Hai cuộc Hội thảo lớn nhân dịp kỷ niệm chào mừng 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của ngành KTNN

25/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Trong những ngày cuối tháng 6 đầy sôi động và hào hứng diễn ra công tác chuẩn bị các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của ngành Kiểm toán Nhà nước, tại Hà Nội đã diễn ra hai cuộc hội thảo lớn và đầy ý nghĩa về những vấn đề mang tầm vóc vĩ mô và có tính thời sự rất cao trong xây dựng và phát triển KTNN, đó là vấn đề địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và xây dựng Luật Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Địa vị pháp lý KTNN, vấn đề cũ dưới góc nhìn mới

 Đây là lần thứ 2, Dự án hợp tác kỹ thuật Việt Nam - CHLB Đức "Hỗ trợ xây dựng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam" hỗ trợ và phối hợp với KTNN Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo lớn bàn về nội dung "Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam",  với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của vấn đề đối với sự phát triển KTNN, đặc biệt cuộc hội thảo đã được tổ chức ngay trước thời điểm chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của ngành KTNN do đó,  dù là một vấn đề đã nhiều lần được đề cập, bàn thảo tại các diễn đàn lớn nhưng cuộc Hội thảo này vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp lãnh đạo nhà nước, nhiều ngành, nhiều giới và các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

 Đến dự và tham luận tại Hội thảo có đại diện của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và một số địa phương, doanh nghiệp nhà nước; các nhà quản lý và nghiên cứu khoa học đã nhiều năm quan tâm cộng tác và hỗ trợ KTNN trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động; đặc biệt, ngoài sự tham dự của đại diện tổ chức GTZ tại Việt Nam và các chuyên gia Kiểm toán Nhà nước CHLB Đức, Hội thảo còn có ông Vương Thường Tùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế KTNN Trung Quốc tham dự và phát biểu những ý kiến tham luận phong phú, thiết thực xuất phát từ thực tiễn xây dựng và phát triển KTNN Trung Quốc và mối quan hệ thân thiện giữa KTNN hai nước.

 Vấn đề địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam giai đoạn hiện nay được đặt ra xem xét trong bối cảnh sau 10 năm vừa xây dựng lực lượng, hoàn thiện bộ máy tổ chức triển khai hoạt động chuyên môn, KTNN đã thực hiện được hàng ngàn cuộc kiểm toán thuộc các lĩnh vực NSNN, các công trình, dự án Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, qua đó đã có những đóng góp quan trọng làm lành mạnh hoá các quan hệ tài chính công và tăng cường hiệu quả  và hiệu lực hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế của Nhà nước. Cuộc hội thảo này vì thế được nhìn nhận dưới những góc độ thực tiễn phong phú hơn, sát thực hơn, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển KTNN Việt Nam giai đoạn 2001-2010; là một trong những cơ sở quan trọng để thực hiện chương trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN.

 Phát biểu tham luận tại Hội thảo GS.TSKH Tào Hữu Phùng - Phó chủ nhiệm UBKT&NS của Quốc hội cho biết, năm 2002 Bộ chính trị đã có ý kiến chỉ đạo: "Chỉ nên có một cơ quan KTNN để thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán ngân sách. Việc xác định cơ quan này trực thuộc Chính phủ hay Quốc hội là do Quốc hội quyết định", căn cứ theo yêu cầu thực tế thì cơ quan KTNN thuộc Quốc hội là phù hợp để tăng cường và đề cao vai trò kiểm soát, giám sát các hoạt động kinh tế - tài chính vĩ mô của nhà nước pháp quyền XHCN, nhanh chóng xây dựng Luật KTNN, xác định rõ địa vị pháp lý của KTNN ngang tầm với vị trí, chức năng trong xu thế hiện nay. 

 Xây dựng Luật KTNN, bước đầu đề cập và làm rõ một số nội dung cốt yếu

Diễn ra một ngày sau Hội thảo "Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam", Hội thảo về Luật Kiểm toán Nhà nước ngoài sự tham dự của đại diện của các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành trung ương địa phương, các doanh nghiệp nhà nước,
 
các nhà quản lý và nghiên cứu khoa học, các chuyên gia Kiểm toán Nhà nước CHLB Đức và đại diện của KTNN Trung Quốc, còn thu hút được sự quan tâm và tham dự của đại diện nhiều cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm toán của KTNN, các nhà làm luật và đặc biệt có sự tham dự của đại biểu cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc.

  Dự án Luật KTNN được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI năm 2004 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm 2004 để chuẩn bị cho việc thông qua vào đầu năm 2005. Để dự án quan trọng này bảo đảm chất lượng, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực của Quốc hội và HDND về thẩm tra, quyết định và giám sát NSNN (VIE. 02/008), Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Uỷ ban kinh tế và Ngân sách Quốc hội tổ chức hội thảo về Luật KTNN, một hội thảo trong chương trình xây dựng Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước. Vì thế Hội thảo đã đi sâu và làm rõ một số nội dung cơ bản gồm: Cơ sở khoa học và thực tiễn, sự cần thiết phải đưa một số điều về KTNN vào Hiến pháp; việc xây dựng các nguyên tắc, quy trình, chuẩn mực... của hoạt động KTNN sao cho vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành; quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng kiểm toán; những nguyên tắc bảo đảm tính độc lập cho hoạt động KTNN...

 Hàng chục tham luận của các đại biểu trong và ngoài nước cùng nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã gợi mở hoặc đi sâu phân tích, đưa ra nhận định, kết luận về những nội dung trên dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm phát triển của KTNN các nước trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước CHLB Đức, Trung Quốc và Hàn Quốc. Một nội dung cốt lõi và bao quát được hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo quan tâm và tán thành là, phải xác lập và khẳng định rõ KTNN là cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra tài chính công cao nhất của đất nước, thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính công của Nhà nước ở tất cả các cơ quan công quyền, các đơn vị tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công. Đó là điều kiện quan trọng để KTNN thực sự trở thành công cụ sắc bén và hữu hiệu làm lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng và chấn chỉnh kỷ luật tài chính quốc gia một cách vững chắc.
 

Xem thêm »