Tóm tắt kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2001 – 2005

01/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Thực hiện Quyết định số 327/QĐ - KTNN ngày 04/4/2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2001 – 2005 (Chương trình Nước sạch). Đoàn KTNN đã tiến hành kiểm toán Chương trình Nước sạch từ ngày 10/4 đến ngày 30/6/2007

TÓM TẮT KẾT QUẢ KIỂM TOÁN

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH C

VÀ VỆ SINH  MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2001 – 2005



Thực hiện Quyết định số 327/QĐ - KTNN ngày 04/4/2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2001 – 2005 (Chương trình Nước sạch). Đoàn KTNN đã tiến hành kiểm toán Chương trình Nước sạch từ ngày 10/4 đến ngày 30/6/2007.

          I. Nội dung, phạm vi kiểm toán

1. Nội dung kiểm toán

          - Kiểm toán tính đúng đắn, hợp pháp của các số liệu trong Báo cáo quyết toán; Kiểm toán việc chấp hành Luật NSNN, chế độ quản lý đầu tư và xây dựng, các chế độ, chính sách về tài chính - kế toán của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán;

          - Kiểm toán tính hiệu quả, sự tác động, ảnh hưởng của Chương trình đối với địa phương, xã hội tại các đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn của Chương trình.

2. Phạm vi kiểm toán

          - Thời kỳ được kiểm toán: giai đoạn 2001 - 2005.

- Các đơn vị được kiểm toán: Kiểm toán tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (viết tắt là Bộ NN &PTNT) và 14 tỉnh gồm: Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Tiền Giang và Đồng Tháp.

II. Kết quả kiểm toán

KTNN tiến hành kiểm toán tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (viết tắt là Bộ NN &PTNT) và 14 tỉnh gồm: Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Tiền Giang và Đồng Tháp. Kiểm toán Nhà nước đánh giá tổng quát tình hình thực hiện qua kết quả kiểm toán năm 2006 như sau:                   

1. Về thực hiện mục tiêu, tính hiệu quả của Chương trình

          * Những mặt đã làm được: Chương trình đã có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và các Bộ, ngành liên quan; bằng nhiều nguồn vốn cùng tham gia thực hiện Chương trình, trong những năm qua việc thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả nhất định. Theo báo cáo của Bộ NN &PTNT, từ năm 1998 đến năm 2005: tổng số người dân được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 23 triệu 40 triệu; số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh tăng từ 2, 7 triệu lên 6, 4 triệu; số chuồng trại chăn nuôi được xử lý vệ sinh tăng thêm 909.066 cái. Đặc biệt Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư nông thôn tạo nên chuyển biến bước đầu về vấn đề xã hội hoá công tác vệ sinh và môi trường nông thôn.

          * Những mặt còn tồn tại: Theo báo cáo của Bộ NN &PTNT, đến năm 2005 tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 62%, chưa đạt mục tiêu đề ra (80%); số hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt 50%, đã đạt mục tiêu đề ra (50%); vấn đề xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi, làng nghề thu được một số kết quả nhưng Bộ NN &PTNT không cung cấp được tỷ lệ thực hiện nên Đoàn kiểm toán không đánh giá được mức độ hoàn thành mục tiêu này.

          Qua kết quả kiểm toán tại Bộ NN &PTNT và 14 tỉnh cho thấy những tồn tại trong cơ chế quản lý, hạn chế trong chỉ đạo điều hành, khó khăn trong huy động vốn của nhân dân là những lý do làm ảnh hưởng đến kết quả của Chương trình. Vì vậy phần lớn các địa phương chưa đạt được các mục tiêu đề ra, hiệu quả của Chương trình chưa cao. Trách nhiệm của những tồn tại trên thuộc về Ban Chủ nhiệm Chương trình, Bộ NN &PTNT với tư cách là cơ quan quản lý Chương trình, Văn phòng thường trực Chương trình, Chủ tịch UBND các tỉnh.

          2. Công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình

* Những mặt đã làm được

Phần lớn các tỉnh đã triển khai xây dựng quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2001-2010, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2001-2005. Các cơ quan chức năng đã chủ động trong việc tham mưu bố trí vốn chi tiết cho các dự án, hoạt động của Chương trình. Các đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện tương đối đầy đủ việc lập, trình phê duyệt quyết toán kinh phí hàng năm.

* Những tồn tại và khuyết điểm

- Đối với Ban Chủ nhiệm Chương trình được thành lập (Giai đoạn 1999 - 2001 do Bộ NN &PTNT thành lập, từ năm 2002 do Thủ tướng Chính phủ thành lập) nhưng hầu như không hoạt động, không thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Văn phòng thường trực: do Bộ NN &PTNT thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ, tập trung nhiều vào việc làm chủ đầu tư do đó rất hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ chính là giúp Ban Chủ nhiệm phối hợp các Bộ, ngành,  địa phương, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình.

