SECO sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020

14/01/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Ngày 10/01/2011, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vương Đình Huệ và lãnh đạo các Vụ chức năng đã hội đàm với Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), do bà Monica Rubiolo, Trưởng Ban tài chính và kinh tế vĩ mô làm trưởng đoàn về các vấn đề nâng cao năng lực của KTNN và thúc đẩy sự hợp tác, phát triển giữa hai bên.

 


Tại buổi hội đàm, Tổng KTNN đã giới thiệu với SECO về KTNN Việt Nam qua 15 năm xây dựng và phát triển. KTNN Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI). Trong quá trình hoạt động, KTNN đã tham gia tích cực và hiệu quả vào quá trình hội nhập quốc tế. Đến nay, KTNN đang có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với hàng chục cơ quan Kiểm toán tối cao và các tổ chức quốc tế khắp các châu lục.
 
Trọng tâm trong Chiến lược phát triển của KTNN đến năm 2020 là nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. 
 

Để thực hiện Chiến lược đó, KTNN xác định xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong kế hoạch năm 2011 và đến năm 2015, cùng với việc lập kế hoạch thực hiện Chiến lược của ngành, KTNN sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ KTNN theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo bà Monica Rubiolo, là cơ quan của Bộ kinh tế Thụy Sĩ, SECO chịu trách nhiệm điều phối hợp tác và phát triển kinh tế với các nước. Trong số các đối tác phát triển, SECO đặc biệt quan tâm tới các nền kinh tế mới nổi có mức thu nhập còn thấp. Hiện nay, Việt Nam và Indonêxia là 2 quốc gia châu Á nằm trong 7 quốc gia ưu tiên cho các mục đích phát triển hợp tác của SECO.
 
Thụy Sĩ hiện đang viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam vào các lĩnh vực chủ yếu như môi trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị, hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn… Đối với SECO, lĩnh vực ưu tiên tài trợ là hỗ trợ khuôn khổ ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính công. SECO đã và đang tài trợ cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: hiện đại hoá ngành thuế, quản lý nợ công, cải cách kinh doanh… Mỗi năm, SECO cùng với Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ cho Việt Nam khoảng 20 triệu Franc Thụy Sĩ (21 triệu USD), trong đó riêng SECO tài trợ 15 triệu Franc (tương đương 16 triệu USD). 

Bà Monica Rubiolo đánh giá cao Chiến lược và các kế hoạch hành động của KTNN đồng thời khẳng định, Chiến lược phát triển của KTNN phù hợp với mục tiêu và ưu tiên của SECO. SECO sẽ áp dụng các phương thức hợp tác linh hoạt (cả song phương và đa phương) để hỗ trợ kỹ thuật cho KTNN Việt Nam triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động đã đề ra trong Chiến lược phát triển đến năm 2020./.                              
 
Thu Hương

Xem thêm »