Hoạt động của các đơn vị trực thuộc kiểm toán nhà nước năm 2007

03/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

VĂN PHÒNG KTNN:

HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO VỚI CHẤT LƯỢNG CAO

Với chức năng tham mưu, tổng hợp và hậu cần trên các mặt công tác về thư ký tổng hợp, thi đua khen thưởng, tài vụ kế toán và hành chính, quản trị, đầu tư xây dựng cơ bản cho toàn ngành, năm 2007, Văn phòng KTNN đã hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng cao: đảm bảo các điều kiện vật chất và kinh phí, thực hiện tốt chức năng tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo KTNN điều phối hoạt động chung của toàn ngành. Chất lượng công tác thư ký - tổng hợp được nâng lên, công tác tài vụ - kế toán có nhiều chuyển biến, chủ động hơn trong việc xin kinh phí, phân bổ dự toán và thanh quyết toán kinh phí theo chế độ quy định. Công tác thi đua khen thưởng có nhiều đổi mới, đáp ứng được yêu cầu. Trong lĩnh vực công tác hành chính, quản trị đã đảm bảo hoàn thành tốt các công việc thường xuyên, giảm thiểu sai sót, hoàn thành khối lượng lớn công việc nhất là việc mua sắm, trang bị tài sản, may trang phục mùa hè; đáp ứng kịp thời việc sao chụp tài liệu phục vụ họp báo công bố kết quả kiểm toán, gửi báo cáo kiểm toán năm và luân chuyển văn bản. Trong công tác quản lý đầu tư XDCB đã tham mưu kịp thời cho lãnh đạo KTNN để tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đảm bảo tính hiệu quả trong công tác đầu tư.

Năm 2008, xuất phát từ yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng hoạt động văn phòng, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập ngành, Văn phòng KTNN xác định phương hướng công tác của mình là: Kế hoạch hóa chương trình của từng lĩnh vực trong công tác văn phòng gắn với theo dõi và kiểm tra việc thực hiện, kiên quyết cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực; tập trung rà soát, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công tác văn phòng; đổi mới phương pháp và tác phong làm việc, tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp công tác với các đơn vị trực thuộc nhằm tham mưu, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo KTNN; xây dựng nếp sống văn minh công sở; giữ vững đoàn kết, động viên sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, công chức./.

VỤ TỔNG HỢP:

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN TRUNG HẠN VÀ DÀI HẠN SẼ HƯỚNG TỚI VIỆC XÁC ĐỊNH LĨNH VỰC TRỌNG ĐIỂM, ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KINH TẾ NỔI CỘM

Kết thúc năm 2007, sau hơn một năm hoạt động với những thách thức không nhỏ của một đơn vị mới được thành lập, Vụ Tổng hợp đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo chức năng mà còn hoàn thành tốt cả nhiệm vụ phối hợp kiểm toán.

Là đầu mối quản lý tổng hợp toàn ngành từ khâu kế hoạch đến phát hành báo cáo kiểm toán, năm qua Vụ Tổng hợp đã bảo đảm thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho Lãnh đạo KTNN và các đơn vị về tình hình tiến độ triển khai hoạt động kiểm toán tại các cuộc họp giao ban tháng, qua đó giúp các đơn vị đôn đốc nhắc nhở các đoàn kiểm toán thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, khẩn trương hoàn thành báo cáo kiểm toán sau khi kết thúc.

Công tác tổng hợp và lập báo cáo kết quả kiểm toán hàng năm của KTNN trình Chính phủ và Quốc hội - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị - năm qua đã được chú trọng đúng mức. Để kết quả bảo đảm chính xác, Vụ Tổng hợp đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính kiểm tra soát xét lại kết quả kiểm toán của toàn ngành. Đến 31/12/2007, đã hoàn thành công tác tổng hợp 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành với tổng số tăng thu, giảm chi NSNN và quản lý qua ngân sách là 9.290 tỷ đồng; bên cạnh đó là những thông tin về tình hình chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ tài chính kế toán trên các lĩnh vực NSNN, đầu tư XDCB, doanh nghiệp, tài chính ngân hàng... Ngoài nhiệm vụ chuyên môn theo đúng chức năng nhiệm vụ, Vụ Tổng hợp còn được Tổng KTNN giao chủ trì cuộc kiểm toán Chương trình 135 giai đoạn II, đồng thời phối hợp kiểm toán việc quản lý chi tiêu tài chính tại Kho bạc Nhà nước, Đài truyền hình Việt Nam và Hội nghị cấp cao APEC...

Trong năm 2008, Vụ Tổng hợp xác định sẽ tăng cường tập trung cho công tác nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và dài hạn, nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, bám sát yêu cầu KTXH của từng thời kỳ, xác định lĩnh vực trọng điểm, địa bàn trọng điểm cũng như những vấn đề kinh tế nổi cộm... Từ đó sẽ xác định mục tiêu kiểm toán và hướng dẫn các KTNN chuyên ngành và khu vực triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ:

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA ĐỐI VỚI NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN

Năm 2007, Vụ Tổ chức cán bộ đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn và đạt hiệu quả cao, trong đó có nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành phát sinh trong năm. Cụ thể: Việc triển khai Nghị quyết 1123/NQ-UBTVQH 11 và Nghị quyết 1124/NQ-UBTVQH 11 đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời; việc thành lập mới các KTNN khu vực đảm bảo yêu cầu triển khai Luật KTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, giữ được sự ổn định và phát triển của các đơn vị trong ngành.