- Đối với Bộ NN &PTNT: là cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời là cơ quan thường trực Chương trình nhưng cũng chưa quan tâm đúng mức đến toàn bộ hoạt động của Chương trình.

- Đối với Bộ Tài chính: chưa tổng hợp quyết toán kinh phí hàng năm và quyết toán Chương trình theo quy định.

- Đối với các tỉnh: chưa tập trung chỉ đạo một cách đầy đủ, chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Một số tỉnh tổ chức theo mô hình phân tán, giao cấp xã làm chủ đầu tư là chưa phù hợp với trình độ, năng lực quản lý ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Trách nhiệm của những tồn tại trên thuộc về Ban Chủ nhiệm Chương trình, Bộ NN &PTNT, Bộ Tài chính, Văn phòng thường trực Chương trình, Chủ tịch UBND các tỉnh.

3. Chấp hành các luật, quy định về quản lý đầu tư và xây dựng và chế độ quản lý tài chính, kế toán

3.1. Chấp hành chế độ quản lý tài chính, kế toán

* Những mặt đã làm được

Về cơ bản Bộ NN &PTNT và các địa phương đã phân khai vốn đầy đủ, kịp thời và đúng mục tiêu nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho Chương trình, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí nhìn chung đảm bảo theo chế độ, thanh toán đúng cho các công trình, hạng mục công trình và các nội dung công việc được cấp thẩm quyền phê duyệt.

         Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã tổ chức bộ máy kế toán theo cơ chế tài chính của Chương trình, chứng từ kế toán cơ bản được lập và lưu trữ đầy đủ, mở sổ kế toán chi tiết và tổng hợp theo mẫu, khoá sổ cuối năm theo quy định, sử dụng đúng các tài khoản, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế theo chế độ kế toán áp dụng, cán bộ kế toán tuy kiêm nhiệm, số lượng ít nhưng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao.

* Những tồn tại, khuyết điểm

- Không lập kế hoạch phân bổ kinh phí còn dư của Chương trình 8.487 tr.đồng; phân khai không đúng nội dung, mục tiêu Chương trình 16.449 tr.đồng; tạm ứng, thanh quyết toán khối lượng XDCB hoàn thành sai chế độ 7.217 tr.đồng; chi vượt định mức hỗ trợ diễn ra ở Bộ NN &PTNT và nhiều địa phương 16.968 tr.đồng.

- Bộ NN &PTNT bố trí vốn cho các công trình do địa phương quản lý sai với quy định của Luật NSNN 14.972 tr.đồng.

- Bộ NN &PTNT và các tỉnh đều không tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí Chương trình hàng năm và tổng hợp báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành.

          - Một số đơn vị mở sổ kế toán chưa đúng mẫu, hạch toán chưa đúng quy định (Hoà Bình, Sơn La); việc ghi chép, sắp xếp sổ sách, lưu trữ chứng từ tại một số đơn vị còn thiếu khoa học (Văn phòng thường trực Chương trình; Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình). Trách nhiệm của những tồn tại trên thuộc về các đơn vị chủ đầu tư.

Đoàn kiểm toán chỉ kiểm toán tại 01 Bộ và 14 tỉnh nhưng số kinh phí phải xử lý tài chính lên tới 48.996/429.234 tr.đồng, chiếm 11,4% kinh phí được sử dụng. Trách nhiệm của những tồn tại trên thuộc về Bộ NN &PTNT, Chủ tịch UBND các tỉnh, các đơn vị chủ đầu tư.

          3.2. Chấp hành các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng

           * Những mặt đã làm được: Cơ bản thực hiện theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Quy chế đấu thầu trong các giai đoạn đầu tư, đảm bảo trình tự, thủ tục từ các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.      

* Những mặt còn tồn tại: Một số công trình việc lựa chọn địa điểm đầu tư chưa phù hợp, lựa chọn các yếu tố xây dựng, công nghệ, hiểu biết về tập quán địa phương chưa đầy đủ dẫn đến có tới 31 công trình với giá trị khối lượng thực hiện là 16.602 tr.đồng, trong đó thanh toán bằng vốn NSTW là 12.459 tr.đồng không sử dụng được (các công trình của Bộ NN &PTNT, tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Kon Tum, Thanh Hoá, Đồng Tháp, Tiền Giang). Công tác khảo sát, thiết kế, lập tổng dự toán một số công trình chưa tốt (các công trình của Bộ NN &PTNT, tỉnh Sơn La, Thanh Hoá, Hà Giang, Cao Bằng). Công tác đấu thầu một số công trình của tỉnh Nghệ An, Hà Giang, Quảng Ninh, Gia Lai chưa đúng quy định. Tại Bộ NN &PTNT và hầu hết các tỉnh, công tác tổ chức thi công, nghiệm thu, quyết toán, thanh toán còn nhiều thiếu sót, qua kiểm toán phải xử lý tài chính hơn 7.217 tr.đồng. Công tác lập và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành tại phần lớn các tỉnh chưa kịp thời.

