Cơ quan Kiểm toán nhà nước Việt Nam – Trung Quốc hợp tác cùng nâng cao chất lượng và hiệu lực kiểm toán

21/05/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 19/5, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam và Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc (CNAO) đã tổ chức buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng và hiệu lực kiểm toán”. Đồng chủ trì buổi Tọa đàm có Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên và Phó Tổng Cơ quan kiểm toán quốc giaTrung Quốc Li Xiaozhong. Tham dự tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc hai cơ quan.

Tại buổi Tọa đàm, hai bên đã tập trung thảo luận về ba vấn đề chính là Luật Kiểm toán nhà nước, hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước và hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán. Với đặc điểm tương đối đồng nhất về thể chế chính trị, hai cơ quan KTNN có điều kiện để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của cơ quan bạn về cách thức tổ chức và hoạt động kiểm toán. 

Với đặc thù quốc gia rộng lớn, CNAO được tổ chức thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương – cấp tỉnh và cấp huyện. Ở cấp Trung ương, Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc có 20 tổ chức nội bộ, 20 vụ kiểm toán do trung ương đặc phái và 18 tỉnh thành lập 18 văn phòng đặc phái viên kiểm toán chịu sự điều hành của KTNN về chuyên môn, nhân lực, tài chính cũng như các vấn đề khác. Ở cấp địa phương, tính đến năm 2015, Trung Quốc có 3100 cơ quan kiểm toán cấp tỉnh và cấp huyện, thực hiện thể chế hai cấp lành đạo và thủ trưởng hành chính cùng cấp và cơ quan kiểm toán cấp trên.

Khác với CNAO, KTNN Việt Nam là cơ quan do Quốc hội thành lập, được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất với 13 đơn vị KTNN khu vực, 8 chuyên ngành, khối các đơn vị tham mưu và các đơn vị sự nghiệp.

Do sự khác biệt trong tổ chức bộ máy, cách thức hoạt động của hai cơ quan cũng có một số điểm khác nhau. Nếu như kế hoạch kiểm toán năm của KTNN Việt Nam do Tổng KTNN ban hành trên cơ sở tham vấn Quốc hội và các bên liên quan thì kế hoạch kiểm toán của CNAO do Thủ tướng và Quốc vụ viện xem xét quyết định trên cơ sở đề cương được chuẩn bị từ trước, căn cứ vào nhu cầu thực tế, đề nghị từ các cơ quan KTNN cấp tỉnh... CNAO cũng chủ yếu kiểm toán các vấn đề liên quan đến tình hình thu chi tài chính.

Bên cạnh đó, do lịch sử ra đời sớm hơn, CNAO cũng đã có một hệ thống chuẩn mực kiểm toán gồm 8 chương chính và phụ lục bao gồm 200 điểu khoảnđược xây dựng trên cơ sở tổng kết cách làm hiệu quả của CNAO và học tập kinh nghiệm tiên tiến của kiểm toán quốc tế. Hệ thống đồng thời suy xét đầy đủ đặc điểm về thể chế có quyền xử lý xử phạt hành chính, chú trọng điều tra những vấn đề vi phạm pháp chế pháp quy nghiêm trọng. 

KTNN Việt Nam xây dựng hệ thống 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước bao gồm 3 cấp độ trên cơ sở tuân thủ ISSAI với nguyên tắc tuân thủ ISSAI, tham khảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập, tiếp thu có chọn lọc các chuẩn mực kiểm toán quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hệ thống được xây dựng đảm bảo yêu cầu đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện.  

Bám sát Hệ thống Chuẩn mực KTNN, KTNN Việt Nam luôn chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua việc thực hiện kiểm soát chất lượng đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình kiểm toán, quy định rõ nội dung và phương pháp kiểm soát. 

Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN Việt Nam thực hiện kiểm soát với 5 hình thức: giám sát hoạt động kiểm toán của Đoàn kiểm toán, kiểm soát việc tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng, kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp đối với đoàn kiểm toán, kiểm soát chất lượng đột xuất, kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành báo cáo kiểm toán. 

CNAO thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán với 3 nhóm: nhóm quy phạm pháp luật như Hiến pháp, Luật kiểm toán; nhóm nội quy, quy định đối với ngành kiểm toán và các cơ quan kiểm toán của chính quyền địa phương, quy định chức năng nhiệm vụ đối với thành viên tổ kiểm toán; nhóm các văn bản pháp quy của KTNN và cơ quan kiểm toán địa phương. 

CNAO phân cấp kiểm soát chất lượng kiểm toán với các quy định về chức trách của thành viên tổ kiểm toán, trách nhiệm của kiểm toán viên chính, của tổ trưởng tổ kiểm toán, trách nhiệm của bộ ngành kiểm toán, trách nhiệm của cơ quan thẩm định, trách nhiệm của kiểm toán trưởng và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan kiểm toán. Quy trình kiểm toán cũng được kiểm soát từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, CNAO có cơ chế kiểm soát ngoài ngành đối với chất lượng kiểm toán bao gồm hội đồng nhân dân địa phương, giám sát của dư luận xã hội và của kiểm toán viên đặc phái.

Với những đặc điểm tương đồng và khác biệt trong tổ chức bộ máy và hoạt động nghiệp vụ, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm như: kế hoạch kiểm toán; kiểm toán công tác quốc phòng; về sự phối hợp trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan cùng thực hiện chức năng kiểm tra giám sát như KTNN – thanh tra - ủy ban kiểm tra của Đảng; kiểm toán doanh nghiệp nhà nước… 

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc Li Xiaozhong mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trao đổi học hỏi để cùng phát triển, đặc biệt là những hội thảo tương tự sẽ được tổ chức nhiều hơn.

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên tin tưởng rằng những kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ sẽ là những bài học quý giá, thông qua đó để mỗi SAI hiểu hơn về hoạt động của nhau, nhằm nâng cao chất lượng của hai cơ quan, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững và hiệu quả.

Phó Tổng KTNN đặc biệt đành giá cao bài học kết hợp kiến thức của đội ngũ kiểm toán viên với công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, gắn sự quản lý về mặt chính quyền với công tác Đảng để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kiểm toán. Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên mong muốn sẽ có nhiều hơn các buổi tọa đàm được tổ chức góp phần tăng cường hợp tác tốt đẹp giữa hai cơ quan nói tiêng cũng như thắt chặt tĩnh hữu nghị láng giềng giữa hai nước Việt Nam – Trung Hoa nói chung./.

Diệu Thuý

 

Xem thêm »