Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng nợ Chính phủ vẫn nằm trong ngưỡng an toàn (dưới 50% GDP) và nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước vẫn nằm trong giới hạn cho phép (15,8%/thu ngân sách Nhà nước so với quy định 30% theo thông lệ quốc tế), tuy nhiên xu hướng gia tăng nợ công qua các năm cũng thể hiện một số bất ổn cần lưu ý.
Đó là ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Hội thảo Tổ chức kiểm toán đối với việc quản lí và sử dụng các khoản nợ công do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 10/12.
Tính đến 31/12/2009, nợ công chiếm 52,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 41,9% GDP, xấp xỉ 39 tỷ USD. Dự tính đến cuối năm 2010 nợ Chính phủ sẽ chiếm 44,6% GDP, do điều chỉnh tăng bội chi ngân sách lên trên 5% GDP (năm 2009 là 6,9% GDP và năm 2010 là 6,2% GDP).
Cũng theo ông Nghĩa, việc xác định “ngưỡng an toàn” chỉ là khái niệm tương đối, mạng nặng tính thống kê. Còn trong thực tế, việc nợ công của các quốc gia có thực sự ở trong “ngưỡng an toàn” còn phải xem xét trên nhiều khía cạnh như tốc độ tăng trưởng, tính bền vững trong phát triển, khả năng chống đỡ rủi ro, khoảng hoảng, biến động bất ngờ…). Theo ông, đối với nợ công Việt Nam sẽ có những rủi ro tiềm ẩn sau:
Thứ nhất, nợ nước ngoài cao (chiếm 58,8% trong nợ Chính phủ) trong đó phần lớn các khoản nợ nước ngoài là vay ODA (85%) ngoài việc làm tăng chi phí đầu vào của khoản vay thì làm tăng nguy cơ rủi ro về cơ cấu nợ, chưa kể các khoản vay ODA này sẽ giảm dần trong tương lai.
Thứ hai, áp lực chi phí ngân sách lớn dẫn đến thâm hụt ngân sách cả trong và ngoài dự toán ngày càng gia tăng (từ 2,8% GDP năm 2001 lên tới 9% GDP năm 2009) vượt qua mức 5% theo thông lệ quốc tế cũng gây áp lực lên chính sách tài khóa và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai.
Thứ ba, chỉ số ICOR – đo lường hiệu quả đầu tư càng cao thì hiệu quả dầu tư của nền kinh tế càng thấp. Hệ số ICOR năm 1991 là 3,2 đã tăng lên 8 vào năm 2009 cho thấy hiệu quả thấp trong việc sử dụng nguồn lực, sự lãng phí và quản lý chưa chặt chẽ trong đầu tư cũng như khả năng cạnh tranh thấp của nền kinh tế.
Thứ tư, nợ công có thể gia tăng nhanh chóng và đột biến trong thời gian ngắn nếu một số các tập đoàn kinh tế đổ bể, mất khả năng thanh toán và chính phủ phải vay nợ để tài trợ cho các tập đoàn này nhằm tái cơ cấu tài chính. Ông Nghĩa dẫn chứng tới việc tái cơ cấu tập đoàn Vinashin.
Thứ năm, tình trạng bong bong bất động sản, nợ xấu, rủi ro lãi suất và hối đoái cũng ảnh hưởng đến nền tảng tài chính và thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Trong trường hợp các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản cần được tài trợ từ ngân sách cũng có thể làm bội chi và nợ công tăng đột ngột.
Đồng quan điểm với ông Nghĩa, TS Lê Sa - Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương Hà Nội nhận định: “Nợ công ở Việt Nam có khá nhiều vấn đề đáng lo ngại. Vì thế, tiền vay phải được quản lý chặt chẽ theo các nguyên tắc của Luật quản lý nợ công một cách công khai, minh bạch và có lộ trình trả nợ. Như vậy, nợ công mới có thể phục vụ cho việc phát triển đất nước. Nếu không, sẽ dẫn tới tình trạng nợ nần chồng chất và thế hệ mai sau phải gánh trách nhiệm trả nợ.
Nợ công ở Việt Nam đang tăng nhanh trong khi thâm hụt ngân sách đã trở thành căn bệnh "kinh niên", đầu tư không ngừng mở rộng kéo theo lạm phát và lãi suất tăng cao khiến cho việc tài trợ nợ công ngày càng trở nên đắt đỏ.
"Hiệu quả sử dụng các khoản vay là một vấn đề rất quan trọng vì từ đó mới bảo đảm được dòng tiền trả nợ trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam dường như mới chú trọng đến khía cạnh giải ngân cho các khoản vay, bán cho được trái phiếu, thu tiền về đã được xem là thành công. Còn theo nhiều đánh giá, các khoản đầu tư của Nhà nước vẫn bị coi là dàn trải, chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí lớn vốn nhà nước nhưng hiệu quả đầu tư thu được thấp, những “căn bệnh” kinh niên của các dự án đầu tư công không giảm sút mà còn có chiều hướng tăng mạnh - Tiến sỹ Lê Sa bình luận.
Kiểm toán Nhà nước với tư cách là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với mọi cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách. Vì vậy, việc kiểm tra của kiểm toán Nhà nước đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công là cần thiết, đảm bảo tính minh bạch trong quản lý và sử dụng các khoản nợ công cũng như tính bền vững của ngân sách nhà nước.
Nợ công đã, đang và sẽ là vấn đề của nền kinh tế toàn cầu nói chung và của nền kinh tế VIệt Nam nói riêng. Nhưng đó cũng là một cơ hội để minh bạch các chi tiêu và nợ nần của Chính phủ, không thể để tình trạng nợ công không ai biết rõ như trước được nữa. Từ đó, tạo lòng tin của người dân đối với chính phủ, tạo động lực cho quá trình phát triển của đất nước.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp