên nghiệp, việc ban hành và thực hiện các quy trình, chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp đã đi vào nề nếp; đội ngũ kiểm toán viên nhiều kinh nghiệm, khá tinh nhuệ, đạo đức tương đối tốt. Với tôi đó là lợi thế lớn, không phải là áp lực. Tôi chỉ mong muốn là thời gian tới, cá nhân tôi cùng với Ban cán sự Đảng, Đảng uỷ, lãnh đạo, tập thể cán bộ công chức KTNN sẽ kế thừa và phát huy tối đa những thành tựu mà người tiền nhiệm đã đạt được.

PV: Từ khi Luật KTNN có hiệu lực, mối quan hệ phối hợp công tác giữa KTNN với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động kiểm toán ngày càng khăng khít và đi vào thực chất. Với thực tế đã đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo một số địa phương và giờ đây khi đảm nhận vai trò là Tổng KTNN, Ông sẽ có biện pháp gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa KTNN với Hội đồng nhân dân và Uy ban Nhân dân các cấp trong hoạt động kiểm toán?

Tổng KTNN: Việc phối hợp với các địa phương trong hoạt động kiểm toán trong thời gian qua là khá tốt, KTNN cũng đã ký Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiều địa phương. Vị trí, vai trò của KTNN ngày càng nâng cao trong hỗ trợ việc quản lý, giám sát, điều hành, quyết định các vấn đề về ngân sách, về kinh tế xã hội của địa phương, thực tế ngày càng có nhiều địa phương muốn KTNN thực hiện kiểm toán ngân sách hàng năm, hoạt động kiểm toán có thể coi là nhu cầu thường xuyên, giúp các địa phương trong vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Thực tiễn lãnh đạo ở địa phương cho thấy, ở địa phương vai trò cấp uỷ rất quan trọng. Khi cấp uỷ nhận thức đúng vấn đề thì lãnh đạo HĐND, UBND phải thực hiện triệt để, đặc biệt là việc phối hợp trong hoạt động kiểm toán, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm tốt, nhiều kết luận và kiến nghị kiểm toán đã đi vào cuộc sống, được các địa phương thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên cũng có vài nơi thực hiện chưa tốt. Vì vậy, ngoài việc tăng cường quan hệ với HĐND, UBND các cấp theo như Quy chế KTNN đã ký kết với một số tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, chúng ta cần làm thêm một bước nữa là phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cấp uỷ các địa phương trong việc cung cấp thông tin, kết quả kiểm toán phục vụ nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương, điều này cũng là bước tiếp theo làm cho kết luận và kiến nghị kiểm toán đi vào cuộc sống và nâng cao hiệu lực của hoạt động kiểm toán.

PV: Theo Tổng KTNN, điều gì quan trọng nhất đối với người lãnh đạo cao nhất của KTNN, cơ quan luôn nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân?

Tổng KTNN: Tôi nghĩ rằng, trước hết, bản thân tôi phải là người công tâm, khách quan. Thứ hai cũng phải sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Cùng với các đồng chí lãnh đạo KTNN, các tổ chức đảng, đoàn thể giữ được sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng trong toàn ngành, KTNN sẽ ngày càng khẳng định được vị thế trong xã hội, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng KTNN./.

HQ thực hiện
Ảnh: Thanh Hà


 

Xem thêm »