Một trong những nhiệm vụ nổi bật trong năm 2007 của Vụ Tổ chức cán bộ đó là đã tham mưu, giúp Tổng KTNN tổ chức thực hiện thành công Đề án tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức năm 2006 với đội ngũ cán bộ được tuyển dụng, tiếp nhận có trình độ chuyên môn phù hợp, có phẩm chất đạo đức. Căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao, Vụ đã xây dựng phương án giao chỉ tiêu biên chế và quỹ tiền lương năm 2007 - 2008, hiện đang tích cực triển khai thực hiện đề án; làm tốt công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ góp phần kiện toàn cơ cấu đội ngũ lãnh đạo của KTNN. Trong năm, Vụ đã phối hợp với Trung tâm KH và BDCB tổ chức được 9 lớp cập nhật kiến thức cho 1111 lượt cán bộ, công chức; 01 lớp cập nhật kiến thức và 01 lớp bồi dưỡng WTO cho lãnh đạo cấp Vụ; 02 lớp tin học cho 50 cán bộ, công chức; 02 lớp KTV dự bị cho 132 công chức; 01 lớp KTV cho 106 cán bộ mới được tiếp nhận về KTNN.... Ngoài ra, Vụ còn tham mưu trình Tổng KTNN ban hành kế hoạch chi tiết về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức của KTNN năm 2008.

Trong năm 2008, nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Vụ Tổ chức cán bộ đã đề ra các biện pháp tích cực như: Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức; yêu cầu cán bộ, công chức xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng nhiệm vụ được giao với tiến độ hoàn thành, chất lượng tham mưu công việc cụ thể; tăng cường công tác kiểm tra đối với nhiệm vụ chuyên môn của các cán bộ, công chức trong Vụ; đổi mới phương pháp quản lý cán bộ, công chức trong toàn ngành; tăng cường đi cơ sở; cán bộ, công chức theo dõi các đơn vị phải báo cáo định kỳ hàng quý tình hình các đơn vị trong toàn ngành; v.v...

VỤ CHẾ ĐỘ VÀ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN:

SẼ PHỐI HỢP VỚI LỰC LƯỢNG AN NINH

NHẰM TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN

VÀ THỰC HIỆN MỤC TIÊU TRONG SẠCH HOÁ ĐỘI NGŨ

Năm 2007 Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng chế độ kiểm toán theo chức năng nhiệm vụ được Tổng KTNN giao, một nhiệm vụ mới với nhiều thách thức đặt ra. Trên cơ sở đó, cán bộ, kiểm toán viên trong đơn vị đã hoàn thành việc chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Tổng KTNN quyết định ban hành hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán mới thay thế hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán hiện hành.

Nhận thức được tầm quan trọng và tính phức tạp của việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, ngay từ đầu năm lãnh đạo đơn vị đã tập trung giành phần lớn nhân lực và thời gian để triển khai và hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra ngay từ tháng 6/2007, đáp ứng một bước quan trọng yêu cầu của Luật kiểm toán nhà nước và thực tiễn hoạt động kiểm toán đang đặt ra. Sau khi Tổng KTNN ký quyết định ban hành hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, Vụ Chế độ đã triển khai việc giới thiệu, hướng dẫn cách sử dụng, ghi chép hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán đến tất cả các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực. Cũng trong năm 2007, Vụ CĐ&KSCLKT đã hoàn thành việc chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Tổng KTNN ký quyết định ban hành tiêu chí và thang điểm đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán; triển khai việc nghiên cứu, xây dựng Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; nghiên cứu xây dựng quy định về danh mục hồ sơ kiểm toán; quy định về công tác lập, lưu trữ, bảo quản, khai thác và tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán; đã và đang triển khai việc nghiên cứu xây dựng Quy trình kiểm soát chất lượng kiểm toán...

Về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, ngay những tháng đầu năm 2007, Vụ CĐ&KSCLKT đã khẩn trương tổng hợp kết quả kiểm tra hồ sơ thực hiện cuối năm 2006, lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hồ sơ kiểm toán để báo cáo Tổng KTNN, trong đó tập trung phân tích những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân của những sai sót, yếu kém, đề xuất các nhóm giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, làm cơ sở giúp Lãnh đạo KTNN tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về chất lượng kiểm toán với lãnh đạo các đơn vị, qua đó đề ra các biện pháp chấn chỉnh hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Theo chương trình công tác đã được lãnh đạo KTNN phê duyệt, năm 2007 Vụ CĐ&KSCLKT tập trung kiểm tra hồ sơ kiểm toán 12 cuộc kiểm toán các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực thực hiện. Đến cuối năm 2007 đã kết thúc việc kiểm tra hồ sơ kiểm toán, trong đó lập báo cáo kết quả kiểm tra hồ sơ kiểm toán gửi Tổng KTNN được 5 cuộc.

