HỘI THẢO “TỔ CHỨC KIỂM TOÁN ĐỐI VỚI VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN NỢ CÔNG”

10/12/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Ngày 10/12/2010, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tổ chức kiểm toán đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công”. Đến dự, về phía KTNN có GS.TS Vương Đình Huệ, Tổng KTNN; các Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân, Hoàng Hồng Lạc; đại diện các KTNN chuyên ngành và khu vực, đại diện một số đơn vị tham mưu và sự nghiệp của KTNN; đại biểu khách mời có đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Vụ Kinh tế Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các trường đại học và các hội nghề nghiệp.

 Phát biểu tại Hội thảo, Tổng KTNN Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nợ công và quản lý nợ công đang là vấn đề nóng, được cả thế giới quan tâm. KTNN với tư cách là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước thực hiện kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với mọi cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách. Vì vậy, việc kiểm tra của KTNN đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công là cần thiết, đảm bảo tính minh bạch trong quản lý và sử dụng các khoản nợ công cũng như tính bền vững của ngân sách nhà nước. Do đó, Hội thảo “Tổ chức kiểm toán đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công” nhằm mục đích nhận diện nợ công và mối quan hệ giữa quản lý nợ công với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; mô tả những rủi ro trong quá trình quản lý và sử dụng các khoản nợ công và sự cần thiết phải bổ sung khuôn khổ pháp lý cho quản lý và kiểm toán nợ công; đề ra phương thức tổ chức kiểm toán đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công.

Đã có 6/13 bài tham luận được trình bày và nhiều ý kiến tham luận trực tiếp tại Hội thảo. Các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đã trao đổi nhằm bước đầu nhận diện về nợ công, trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn trong hoàn thiện tổ chức kiểm toán đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công nhằm góp phần gia tăng giá trị và lợi ích của KTNN./.

Nguyễn Hiền

Xem thêm »