Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 11: Thảo luận, cho ý kiến để thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước

27/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Sáng ngày 5/5 Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 7 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Phát biểu trong phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhấn mạnh: kinh tế đầu năm 2005 và những tháng cuối năm 2004 vẫn tăng cao mặc dù gặp hạn hán kéo dài, dịch bệnh và giá cả gia tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước cả năm đạt 7,69%. Quí I năm 2005 tiếp tục tăng trưởng đạt 7,23%.

 Theo dự kiến, chương trình nghị sự của Quốc hội kỳ họp này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề chính sau: xem xét thông qua 11 dự án luật, bộ luật và 1 nghị quyết, trong đó có Luật Kiểm toán Nhà nước và một số bộ luật lớn đặc biệt là bộ luật dân sự sửa đổi với số lượng điều luật lớn, nhiều nội dung phức tạp, liên quan đến mọi tổ chức và công dân; cho ý kiến 12 luật khác bao gồm cả luật chống tham nhũng và luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa mới được đề nghị bổ sung vào chương trình; xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2004, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2005; phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước 2003; tiến hành giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát tình hình khám chữa bệnh cho nhân dân; các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam báo cáo về các kiến nghị và tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành việc chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đúng như chương trình dự kiến, trong phiên họp chiều ngày 11 và sáng 12/5, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự án Luật Kiểm toán Nhà nước. Sau khi đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách - trình bày Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, cùng với những vấn đề mà đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được thay mặt Đoàn Chủ tịch đưa ra 5 vấn đề gợi ý cần tập trung thảo luận, bao gồm: về đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; về thẩm quyền ban hành chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước; về giá trị kết luận của Kiểm toán Nhà nước; về quyết định kế hoạch kiểm toán và về các loại hình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Đã có 23 đại biểu trực tiếp tham gia thảo luận, góp ý kiến với nội dung dự thảo Luật, hầu hết đồng tình cho rằng về nội dung và hình thức, dự thảo Luật lần này đã được điều chỉnh tương đối đầy đủ và phù hợp với lĩnh vực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đã chi tiết hoá những điều khoản cần thiết, khắc phục cơ bản tình trạng quy định khung như dự thảo trình ra tại kỳ họp thứ 6. Bên cạnh đó các đại biểu cũng tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến khác nhau về các điều khoản quy định trong dự thảo Luật xoay quanh các nội dung Đoàn Chủ tịch gợi ý. Ngoài ra còn hàng chục đại biẻu đã đăng ký phát biểu nhưng do thời gian có hạn đã gửi ý kiến bằng văn bản về Đoàn Thư ký kỳ họp. Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Trương Quang Được cho biết, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, cơ quan Kiểm toán Nhà nước là một tổ chức do Quốc hội thành lập, mang tính độc lập và tuân theo pháp luật để tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của Quốc hội và hoạt động điều hành của Chính phủ một cách minh bạch trong vấn đề quản lý tài chính, tài sản quốc gia. Đoàn chủ tịch hết sức lắng nghe và cân nhắc ý kiến của đại biểu vì chúng ta đều mong muốn có một cơ quan có hiệu lực, nhưng phải hoạt động hết sức khách quan và chịu sự giám sát của nhiều cơ quan và các cử tri để bảo đảm tạo ra một kết luận cuối cùng đúng đắn. Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu về những vấn đề còn nổi cộm, đặc biệt là vấn đề giá trị pháp lý của kết luận kiểm toán nhà nước.

Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận phiên cuối cùng và thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước vào sáng thứ 6, ngày 20/5/2005

Xem thêm »