Tại Hội nghị tổng kết công tác của đơn vị năm 2007, bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, kiểm toán viên Vụ CĐ&KSCLKT và các kết quả công tác đạt được năm vừa qua, Tổng KTNN cho biết, năm 2008 KTNN được giao chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về hoạt động kiểm toán nội bộ, Lãnh đạo KTNN dự kiến sẽ giao Vụ CĐ&KSCLKT làm đầu mối chủ trì việc soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành đồng thời tập huấn, hướng dẫn thực hiện. Về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, Tổng KTNN đặc biệt lưu ý về những sai phạm dễ xảy ra trong hoạt động kiểm toán hiện nay và chô biết, ngoài các biện pháp thường xuyên, trong năm 2008 KTNN dự kiến sẽ phối hợp với lực lượng an ninh nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và thực hiện mục tiêu trong sạch hoá đội ngũ.

VỤ PHÁP CHẾ:

CHUẨN BỊ VỀ LUẬN CỨ VÀ THỰC TIỄN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA KTNN TRONG HIẾN PHÁP,

XEM XÉT CÁC NỘI DUNG CẦN SỬA ĐỔI LUẬT KTNN VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Năm 2007, công tác pháp chế của KTNN gồm nhiều nhiệm vụ quan trọng về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác; kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của ngành; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thẩm định tính pháp lý báo cáo kiểm toán... Với sự nỗ lực vượt bậc, Vụ Pháp chế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Lãnh đạo KTNN biểu dương.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác, Vụ Pháp chế được giao chủ trì soạn thảo Quy chế làm việc của Hội đồng kiểm toán; Quy trình thanh tra, kiểm tra của KTNN; Quy trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN; Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán... Đến hết tháng 12/2007, hầu hết các quy trình đã hoàn thiện, trình ký ban hành; riêng Quy chế làm việc của Hội đồng kiểm toán đang tiếp tục hoàn chỉnh. Năm qua, Vụ Pháp chế còn tiếp nhận từ Dự án GTZ và hoàn thành các quyết định ban hành Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy trình kiểm toán các dự án đầu tư, Quy chế công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Bên cạnh đó Vụ còn được giao một số nhiệm vụ đột xuất, đó là xây dựng văn bản hướng dẫn kết luận về trách nhiệm và kiến nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật thông qua hoạt động kiểm toán; chủ trì xây dựng và cơ bản hoàn thiện việc triển khai Nghị định của Chính phủ về công khai kết quả kiểm toán…

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức thông qua các lớp tập huấn và tuyên truyền trên báo chí; đặc biệt, Vụ Pháp chế được giao chủ trì Phối hợp với Ban quản lý Dự án DANIDA/KTNN tập huấn Luật KTNN cho một số tỉnh thành phố, qua đó cung cấp cho các đại biểu những kết quả sau hơn 01 năm triển khai thi hành Luật, những nội dung cơ bản của Luật KTNN.

Đối với công tác thẩm định tính pháp lý báo cáo kiểm toán, 100% các báo cáo kiểm toán thực hiện năm 2007 của KTNN đều được thẩm định, đảm bảo về thời gian và chất lượng theo yêu cầu. Đồng thời, Vụ Pháp chế còn tham mưu cho Tổng KTNN trong việc xem xét, xử lý một số kiến nghị về kết quả kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực cũng như đơn vị được kiểm toán đảm bảo chất lượng và yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2007 tiếp tục được tăng cường; các mặt công tác khác cũng thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Giao nhiệm vụ công tác pháp chế năm 2008, Tổng KTNN lưu ý Vụ Pháp chế đưa vào kế hoạch trong năm tới các nội dung chuẩn bị về luận cứ và thực tiễn để đề nghị bổ sung địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp để đề xuất với Đảng và Nhà nước khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp; xem xét các nội dung cần sửa đổi (nếu có) đối với Luật KTNN sau một thời gian triển khai thực hiện. Tổng KTNN đặc biệt lưu ý việc tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, cần triển khai với tinh thần "nhiều binh chủng hợp thành", có các bài viết tuyên truyền sâu sắc, mang tính phổ cập cao…

KTNN CHUYÊN NGÀNH II:

KẾT QUẢ KIỂM TOÁN ĐỀ ÁN 112 CỦA KTNN CHUYÊN NGÀNH II ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO

Năm 2007 KTNN chuyên ngành II đã hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác, qua đó kiến nghị tăng thu, giảm chi cho NSNN hơn 138 tỷ đồng; kiến nghị ghi thu ghi chi quản lý qua NSNN hơn 60.9 tỷ đồng và kiến nghị xử lý tài chính khác hơn 1725 tỷ đồng. Các cuộc kiểm toán tiến hành theo đúng kế hoạch đã được Tổng KTNN phê duyệt.

