Cần xác định rõ địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

16/06/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng 16/6, tại Hà Nội, Hội thảo “Hoàn thiện địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do KTNN phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, UNDP tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia tài chính, pháp luật và các nhà khoa học đến từ Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các địa phương (thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hòa Bình…), Trường Đại học kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Hội Kế toán- Kiểm toán…

Hội thảo “Hoàn thiện địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do KTNN phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, UNDP tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng KTNN Vương Đình Huệ khẳng định qua 17 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN đã và đang mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động trên địa bàn cả nước; tổ chức và hoạt động của KTNN được phát triển theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại hoá công nghệ kiểm toán. Những thành tựu bước đầu đó đã khẳng định vai trò, vị trí của KTNN là cơ quan chuyên môn phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền và xu thế hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế, năng lực, hiệu lực và hiệu quả tổ chức, hoạt động của KTNN đã bộc lộ nhiều hạn chế như: quy mô và chất lượng chưa ngang tầm với chức năng nhiệm vụ được giao; chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Luật KTNN và các luật liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật NSNN… Điều đó, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của KTNN. Theo Tổng KTNN, tồn tại trên có nguyên nhân chủ yếu là do địa vị pháp lý của KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp theo khuyến cáo của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) và thông lệ nhiều nước trên thế giới.

Nhận định về địa vị pháp lý của KTNN, TS Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng cho rằng hiện nay đang tồn tại 2 bất cập. Thứ nhất là, Hiến pháp chưa có quy định về cơ quan KTNN, không quy định việc Quốc hội thành lập cơ quan KTNN, Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN. Thứ hai là, Luật KTNN hiện hành cũng chưa làm rõ được KTNN nằm trong hệ thống cơ quan nào trong 3 hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của bộ máy Nhà nước. Trong khi đó, Tuyên bố Lima của INTOSAI khẳng định: “Sự thiết lập các cơ quan kiểm toán tối cao và tính độc lập của nó phải được đảm bảo trong Hiến pháp và các đạo luật khác”.

Các chuyên gia Vụ Pháp chế KTNN cho biết, tại hầu hết các nước từ Đông Âu, Cộng hoà liên bang Nga, các nước châu Á… những vấn đề cơ bản về vị trí và tính độc lập của cơ quan KTNN đều được quy định trong Hiến pháp. Trên cơ sở đó, các nước này ban hành những đạo luật quy định cụ thể về địa vị pháp lý của KTNN trong hệ thống các cơ quan Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tính độc lập của KTNN.

PGS.TS Phan Trung Lý – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, KTNN có vai trò quan trọng trong quản trị lành mạnh tài chính công; phát hiện ngăn ngừa thiệt hại trong sử dụng ngân sách. Do đó, việc thành lập cơ quan Kiểm toán tối cao và mức độ độc lập cần thiết của cơ quan này cần phải được quy định trong Hiến pháp, các chi tiết cụ thể có thể nêu trong các điều luật. Đặc biệt, cơ quan Kiểm toán tối cao cần phải có sự bảo vệ đầy đủ về mặt luật pháp nhằm chống lại các tác động từ bên ngoài đối với sự độc lập và thẩm quyền kiểm toán của cơ quan kiểm toán tối cao. Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định xem KTNN thuộc nhánh quyền lực nào (lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp), từ đó nghiên cứu, bổ sung nội dung vào một số điều, khoản của Hiến pháp. Cụ thể nên bổ sung nội dung về bầu Tổng KTNN vào khoản 7 điều 84 Hiến pháp hiện hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đây là phương án tối thiểu nhưng gọn, dễ thực hiện, tính khả thi cao. Hoặc có thể là sử dụng phương án thứ 2 là bổ sung một điều quy định việc Quốc hội thành lập KTNN, cơ quan thực hiện kiểm toán đảm bảo tính minh bạch của tài chính quốc gia. Cụ thể bổ sung 1 Chương riêng về KTNN hoặc bổ sung 1 số điều vào chương Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, đổi chương này thành “Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, KTNN”.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng, trên tinh thần khoa học và tôn trọng kinh nghiệm thực tiễn, ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo dù từ những góc nhìn khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ và căn bản đều thống nhất sự cần thiết phải hiến định địa vị pháp lý của KTNN nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của KTNN. Do đó, kết quả của Hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng để KTNN Việt Nam định hướng hoạt động trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN./.

Thu Hương

Xem thêm »