Quốc hội thảo luận báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng

07/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/11/2017, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo công tác phòng chống tham nhũng trước Quốc hội

 
Công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng chưa đạt yêu cầu
 
Trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2017 đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt. Báo cáo cho thấy, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 hơn 1,113 triệu người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai hơn, 1,111 triệu bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai.
 
Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, TP Hà Nội, Yên Bái và Đồng Nai (giảm 81,4%).  Qua xác minh phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Cùng kỳ, năm 2016 đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm. Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.
 
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, công tác phòng, chống tham nhũng tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
 
Bên cạnh đó, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều tiến bộ nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp.
 
Công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt.
 
Chính phủ nghiêm túc trong đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng 
 
Trình bày Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng; đồng thời tán thành với đánh giá rất nghiêm túc của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng và cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm. Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn, “một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”. Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ.
 
Ủy ban Tư pháp cho rằng, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng, kinh tế lớn do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra. Còn nhìn chung ở cấp tỉnh, ở một số Bộ, ngành, việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở một số bộ, ngành có thẩm quyền phân bổ các nguồn lực đầu tư, tài chính, xét duyệt dự án, công trình, quản lý cấp phép về khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu… hoặc ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, không loại trừ ở cả các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ ngân sách nhà nước.
 
Đánh giá về công tác kê khai tài sản, Ủy ban Tư pháp cho rằng thực trạng cho thấy biện pháp phòng ngừa này còn hình thức, hiệu quả thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, qua thực tiễn kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng như kết quả của các nghiên cứu quốc tế về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì công khai, minh bạch là “giải pháp của mọi giải pháp” để phòng ngừa tham nhũng. Tình trạng vi phạm quy định về công khai, minh bạch như đã nêu trên đã làm giảm đáng kể hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng thời gian qua. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
 
Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
 
Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Báo cáo viết rõ, tính từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017, toàn ngành đã triển khai 6.845 cuộc thanh tra hành chính (tăng 1,6%) và 259.449 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 5,4%). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm 92.123 tỷ đồng, 10.028 ha đất (giảm 31%); kiến nghị thu hồi 46.268 tỷ đồng và 5.308 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 52.116 tỷ đồng, 4.722 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính trên 2.057 tập thể, cá nhân; ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 5.403 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ, 214 đối tượng (tăng 52,1% số vụ; 100% số đối tượng); chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.388 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 8.756/16.501 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 54%, giảm 21%), 4.369/5037 ha đất (86%); xử lý hành chính 790 tổ chức, 2.531 cá nhân; …
 
Toàn cảnh phiên họp
 
Về công tác kiểm toán. Kiểm toán nhà nước đã ban hành 329 báo cáo kiểm toán (tăng 7,5%), kiến nghị xử lý tài chính 39.738,5 tỷ đồng (tăng 94,5%), trong đó: các khoản tăng thu: 11.423,4 tỷ đồng; các khoản giảm chi: 15.962,5 tỷ đồng; các khoản phải nộp hoàn trả và quản lý qua NSNN 8.982,6 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm 1.547,2 tỷ đồng; xử lý tài chính khác: 1.822,8 tỷ đồng. Kiến nghị các bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản (tăng 45,6%) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán, trong đó có một số nội dung kiến nghị tiếp tục thanh tra, kiểm tra làm rõ dấu hiệu sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2015 đối với niên độ ngân sách năm 2014 thực hiện là 15.794 tỷ đồng (đạt 75,6% tổng số kiến nghị, tăng 11,3%). Kiểm toán nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an 02 vụ việc. 
 
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã phối hợp với Kiểm toán nhà nước khẩn trương triển khai các cuộc thanh tra, kiểm toán theo kế hoạch năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường nắm thông tin, tình hình, kịp thời đề xuất các cuộc thanh tra, kiểm toán đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh, gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội; chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, lãng phí như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ…; đặc biệt tập trung thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây thất thoát, thua lỗ lớn tại một số dự án  được dư luận xã hội quan tâm.
 
Ngoài ra, ngành Thanh tra, Kiểm toán đã tích cực tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán doanh nghiệp; giảm phiền hà, chi phí của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển.
 
Khó khăn trong nhận diện tài sản tham nhũng
 
Thảo luận tại Hội trường, nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng được các đại biểu quan tâm, đặc biệt các nội dung về nhận diện tài sàn tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng….
 
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, số tài sản tham nhũng không hề nhỏ, tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỉ đồng và 400ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% tiền và tài sản, 54,7% về đất. Những năm gần đây thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu. Theo bà Hoa, đa số đối tượng phạm tội tham nhũng có chức vụ, trình độ nên việc phạm tội có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi, tẩu tán hoặc hợp thức hoá tài sản, có trường hợp tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả.
 