Nhằm đảm bảo các mục tiêu kiểm toán đã đề ra, trong từng cuộc kiểm toán đã có sự kết hợp giữa hai loại hình kiểm toán là kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ. Kiểm toán quyết toán NSNN của các bộ, ngành đã tập trung nhiều hơn đến kiểm toán tổng hợp, đánh giá tính tuân thủ trong việc quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô; bước đầu kết hợp loại hình kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán nhằm đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của nhà nước tại đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt, qua việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán Đề án 112, một đề án đặc biệt quan trọng, Đoàn kiểm toán đã phát hiện nhiều bất cập trong việc tổ chức quản lý và sử dụng tài chính từ khâu lập, phê duyệt, ban hành chính sách đặc thù đối với Đề án; chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc cấp phát, quản lý và sử dụng tài chính theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm toán Đề án 112 được công luận đặc biệt quan tâm, Báo cáo kết quả kiểm toán được Chính phủ đánh giá cao và sử dụng làm căn cứ chỉ đạo khắc phục những khó khăn cũng như những hạn chế, yếu kém nhằm tiếp tục triển khai các bước tiếp theo một cách hiệu quả, từ đó, rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án lớn sử dụng NSNN nói chung.

Năm 2008, KTNN chuyên ngành II xác định mục tiêu trọng tâm là quan tâm tới chất lượng kiểm toán, nâng cao trình độ năng lực, đổi mới lề lối tác phong làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên; chú trọng định hướng công tác theo chủ đề của năm 2008, đó là: Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh.

KTNN CHUYÊN NGÀNH III:

KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, LÀM TỐT CÔNG TÁC PHỐI HỢP KIỂM TOÁN

Năm 2007, ngoài kế hoạch kiểm toán các đơn vị thụ hưởng ngân sách thuộc khối văn hoá - xã hội, KTNN chuyên ngành III còn được giao nhiệm vụ phối hợp với một số đơn vị tham mưu và KTNN chuyên ngành của KTNN thực hiện kiểm toán Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giáo dục và Đào tạo, kiểm toán Chuyên đề về phí sử dụng đường bộ, thí điểm loại hình kiểm toán hoạt động.

Trước thực tế phải cử các kiểm toán viên giàu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt tham gia phối hợp kiểm toán với các đơn vị, KTNN chuyên ngành III đã chỉ đạo các đoàn kiểm toán bám sát mục tiêu chung, từ đó xây dựng mục tiêu, kế hoạch phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng kiểm toán. Do đó, nhiều cuộc kiểm toán năm 2007 của KTNN chuyên ngành III vẫn được đánh giá cao; kết quả xử lý về tài chính đạt khoảng 1.674 tỷ đồng và đưa ra nhiều kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành ngân sách đối với các đơn vị được kiểm toán. Qua kiểm toán, KTNN chuyên ngành III cũng đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ và các Bộ liên quan về một số vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính, như: công tác lập, giao dự toán; xác định chính xác mức kinh phí ngân sách giao cho các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên; hoàn thiện cơ chế tài chính về quản lý ngân sách công đoàn, sửa đổi kiến nghị về tăng cường công tác quản lý thu hồi tài sản công đã sử dụng cho thuê sai mục đích...

Kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ của KTNN chuyên ngành III biểu hiện từ công tác lập kế hoạch, công tác kiểm toán, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng như sự phối hợp với các đơn vị khác trong hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo đơn vị, công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động chuyên môn đôi lúc vẫn chưa kịp thời theo yêu cầu, thời gian lập một số biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán còn kéo dài, việc lập kế hoạch kiểm toán chi tiết của một số cuộc kiểm toán còn chưa cụ thể, chưa phù hợp... KTNN chuyên ngành III đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm khắc phục những hạn chế này nhằm mục đích hoàn thành kế hoạch kiểm toán năm 2008 với chất lượng cao hơn.

KTNN CHUYÊN NGÀNH IV:

NĂM 2008 SẼ TĂNG CƯỜNG VIỆC XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN, TẬP THỂ VI PHẠM

ĐỂ ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ VÀ TĂNG THU CHO NSNN

Năm 2007 KTNN chuyên ngành IV đã thực hiện hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác gồm 7 cuộc kiểm toán (04 dự án đầu tư, 02 dự án kiểm toán thường xuyên và 01 Tổng Công ty tư vấn). Qua kiểm toán, đơn vị đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 92 tỉ đồng, bao gồm đề nghị thu hồi, nộp về NSNN 4.883 triệu đồng chi sai chế độ; đề nghị giảm trừ khi phê duyệt quyết toán các dự án đầu tư 53.535 triệu đồng, giảm trừ khi thanh toán 23.175 triệu đồng và xử lý khác trên 10 tỉ đồng. Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều sai sót trong công tác quản lý tại các đơn vị được kiểm toán, kiến nghị khắc phục và chấn chỉnh kịp thời, ngoài ra còn có một số kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về mặt cơ chế chính sách.