          Trách nhiệm của những tồn tại trên thuộc về các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan tài chính của Bộ NN &PTNT và các tỉnh.

          4. Những vấn đề bất cập của chính sách, chế độ và cơ chế quản lý

          - Điều 19, 20 tại Quyết định số 42/2002/TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kinh phí của tất cả các CTMTQG, đồng thời quy định Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động lồng ghép, bố trí mức kinh phí cho từng mục tiêu là căn cứ để một số tỉnh bố trí vốn thấp hơn kinh phí được cấp cho Chương trình, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của Chương trình.

          - Thông tư liên tịch số 66/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT ngày 13/7/2003 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung chi phát sinh đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền, chưa cụ thể nội dung chi hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước cho trường học ở nông thôn đã dẫn tới việc một số đơn vị vận dụng chi sai nội dung mục tiêu Chương trình; quy định mức hỗ trợ còn thấp và chỉ phân ra hai khu vực là chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội rất khác nhau giữa các vùng miền, địa phương, vì vậy trên thực tế nhiều tỉnh đã chi vượt định mức hỗ trợ của Chương trình; chưa có cơ chế quản lý sau đầu tư nên một số công trình hoàn thành bàn giao hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có công trình hư hỏng do không đủ điều kiện bảo trì và vận hành.

          5. Kiến nghị

(1) Về xử lý tài chính: Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý về tài chính, với số tiền  49.716.872.192đ, gồm:

         -  Thu hồi nộp NSNN:                                                   11.710.366.479đ.

         -  Giảm cấp phát (Ngân sách TW):                                     719.211.040đ.

         -  Chuyển quyết toán năm sau:                                                          3.940.000.000đ.

         - Bố trí NSĐP, nguồn vốn khác hoàn trả Chương trình (các khoản chi sai nội dung mục tiêu, vượt định mức hỗ trợ), đồng thời chuyển quyết toán năm sau khoản kinh phí này: 33.347.294.673đ.

          (2) Đề nghị Bộ NN &PTNT, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh và các đơn vị tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai sót, tồn tại trong việc quản lý thực hiện Chương trình.

(3) Kiến nghị về quản lý

          * Về công tác quản lý tài chính, kế toán

- Chấp hành đúng quy định Luật NSNN, các chế độ tài chính của Nhà nước về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí của Chương trình nói chung; thực hiện hỗ trợ theo cơ chế cấp phát của Chương trình; tạm ứng, thanh toán đúng quy định; chỉ phân cấp cho các xã là chủ đầu tư trong điều kiện đảm bảo đủ trình độ năng lực.

          - Hàng năm thực hiện tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí Chương trình đầy đủ; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo quy định.

          - Đề nghị Bộ NN &PTNT, UBND các tỉnh chấn chỉnh và hoàn thiện công tác quản lý, điều hành Chương trình; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng ở Trung ương đối với địa phương, các cơ quan chức năng ở tỉnh, ở huyện đối với các đối tượng tham gia thực hiện Chương trình; tăng cường công tác giáo dục, vận động, tuyên truyền trong nhân dân để thực hiện được mục tiêu xã hội hoá công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

* Đối với các cơ quan Trung ương

          - Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan như Bộ NN &PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tăng cường sự phối hợp trong công tác, có những giải pháp cụ thể về công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt công tác huy động vốn toàn xã hội để thực hiện mục tiêu của Chương trình và chiến lược nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; có chính sách sau đầu tư để thống nhất quản lý các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp các địa phương có điều kiện vận hành, khai thác nhất định ban đầu.

          - Đề nghị Bộ NN &PTNT, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi các cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp tại Thông tư 66/2003/TTLT/BNN-BTC đối với Chương trình như:

          + Bỏ nội dung chi phát sinh đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

          + Cụ thể hoá đối tượng trường học ở nông thôn.

          + Nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

          + Bổ sung thêm nội dung chi cho công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt ở nông thôn.

          - Đề nghị Ban chủ nhiệm Chương trình thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 99/2002/QĐ-TTg ngày 23/7/2002; tổ chức kiểm tra và xử lý nếu có sai sót đối với các đơn vị chưa được kiểm toán để đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, đối tượng và quy định của Chương trình.

          * Đối với Thủ tướng Chính phủ 

          - Giao cho các Bộ, ngành đánh giá lại mô hình tổ chức, điều hành Chương trình hiện nay để xây dựng mô hình mới phù hợp với yêu cầu chỉ đạo, điều hành và kiểm soát của Nhà nước đối với việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình và chiến lược đã đề ra.

          - Kiện toàn tổ chức và bổ sung nhân sự Ban chủ nhiệm Chương trình.

          - Điều chỉnh Điều 19, Điều 20 của Quyết định 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 cho phù hợp với tình hình giao kinh phí hiện nay.

          - Sớm ban hành nghị định về xã hội hoá công tác cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
 
 

Xem thêm »