Những mục tiêu kiểm toán chủ yếu năm 2011

10/01/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2010, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn sau khủng hoảng và suy thoái, bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng:

Tăng trưởng GDP đạt 6,78% cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,5% (tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009, vượt xa kế hoạch của Quốc hội đề ra là 60 tỷ USD; vốn giải ngân thực tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước; tính đến 15/12/2010 thu ngân sách vượt 9,3% dự toán, ước đạt 504,4 nghìn tỷ đồng, chi ngân sách ước trên 573 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán năm, các chính sách an sinh xã hội đều được đảm bảo… (nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2010 ngày 04/01/2011 của Vụ Tổng hợp - Kinh tế quốc dân, Bộ kế hoạch và Đầu tư phục vụ họp báo Chính phủ ngày 31/12/2010, đăng tải tại http://www.mpi.gov.vn). Bên cạnh thành quả đạt được cũng còn những vấn đề chưa kiểm soát triệt để cần tiếp tục có những biện pháp để khắc phục trong năm 2011 như giá cả hàng hóa trên thị trường tăng mạnh làm chỉ số giá cả năm 2010 tăng cao gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát; lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn vay của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh... Kết quả khả quan nêu trên có được trước hết là do Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết với nhiều giải pháp quan trọng chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. Để đánh giá việc triển khai thực hiện các giải pháp, tính hiệu quả, hiệu lực của những giải pháp trong đời sống, kinh tế, xã hội cũng như phân tích nguyên nhân của những tồn tại từ đó đề xuất với Quốc hội, Chính phủ những giải pháp phù hợp, đòi hỏi công tác kiểm toán trong năm 2011 của KTNN phải xác định mục tiêu một cách hợp lý và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành.

Năm 2011, theo Công văn số 11/KTNN-TH ngày 7/01/2011 về việc hướng dẫn mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2011, ngoài những mục tiêu kiểm toán thường xuyên thực hiện như: Xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán vốn đầu tư thực hiện; phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm tại các đơn vị sử dụng ngân sách, các doanh nghiệp; xác định và kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân; kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - kế toán; đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản và chế độ kế toán, tài chính của Nhà nước; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp... KTNN còn đặt ra những mục tiêu kiểm toán trọng tâm trên các lĩnh vực kiểm toán, cụ thể là:

- Đối với lĩnh vực ngân sách nhà nước: Đi sâu đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2009/QH12 ngày 06/11/2009 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 của Chính phủ về giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%; đánh giá việc chấp hành pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, trong quản lý điều hành các nguồn kinh phí, vấn đề tự chủ của đơn vị sự nghiệp có thu , riêng lĩnh vực đất đai, chú trọng đánh giá việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, các khoản thu từ đất. 

- Đối với lĩnh vực nợ công: Đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng khoản huy động đầu tư theo khoản 3 Điều 8 Luật NSNN, vay tín dụng ưu đãi, trái phiếu Chính phủ, vay bù đắp bội chi…

- Đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước: Chú trọng đánh giá việc quản lý chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh (nhất là các mặt hàng do Nhà nước thống nhất quản lý giá như: Điện, than, xi măng…).

- Đối với các quỹ tài chính khác: Trọng tâm là đánh giá vấn đề đầu tư bảo toàn các quỹ tài chính tập trung (Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, Quỹ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước …)./. 

Huỳnh Hữu Thọ - Vụ Tổng hợp KTNN

Kích vào đây để tải toàn văn bản

Xem thêm »