Tổng KTNN phê duyệt Chương trình và Đề cương khung đào tạo, bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp của KTNN

31/03/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Với mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng những chuyên gia và công chức lãnh đạo, quản lý có trình độ cao về nghiệp vụ chuyên môn; có năng lực tổ chức, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán và các cuộc kiểm toán phức tạp, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực; có năng lực xây dựng và quản trị chiến lược phát triển ngành, kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn; ngày 31 tháng 3 năm 2011, Tổng KTNN đã ký Quyết định số 462/QĐ-KTNN phê duyệt Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp của KTNN và Quyết định số 463/QĐ-KTNN phê duyệt Đề cương Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp của KTNN.

Theo Quyết định số 462/QĐ-KTNN phê duyệt Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp của KTNN thì những đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng là những Kiểm toán viên chính có đủ điều kiện về trình độ, thời gian công tác và các tiêu chuẩn khác theo quy định. Ngoài ra còn đào tạo, bồi dưỡng cho những chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp có nhu cầu chuyển sang ngạch Kiểm toán viên cao cấp. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp trong khoảng 24 tuần. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu tập trung vào những nhóm chuyên đề sau: 

- Đào tạo tập trung theo chương trình Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp (theo chương trình của Bộ Nội vụ) với thời gian là 12 tuần.

- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành kiểm toán trong thời gian 04 tuần tương ứng 160 tiết và được chia thành 04 học phần với 13 chuyên đề:
 
+ Học phần I: Cơ sở pháp lý và nghề nghiệp về tổ chức và hoạt động KTNN, bao gồm 03 chuyên đề: Địa vị pháp lý của cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI); Mô hình tổ chức và hoạt động của KTNN; Hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán của cơ quan Kiểm toán tối cao.
 
Nhóm chuyên đề này nhằm bổ sung và nâng cao kiến thức cơ sở pháp lý và nghề nghiệp về tổ chức và hoạt động KTNN, như: địa vị pháp lý; mô hình tổ chức và hoạt động của KTNN; thể chế hoạt động; mô hình tổ chức bộ máy; chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong quan hệ so sánh các văn bản của INTOSAI, hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới và Việt Nam, như: Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước, các bộ Luật liên quan đến kiểm toán, các văn bản quy phạm pháp luật khác. Cập nhật kiến thức về hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán mới của INTOSAI và Việt Nam; các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp kiểm toán.

+ Học phần II: Phân tích chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ cho công tác kiểm toán của KTNN, bao gồm 02 chuyên đề: Phân tích tình hình và chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ cho công tác kiểm toán; Phân tích và đánh giá tính bền vững của NSNN trong kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN.

Nhóm chuyên đề này nhằm cung cấp bổ sung những kiến thức và kỹ năng phân tích, tổng hợp phục vụ cho công tác kiểm toán như: khả năng phân tích tình hình và chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ vĩ mô phục vụ cho việc lập kế hoạch kiểm toán, xác định mục tiêu tổng quát trong xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm; khả năng tổ chức xây dựng và khai thác dữ liệu thông tin đối tượng kiểm toán phục vụ cho lập kế hoạch kiểm toán hàng năm; khả năng phân tích tính bền vững của NSNN phục vụ cho lập kế hoạch kiểm toán hàng năm.
 
+ Học phần III: Xây dựng và tổ chức thực hiên chiến lược phát triển KTNN, bao gồm 04 chuyên đề: Xu hướng phát triển KTNN trên thế giới; Xây dựng và quản trị chiến lược phát triển ngành; Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam; Xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán hàng năm. 

Nhóm chuyên đề này nhằm cung cấp những hiểu biết cơ bản về vị trí, vai trờ và xu hướng phát triển các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, khu vực; tổ chức INTOSAI, ASOSAI; xu hướng phát triển các loại  hình kiểm toán; xây dựng và quản trị chiến lược phát triển ngành, kế hoạch phát triển trung và dài hạn; Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam.

+ Học phần IV: Tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN, bao gồm 04 chuyên đề: Tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của đơn vị và đoàn kiểm toán; Tổ chức và quản lý các loại hình cuộc kiểm toán; Tổ chức quản lý và kiểm soát chất lượng kiểm toán; Mối quan hệ trong hoạt động kiểm toán với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, HĐND, UBND và các đơn vị được kiểm toán.

Nhóm chuyên đề này nhằm cung cấp cho người học kiến thức nâng cao năng lực tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán, như: xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cuộc kiểm toán; tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của đơn vị và đoàn kiểm toán; tổ chức và hướng dẫn vận dụng phương pháp kiểm toán phù hợp, trong đó chú trọng phương pháp kiểm toán tổng hợp; tổ chức thực hiện kiểm toán hoạt động; quản lý chất lượng hoạt động kiểm toán; quản lý kiểm toán viên; các mối quan hệ trong hoạt động kiểm toán với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan truyền thông, báo chí, HĐND, UBND và các đơn vị được kiểm toán…

Ngoài việc nghe giảng nội dung của các nhóm chuyên đề trên, 08 tuần còn lại các học viên sẽ được tổ chức đi thực tế, nghe báo cáo chuyên đề tại các đơn vị trong ngành có liên quan và đó cũng là căn cứ để học viên viết và bảo vệ đề án để đưa ra nhận định, phân loại, đánh giá thực tế và các đề xuất./.

Kim Dung

Xem thêm »