Đạt được kết quả đó là do trong năm qua công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch của đơn vị có nhiều nỗ lực và đổi mới. Đối với công tác lập kế hoạch năm, công tác khảo sát và lập kế hoạch đã được quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu năm thông qua việc phân công cho các phòng theo dõi và tổ chức thu thập thông tin, tài liệu xây dựng kế hoạch kiểm toán năm sau đúng trình tự và thời gian quy định. Đối với kế hoạch tổng quát của các cuộc kiểm toán, ngay sau khi nhận nhiệm vụ kế hoạch kiểm toán năm đơn vị đã quan tâm việc sắp xếp nhân sự cho các Đoàn kiểm toán, đồng thời phân công Trưởng, Phó đoàn kiểm toán kết hợp với các phòng nghiệp vụ khẩn trương tổ chức khảo sát lập kế hoạch tổng quát cho từng cuộc kiểm toán. Nhìn chung, công tác khảo sát lập kế hoạch kiểm toán đã bám sát các mục tiêu kiểm toán đề ra, đưa ra được những nội dung, yêu cầu kiểm toán cụ thể; thực hiện đúng trình tự các bước khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch và trình Tổng KTNN xét duyệt kế hoạch các cuộc kiểm toán ngay từ đầu năm. Những lý do trên giúp cho việc cân đối thời gian, nhân sự các Đoàn kiểm toán được hợp lý và chủ động.

Về triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán, trước mỗi cuộc kiểm toán, các đoàn kiểm toán đã làm tốt công tác chuẩn bị như trao đổi nghiệp vụ, quán triệt kế hoạch kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán và chuẩn bị tài liệu, mẫu biểu kiểm toán; tiếp tục duy trì nề nếp tổ chức tập huấn chung về chế độ, phương pháp kiểm toán vào đầu năm và trước khi triển khai các cuộc kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán chi tiết của các tổ kiểm toán lập đã phù hợp hơn với mục tiêu và nội dung của kế hoạch tổng quát; các tổ trưởng phân công nhiệm vụ cho KTV phù hợp với năng lực, sở trường của từng người... Đặc biệt, việc quản lý công tác kiểm toán tại các đoàn kiểm toán có nhiều tiến bộ, mặc dù các đoàn kiểm toán dự án đầu tư thường có số lượng KTV đông, thời gian kiểm toán dài nhưng đã quản lý khá tốt về chuyên môn và thời gian lao động. Tại các Đoàn kiểm toán lớn đã thực hiện giao ban định kỳ để kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch kiểm toán, thống nhất các mục tiêu, phương pháp kiểm toán và xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh... Đoàn kiểm toán Dự án thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi đã có sáng kiến tổ chức kiểm tra chéo giữa các tổ kiểm toán về thực hiện mục tiêu, kế hoạch và quy chế đoàn nhằm phấn đấu thực hiện chỉ tiêu đăng ký chất lượng vàng kiểm toán.

Năm 2008 KTNN chuyên ngành IV được giao kiểm toán 09 cuộc kiểm toán đối với 02 Tổng công ty và 07 dự án, trong đó có những cuộc kiểm toán quy mô lớn như Dự án mở rộng đường Láng - Hoà Lạc; Dự án thuỷ lợi Đồng bằng sông Hồng - ADB 3; Dự án cầu Vĩnh Tuy và Dự án đường 5 kéo dài. Trên cơ sở đó, KTNN chuyên ngành IV đề ra một số định hướng quan trọng trong thực hiện kế hoạch năm tới, đó là: chú ý kiểm tra về khối lượng và chất lượng công trình đã được thanh toán, phát hiện gian lận, tham nhũng, lãng phí gây thất thoát tài sản của nhà nước; đánh giá đúng nguyên nhân sai phạm đề nghị cơ quan chức năng xử lý. Đối với doanh nghiệp xây lắp, sẽ tập trung kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất, phát hiện những khoản chi phí bất hợp lý và kiên quyết loại bỏ; chú ý xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm đề nghị xử lý và tăng thu cho NSNN. Nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2008, KTNN chuyên ngành IV đã đề ra các biện pháp về tổ chức hợp lý thời gian, nhân sự các tổ khảo sát và thu thập thông tin lập kế hoạch năm, kế hoạch kiểm toán để đánh giá đúng các vấn đề trọng yếu cần đi sâu kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng khảo sát; tăng cường công tác kiểm tra giám sát của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn và Phòng Tổng hợp trong quá trình kiểm toán để đảm bảo chất lượng kiểm toán và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ...

KTNN CHUYÊN NGÀNH V:

