Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp

17/05/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 17/5/2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” - thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động cùng doanh nghiệp (DN), thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

  
Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ; các định chế tài chính; các hiệp hội, hội nghề nghiệp và đặc biệt là 2.000 đại biểu là các doanh nghiệp, doanh nhân, nhiều gấp 4 lần so với Hội nghị lần thứ nhất. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đại diện cho Kiểm toán nhà nước tham dự Hội nghị.
 
Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp. 
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, sau khi nghe các báo cáo và ý kiến của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân phân tích các kết quả đã đạt được, Hội nghị sẽ đối chiếu lại với những nguyên tắc để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân theo 02 nhóm giải pháp đã đề ra - Kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, đảm bảo thực thi pháp luật; Cải các thủ tục hành chính.
 
“Tôi tin rằng các doanh nghiệp, doanh nhân đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng” – Thủ tướng nói.
  
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Chính phủ cũng hiểu rằng đó chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
 
Trong Hội nghị này, Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
 
Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…
 
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn và thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; những giải pháp cần thiết để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; các vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp trong tranh chấp pháp lý trong nước và quốc tế; những bất cập và đề xuất, kiến nghị về cơ chế phản hồi thông tin, giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp, nhà đầu tư… 
 
Đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã cùng trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. 
 
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần nói phải đi đôi với làm và khẳng định cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ,  tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với doanh nghiệp vẫn đang gặp phải về: Thể chế chính sách, vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức gây chậm trễ, khó khăn cho doanh nghiệp; còn tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp còn hạn chế; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây thiệt hại và bức xúc không đáng có cho doanh nghiệp... 
 
Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp... và nhấn mạnh Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.
 
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng cho biết, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định./.
 
M. Thúy

Xem thêm »