Đoàn chuyên gia khuyến nghị bốn vấn đề phục vụ Chiến lược phát triển KTNN đến 2020

09/06/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sau 8 ngày làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từ 30/5 đến 6/6, ngày 7/6, Đoàn chuyên gia quốc tế của Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh (DFID) và Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) do ông Bill Burnett dẫn đầu đã báo cáo kết quả sơ bộ của đoàn với Ban chỉ đạo Kế hoạch hành động của KTNN. Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN - Trưởng Ban chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ TCCB, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ & KSCLKT, Vụ Pháp chế, Vụ QHQT, Trung tâm Khoa học & Bồi dưỡng cán bộ, Trung tâm Tin học, Tạp chí Kiểm toán cùng dự buổi báo cáo của Đoàn chuyên gia.

Các chuyên gia quốc tế tập trung vào 4 vấn đề quan trọng nhất trong Kế hoạch hành động (KHHĐ) thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Thứ nhất, về địa vị pháp lý của KTNN và các quy định của pháp luật liên quan đến KTNN, Đoàn thấy rằng, những điều chỉnh đang đi đúng hướng, nhất là vấn đề địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp và tính độc lập của KTNN. Bên cạnh việc sửa đổi Luật KTNN cần sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến KTNN, các chuyên gia khuyến nghị KTNN cần tập trung phát triển, phổ biến và hướng dẫn các phương pháp kiểm toán.

Thứ hai, về vấn đề quản lý và phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng KHHĐ của KTNN rất rõ ràng, các mục tiêu đặt ra mang tính khả thi cao. Đồng thời Đoàn khuyến nghị, KTNN cần tăng cường hơn nữa việc quản lý con người bên cạnh việc quản lý công việc; các cán bộ cần được tập trung phát triển các kỹ năng, trong đó có kỹ năng làm việc theo nhóm. Bên cạnh đó, KTNN cần có chính sách khuyến khích, giữ chân và thu hút nhân tài để tránh tình trạng cán bộ của KTNN chuyển sang khu vực tư nhân có thu nhập cao hơn. Vấn đề đào tạo và đào tạo lại của KTNN cần hướng tới đẩy mạnh và chú trọng vào việc thực hành hơn lý thuyết. Cần khuyến khích sử dụng các cán bộ có nhiều kinh nghiệm cho việc đào tạo các thế hệ kiểm toán viên kế cận.

Thứ ba, về phương pháp kiểm toán, KTNN cần tập trung phổ biến các phương pháp kiểm toán hay, các thông lệ tốt đến tất cả các kiểm toán viên. Các cán bộ lâu năm, giàu kinh nghiệm của KTNN cần được khuyến khích để lực lượng này đưa ra những sáng kiến về đổi mới phương pháp kiểm toán. Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, KTNN đang trong quá trình phát triển rất nhanh nên cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về các phương pháp kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán áp dụng trong toàn ngành.

Thứ tư, về công nghệ thông tin, các chuyên gia khuyến nghị, KTNN cần có một phần mềm kiểm toán dùng chung trong toàn ngành và công tác xây dựng cơ sở dữ liệu ngành phải được chú trọng để có nguồn cơ sở dữ liệu tốt, phục vụ quá trình hoạt động, tác nghiệp của KTNN. Bên cạnh đó, KTNN cần phát triển một mạng internet, giúp trao đổi thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng; lãnh đạo KTNN cũng có thể chỉ đạo qua các thông báo trực tuyến trên mạng internet này.

Nhận định tổng quan về tình hình hoạt động thực tế của KTNN, ông Bill Burnett, Trưởng đoàn chuyên gia cho rằng, sau khi tham khảo các kế hoạch hành động của KTNN trong lộ trình phát triển đến 2020, các chuyên gia đồng thuận: KHHĐ đã thể hiện một lộ trình rõ ràng, trong đó, điểm đáng chú ý là KTNN Việt Nam cũng đã tự điều chỉnh những vấn đề cần thiết trong hành động và chiến lược phát triển để phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế của INTOSAI, việc này được thể hiện rõ trong nội dung của KHHĐ thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Đoàn đánh giá dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá vào ngày 17/6/2011; sau đó sẽ gửi KTNN có ý kiến; tiếp đó sẽ điều chỉnh lại báo cáo vào tuần đầu tháng 7/2011. Dự kiến ngày 22/7 sẽ hoàn thiện dự thảo khung dự án và văn kiện dự án.

Thay mặt lãnh đạo KTNN, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao kết quả làm việc và những nội dung đánh giá sơ bộ của Đoàn chuyên gia. Với những nội dung Đoàn chuyên gia đánh giá về thực trạng cơ cấu tổ chức, bộ máy, quy trình kiểm toán và kế hoạch hành động của KTNN, Phó Tổng KTNN tin tưởng Đoàn chuyên gia sẽ đưa ra các nhận định và khuyến nghị phù hợp với tình hình của KTNN và trong bối cảnh chung về thể chế và tổ chức của Việt Nam. Điều này là hết sức quan trọng để các khuyến nghị đó đảm bảo sự đồng thuận và tính khả thi cao nhất./.

Thu Hương
 

Xem thêm »