PHÁT HÀNH BÁO CÁO CÁC CUỘC KIỂM TOÁN BÌNH QUÂN SỚM HƠN BẢY NGÀY SO VỚI QUY ĐỊNH

Nhận nhiệm vụ kiểm toán 04 chương trình, dự án và 02 tổng công ty, chuyển tiếp 03 cuộc kiểm toán thường xuyên 3 dự án và kiểm toán bổ sung Dự án tu bổ, cải tạo Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, đến hết tháng 12/2007, KTNN chuyên ngành V đã hoàn thành 8/10 cuộc kiểm toán, 2 cuộc còn lại thuộc diện kiểm toán thường xuyên được chuyển tiếp (Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước) sang năm 2008. Tất cả các cuộc kiểm toán đều được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, thời gian được duyệt.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán (của 8 cuộc đã hoàn thành) cho thấy đã phát hiện, xử lý về tài chính tổng số tiền 245,2 tỷ đồng. Các báo cáo kiểm toán đã quan tâm hơn trong việc chỉ rõ sai phạm, nguyên nhân và địa chỉ sai phạm; có những kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng có liên quan; quan tâm hơn tới đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị được kiểm toán, đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra thất thoát, lãng phí để đơn vị có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Năm 2007, bên cạnh việc tiến hành kiểm toán tại chỗ, KTNN chuyên ngành V đã thực hiện kiểm toán tại trụ sở cơ quan KTNN đối với một số dự án, góp phần nâng cao tính độc lập trong hoạt động chuyên môn và tiết kiệm chi phí. Trong từng cuộc kiểm toán đã có sự kết hợp giữa các loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Trong năm qua, công tác lập và gửi báo cáo kiểm toán trong năm qua của KTNN chuyên ngành V có nhiều chuyển biến tích cực, việc phát hành Báo cáo kiểm toán luôn đảm bảo đúng thời hạn luật định. Năm vừa qua có 02 cuộc kiểm toán trình duyệt Báo cáo kiểm toán trước 4 ngày, 03 cuộc trước 9 ngày theo quy định của Luật KTNN; 03 cuộc kiểm toán phát hành Báo cáo trước thời hạn 02 ngày, 01 cuộc trước 15 ngày (so với 45 ngày theo quy định), do đó, thời gian phát hành báo cáo bình quân cho mỗi cuộc kiểm toán là 37,4 ngày. Đạt được kết quả đó là do công tác lập và gửi báo cáo kiểm toán đã có những cải tiến tích cực. Ngay sau khi kết thúc kiểm toán tại đơn vị, các đoàn kiểm toán tổ chức họp rút kinh nghiệm. Đồng thời, Lãnh đạo đoàn kiểm toán đã chú trọng chỉ đạo, phân công các KTV có kinh nghiệm, sử dụng thành thạo vi tính tham gia tổng hợp số liệu, lập dự thảo Báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, Hội đồng cấp Vụ được thành lập cũng đã làm tốt nhiệm vụ xét duyệt Báo cáo kiểm toán giúp cho chất lượng các báo cáo thực sự được nâng lên.

Cụ thể hoá các định hướng nhiệm vụ trọng tâm của ngành, KTNN chuyên ngành V xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2008 là xây dựng đội ngũ kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh về mọi mặt; nâng cao chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành xuất sắc, toàn diện kế hoạch nhiệm vụ công tác được giao.

KTNN CHUYÊN NGÀNH VI:

KIỂM TOÁN TRONG LĨNH VỰC DOANH NGHIỆP

ĐÒI HỎI PHẢI ĐI TIÊN PHONG TRONG CHUẨN HOÁ HOẠT ĐỘNG

Năm 2007, KTNN Chuyên ngành VI được giao thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2006 của ba Tổng Công ty và một Tập đoàn kinh tế, gồm Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Theo đánh giá tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2007 của KTNN chuyên ngành VI, kết quả kiểm toán các đơn vị nêu trên đã đảm bảo các mục tiêu trong phương hướng nhiệm vụ đề ra, cả về tiến độ và chất lượng.

Thông qua hoạt động kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị về nhiều tồn tại trong hoạt quản lý động doanh nghiệp hiện nay, đáng chú ý là hầu hết báo cáo tài chính còn có nhiều sai sót về số liệu, công tác quản lý tài chính kế toán cần chấn chỉnh ở cả Tổng Công ty cũng như các đơn vị thành viên; phát hiện và kiến nghị tăng thu 146.400 triệu đồng vào NSNN. Qua kiểm tra thực hiện các kiến nghị kiểm toán năm 2004 tại năm Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế cho thấy các đơn vị đã nộp đầy đủ các khoản vào NSNN theo số liệu Đoàn kiểm toán đã xác định, kiểm tra đối chiếu xác nhận công nợ, ban hành các quy định về quản lý tài chính nội bộ, đồng thời cũng ghi nhận những kiến nghị đòi hỏi phải có thêm thời gian để các đơn vị thực hiện, liên quan đến chính sách thuế và cổ phần hoá.

Công tác soát xét chất lượng kiểm toán năm vừa qua tiếp tục được lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI quan tâm, thực hiện soát xét chất lượng kiểm toán theo từng bước của quy trình kiểm toán từ khi lập kế hoạch kiểm toán đến khi phát hành báo cáo kiểm toán. Để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI đã có những đổi mới trong công tác này theo hướng giao Phòng Tổng hợp chủ trì thẩm định các Biên bản kiểm toán và lãnh đạo đơn vị tổ chức thẩm định Báo cáo kiểm toán. Công tác kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán hiện đã bảo đảm sự chặt chẽ, đúng quy định, góp phần chấn chỉnh và hạn chế được những sai sót trong Biên bản và Báo cáo kiểm toán.

