Quyền được thông tin

25/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 "Đó là một hành vi vi phạm pháp luật, nếu nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự" - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Đỗ Quý Doãn đã khẳng định như vậy khi nói về hành vi của bà Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh - người tuyên bố sẽ thẳng tay trừng phạt những nhân viên dưới quyền đã cung cấp thông tin cho báo chí.

"Đó là một hành vi vi phạm pháp luật, nếu nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự" - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Đỗ Quý Doãn đã khẳng định như vậy khi nói về hành vi của bà Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh - người tuyên bố sẽ thẳng tay trừng phạt những nhân viên dưới quyền đã cung cấp thông tin cho báo chí. Câu chuyện về bà giám đốc này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh sắp sửa kỷ niệm 79 năm Ngày Báo chí cách mạng VN 21.6.

Thực tế trong cuộc sống, chúng ta vẫn gặp những lệnh "cấm", những án kỷ luật với các cá nhân đã "trót" tiết lộ bí mật của đơn vị mình với báo chí, những trường hợp cô lập, trù dập, thậm chí bị đuổi việc những cá nhân đã hợp tác với báo chí, và thái độ ghẻ lạnh, bất hợp tác của không ít cơ quan công quyền khi báo chí đến đề nghị làm việc. Thái độ "bất hợp tác" này nhiều lúc không chỉ là ý chí riêng của riêng một "bà giám đốc, ông bí thư" nào đó.

Đáng lo hơn, có khi nó còn trở thành một thứ nguyên tắc, một lề lối làm việc của cả một đơn vị, thậm chí một ngành. Trong xã hội ngày càng có nhiều "vùng cấm bay", nhiều "khu vực nhạy cảm" mà báo chí không tiếp cận được. Và những năm gần đây, khi tiến trình dân chủ hoá được đẩy mạnh, báo chí có điều kiện phát huy vai trò xung kích của mình, thì thái độ "bất hợp tác", e ngại báo chí này lại càng hay gặp hơn. Thái độ này là rất nguy hiểm, và cần phải bị lên án ngay.

Bất hợp tác với báo chí là bất hợp tác với một vũ khí tuyên truyền đắc lực của Đảng, Nhà nước, với một công cụ giám sát hữu hiệu của xã hội. Báo chí cách mạng VN, đặc biệt là trong những năm đổi mới vừa qua, đã luôn dũng cảm đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện của tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đấu tranh không khoan nhượng với mọi thói hư tật xấu, mọi lực cản làm trì trệ xã hội.  Thành công của công cuộc đổi mới có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Nói như đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương: "Sự phát triển của báo chí là một phần không thể tách rời của sự phát triển xã hội, là thành tựu đồng thời là động lực to lớn của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo".

Luật pháp đã có chế tài rất nghiêm khắc đối với những ai ngăn cản nhà báo tác nghiệp, ngăn cản quyền công dân được cung cấp thông tin cho báo chí. Những hành vi cố tình bất hợp tác, đóng sập cửa trước báo chí không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn đồng nghĩa với sự bảo thủ, quay lưng với tiến bộ và phát triển.

Xem thêm »