 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội trường
 
Bà Hoa cho rằng, việc kê khai tài sản lâu nay chủ yếu dựa vào ý thức tự giác mà chưa có quy định chặt chẽ trường hợp xác minh tài sản và công khai rộng rãi kê khai, chưa có biện pháp kiểm soát thu nhập của người dân nói chung và người có quyền hạn, tình trạng dùng tiền mặt còn phổ biến... khiến cho việc nhận diện tài sản tham nhũng khó khăn. Từ thực trạng trên, bà Hoa kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng hợp lý đối tượng kê khai tài sản, công khai thực chất hơn, quy định xác minh tài sản một cách chủ động hơn. Qua tố tụng khi xác định tài sản do tham nhũng mà có thì cương quyết áp dụng biện pháp thu hồi cũng như kịp thời kê biên, phong toả tài sản nhằm thi hành án. “Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của phòng chống tham nhũng, nên cần quyết tâm, chủ động hơn nữa thì mới khắc phục được hậu quả nguy hiểm của xã hội, trả lại nguồn lực cho đất nước” - bà Hoa nhấn mạnh.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cũng cho rằng thu hồi tài sản là vấn đề trọng tâm trong chủ trương, mục tiêu chính trong đấu tranh phòng chống tội phạm, là chính sách hình sự quan trọng được thể hiện rõ nét trong Bộ luật Hình sự. Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Cty Hàng hải VN số tiền 110 tỉ đồng và lãi trả chậm. Nhưng đến nay, theo báo chí phản án là mới thi hành được hơn 19 tỉ đồng. “Với những số liệu nêu trên cho thấy việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. Theo tôi, các cơ quan cần coi thu hồi tài sản là chính sách quan trọng ưu tiên hàng đầu trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án” - ông Hiển nói.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng thu hồi tài sản là vấn đề trọng tâm trong chủ trương, mục tiêu chính trong đấu tranh phòng chống tội phạm, là chính sách hình sự quan trọng được thể hiện rõ nét trong bộ luật hình sự. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ gần như không phản án vấn đề này, hoặc chỉ có một dòng nhạt nhoà “thu hồi có tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp”. Báo cáo cũng không đưa ra giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển dẫn báo cáo của Chính phủ đưa ra số liệu án tham nhũng gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng và 77.000 m3 đất, thu hồi chỉ được hơn 300 tỷ đồng và 3.700m3 đất. Như vậy, tỷ lệ thu hồi về tiền đạt 22%, đất là 4,8%.
 
Tổng Cục thi hành án thụ lý 415 vụ việc thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, tương đương số tiền phải thu là hơn 6.000 tỷ, nhưng mới thu hồi hơn 1.150 tỷ (khoảng 19%).
 
Báo cáo về công tác thi hành án của Chính phủ đưa ra số liệu tổng số tiền phải thi hành án của người bị phạt tù tại các trại giam là gần 32.000 tỷ nhưng mới chỉ thi hành được khoảng 2.700 tỷ đồng (8,75%). "Với những số liệu nêu trên cho thấy việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. Theo tôi các cơ quan cần coi thu hồi tài sản là chính sách quan trọng ưu tiên hàng đầu trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án" – Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu quan điểm và và đề nghị chính sách này phải được phản án đầy đủ trong đánh giá thực trạng và trong giải pháp, là mục độc lập trong các báo cáo liên quan.
 
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), tham nhũng là hiện tượng biến tướng tiêu cực của quyền lực Nhà nước, xảy ra với các mức độ khác nhau, ở bất kỳ quốc gia nào, chính thể nào. Vấn đề đặt ra là tình trạng “lưu manh hóa” của một bộ phận, một nhóm xã hội có thể dẫn đến bất ổn về an ninh chính trị, trật tự xã hội. “Hiện tượng tham nhũng mà chúng ta vẫn nói là quốc nạn có phải là biểu hiện biện chứng của sự “lưu manh hóa” đó hay không là vấn đề đáng quan tâm để chúng ta tiếp tục nhận diện hiện tượng tham nhũng, tiếp tục nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay”, đại biểu đặt vấn đề.
 
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản sau tham nhũng và cho rằng cơ quan công an điều tra, tòa án, viện kiểm sát có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà lại không thu hồi tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vừa qua vô cùng khiêm tốn, quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia.
 

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm
 
Năm 2018, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Theo đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
 
Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản, thu nhập; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền.
 
Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật tố cáo sửa đổi; chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng./.
 
Như Ý

Xem thêm »