Năm 2008, KTNN chuyên ngành VI được giao kiểm toán Công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhằm tiếp tục tăng cường chất lượng hoạt động, lãnh đạo đơn vị đã xác định nhiều biện pháp nhằm chuẩn bị cho công tác năm tới, đó là trong công tác khảo sát để lập kế hoạch kiểm toán của từng cuộc kiểm toán chú ý khảo sát sâu các đơn vị đặc thù, các đơn vị thành viên; tổ chức kiểm toán chuyên đề ở một số Tập đoàn trong đó chú trọng tập trung làm thí điểm về kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư XDCB của doanh nghiệp.

Trên cơ sở mục tiêu kế hoạch năm 2008 của đơn vị, Tổng KTNN đã chỉ đạo hoạt kiểm toán DNNN trong giai đoạn tới cần chú trọng việc xây dựng lực lượng chính quy hiện đại, lĩnh vực doanh nghiệp hiện nay có tốc độ phát triển và hiện đại nhanh chóng, vì vậy, kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp đòi hỏi phải đi tiên phong trong chuẩn hoá hoạt động; chú trọng bồi dưỡng các kiểm toán viên trẻ có năng lực trình độ đi đôi với tăng cường giáo dục truyền thống, lòng yêu nghề và tinh thần kỷ luật nghiêm minh. Theo chỉ đạo của Tổng KTNN, hoạt động kiểm toán trong năm tới của KTNN chuyên ngành VI cần quan tâm tới một số yếu tố mới tác động xuất phát từ thông lệ WTO; quan tâm hướng tới các Tổng Công ty 90 và 91 chưa kiểm toán lần nào; tăng cường phối hợp với kiểm toán độc lập; đi sâu kiểm toán chuyên đề và quan tâm lĩnh vực kiểm toán vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ:

CẦN CỤ THỂ HOÁ, CÓ LỘ TRÌNH VÀ BƯỚC ĐI CỤ THỂ

NHẰM THỰC HIỆN ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG HỌC VIỆN KIỂM TOÁN

Đánh giá kết quả hoạt động năm 2007, Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong công tác quản lý và nghiên cứu khoa học. Đối với công tác quản lý khoa học, trong năm 2007 Trung tâm đã tổ chức thông qua đề cương các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2007; ký hợp đồng và cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học theo đúng tiến độ; tổ chức nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá, nghiệm thu, quyết toán đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước năm 2004 -2006. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã hoàn thành chức năng Văn phòng Hội đồng khoa học của ngành.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ đã quan tâm việc tập trung lực lượng vào việc nghiên cứu các đề tài khoa học, đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc chủ trì và phối hợp thực hiện 06 đề tài khoa học cấp Bộ và chủ trì 03 đề tài cấp cơ sở, 01 chương trình nghiên cứu; tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước trong quản lý đề tài. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tiến hành nghiên cứu 06 chuyên đề tổng kết hoạt động thực tiễn về hoạt động kiểm toán ngân sách các bộ, ngành; hoạt động kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước... Hoạt động thông tin khoa học đã làm tốt công tác quản lý thư viện khoa học, tăng nhanh đầu sách đảm bảo được nhu cầu nghiên cứu của Trung tâm; xuất bản được 01 số Thông báo khoa học. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản và phát hành Tạp chí nghiên cứu khoa học Kiểm toán đã dần đi vào ổn định, hoàn thành việc in ấn và phát hành 05 số trong năm 2007. Công tác đào tạo về cơ bản cũng đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác Tư vấn và Dịch vụ được triển khai đã hoàn thành một bước kế hoạch Tổng KTNN giao trong cuộc họp giao ban đầu năm.

Năm 2008 Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ đã được Lãnh đạo KTNN phê chuẩn việc thực hiện chế độ tự chủ một phần tài chính, bước chuẩn bị quan trọng để chuyển sang tự chủ hoàn toàn về tài chính vào năm sau. Phát biểu chỉ đạo hoạt động năm tới tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2007 và triển khai công tác năm 2008 của đơn vị, Tổng KTNN nhấn mạnh: Chủ đề chính của toàn ngành trong năm 2008 là "Trong sạch hoá đội ngũ", trên cơ sở đó hoạt động của Trung tâm cần chú trọng công tác phối hợp với các đơn vị trực thuộc KTNN để tập trung thực hiện các mục tiêu liên quan trên cơ sở sớm đưa ra các định hướng ngay từ đầu năm đối với từng nội dung của chủ đề. Ủng hộ chủ trương của Trung tâm về việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ một phần tài chính trong năm tới, Tổng KTNN lưu ý cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm chăm lo cải thiện đời sống cán bộ, công chức và người lao động. Tổng KTNN đặc biệt lưu ý về việc hiện đã có định hướng xây dựng Học viện kiểm toán, Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ với tư cách là đơn vị chủ trì cần có sự nỗ lực hơn nữa, cụ thể hoá, có lộ trình và bước đi cụ thể.

KTNN KHU VỰC I:

CHÚ TRỌNG VIỆC TĂNG CƯỜNG MỐI LIÊN HỆ VỚI CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CÁC ĐỊA PHƯƠNG,

ĐẶC BIỆT LÀ CƠ QUAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN

Năm 2007 KTNN khu vực I được giao nhiệm vụ thực thực hiện 12 cuộc kiểm toán, bao gồm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của 08 tỉnh, 01 dự án và báo cáo tài chính của 3 tổng công ty. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã sớm chủ động việc triển khai và trình Tổng KTNN kế hoạch kiểm toán tổng thể, đồng thời phân giao cụ thể đến các phòng nghiệp vụ, tạo điều kiện cho việc bố trí thời gian, nhân lực trong công tác kiểm toán. Các cuộc kiểm toán trong năm 2007 đã bám sát kế hoạch công tác đề ra; các bước lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán... đều có chương trình công tác cụ thể và được triển khai đúng tiến độ thời gian quy định.

Tổng hợp kết quả kiểm toán cho thấy, trong năm 2007 KTNN khu vực I đã phát hiện kiến nghị tăng thu cho NSNN 86 tỷ đồng, giảm chi 314,7 tỷ đồng, xử lý về tài chính các nội dung khác là 826 tỷ đồng (trong đó riêng thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng sai quy định là 368 tỷ đồng). Trong điều kiện đa số các đơn vị được kiểm toán là các tỉnh miền núi, thu ngân sách trên địa bàn không nhiều, chi ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn bổ sung của ngân sách Trung ương, kết quả kiểm toán nêu trên đã cho thấy tinh thần cố gắng của tập thể lãnh đạo và đội ngũ kiểm toán viên.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2007 và triển khai công tác năm 2008 của KTNN khu vực I, phát biểu ý kiến chỉ đạo đơn vị, Tổng KTNN đặc biệt lưu ý Lãnh đạo đơn vị chú trọng việc tăng cường mối liên hệ với các cơ quan lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là cơ quan hội đồng nhân dân thông qua các cuộc kiểm toán. Tổng KTNN cho biết, Lãnh đạo KTNN dự kiến sẽ giao cho KTNN khu vực I chủ trì một hội nghị nhằm lắng nghe, tập hợp ý kiến góp ý cũng như mong muốn của các địa phương trong việc phát huy vai trò của KTNN nâng cao chất lượng kiểm toán NSNN các tỉnh, thành phố.

KTNN KHU VỰC III:

BÁO CÁO KIỂM TOÁN ĐÃ NÊU RÕ SAI PHẠM, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN

Năm 2007, khối lượng công việc của KTNN khu vực III tăng cao hơn năm trước với 7 cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN 2006 của 7 tỉnh và phối hợp với các KTNN chuyên ngành thực hiện kiểm toán dự án Chương trình 135 của Chính phủ tại tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai.

Đến cuối tháng 11/2007, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán, đặc biệt 03 cuộc kiểm toán cuối cùng đã tổng hợp và hoàn thiện báo cáo kiểm toán trong vòng 5 ngày, sớm hơn 10 ngày so với quy định, góp phần đảm bảo tổng hợp đầy đủ số liệu, tình hình và theo hệ thống mẫu biểu của ngành. Tổng hợp kết quả xử lý về tài chính cho thấy, thông qua kiểm toán đơn vị đã phát hiện, xử lý về tài chính với tổng số tiền là 258.864,16 triệu đồng, trong đó riêng tăng thu NSNN là 56.381 triệu đồng, giảm chi NSNN là 122.240,57 triệu đồng... Đồng thời, qua kiểm toán Đoàn kiểm toán đã nêu ra những tồn tại cần khắc phục trong công tác quản lý điều hành ngân sách như: xử lý nợ đọng, giải quyết miễn giảm thuế, hoàn thuế GTGT, công tác quản lý ngân sách, quản lý đầu tư XDCB và tài chính doanh nghiệp cho các đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt, báo cáo kiểm toán năm 2007 do KTNN khu vực III thực hiện đã nêu rõ sai phạm, trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan đến việc không chấp hành tính tiết kiệm, tính hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát trong quản lý và sử dụng tiền và tài sản nhà nước; kiến nghị các cơ quan quản lý xử lý sai phạm theo thẩm quyền. Trong năm 2007, KTNN khu vực III đã tổ chức 06 tổ kiểm tra thực hiện các kiến nghị kiểm toán năm 2005 và 2006, qua đó thẩm định lại chất lượng kiểm toán của kiểm toán viên và đơn vị.

Để đạt được kết quả đó, các mặt hoạt động của KTNN khu vực III năm qua đã được nỗ lực triển khai đồng bộ, đặc biệt là công tác khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán và công tác chuẩn bị mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán. Công tác khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán đã được lãnh đạo đơn vị coi trọng, việc xác định mục tiêu kiểm toán và tính trọng yếu của từng cuộc kiểm toán được cụ thể, chính xác hơn, nhờ đó đã phục vụ công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời và làm cơ sở giám sát chất lượng kiểm toán của các Đoàn kiểm toán. Việc chuẩn bị mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán, trong khi chờ hướng dẫn ban hành thực hiện thống nhất trong ngành, KTNN khu vực III đã xây dựng và sử dụng tại đơn vị các mẫu Biên bản xác nhận kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp như: Sở Tài chính, Cục thuế, KBNN, Sở Kế hoach đầu tư, mẫu tổng hợp số liệu báo cáo của các Tổ kiểm toán phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo...

Xem thêm »