(kiemtoannn.gov.vn)
- Chiều ngày 24/02/2017, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đoàn khảo sát của Uỷ ban TCNS Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội Bùi Đặng Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực VI. Cùng đi với Đoàn có 02 ủy viên Thường trực Uỷ ban TCNS Hoàng Quang Hàm, Vũ Thị Lưu Mai và các thành viên.
Ông Nguyễn Hữu Phúc - Kiểm toán trưởng báo cáo trước Hội nghị
Tham dự buổi làm việc còn có bà Đỗ Thị Lan - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký - Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh, ông Trần Kim Lộc - Phó Chánh văn phòng KTNN.
Thay mặt Lãnh đạo KTNN khu vực VI, Kiểm toán trưởng Nguyễn Hữu Phúc đã báo cáo một số nội dung cụ thể về tình hình tổ chức và kết quả một số hoạt động của KTNN khu vực VI từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực thi hành.
Năm 2016 KTNN khu vực VI được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện 10 cuộc kiểm toán, gồm 09 cuộc đầu năm và 01 cuộc bổ sung. Đơn vị đã tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm đảm bảo đúng thời gian, hoàn thành các mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán theo hướng dẫn của Ngành.
Năm 2017, KTNN khu vực VI được giao thực hiện 11 cuộc kiểm toán. Trong đó có Chuyên đề kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn đơn vị phụ trách, trong đó cuộc kiểm toán "Giao đất có thu tiền sử dụng đất khu đô thị và việc thực hiện các dự án giao đất" được lồng ghép trong kiểm toán NSĐP của 03 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hưng Yên; 01 cuộc tổ chức thành Đoàn kiểm toán riêng tại thành phố Hải Phòng.
Thời gian qua, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN năm 2015, từ Hệ thống Chuẩn mực KTNN, các quy trình kiểm toán đến việc hoàn thiện Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán. Để triển khai áp dụng Quy trình kiểm toán được ban hành kèm theo Quyết định số 08/2016/QĐ-KTNN ngày 23/12/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN khu vực VI đã tổ chức trao đổi, toạ đàm về Quy trình kiểm toán của KTNN, trong đó tập trung vào những điểm mới của Quy trình so với Quy trình năm 2007, nhằm thống nhất cách hiểu và cách áp dụng trong thực tế hoạt động kiểm toán của đơn vị, bảo đảm lập và phê duyệt KHKT chi tiết trước khi ban hành quyết định kiểm toán.
Việc quản lý, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán được đơn vị tổ chức và thực hiện đúng theo phân cấp của lãnh đạo KTNN. KTNN khu vực VI thường xuyên phối hợp với cấp ủy, HĐND, UBND các cấp và các địa phương trên địa bàn để đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Đầu năm 2017, đơn vị đã thành lập Tổ rà soát các kiến nghị chưa thực hiện đến hết năm 2016, tổng hợp kết quả theo từng đơn vị được kiểm toán để ban hành văn bản gửi các đơn vị đôn đốc thực hiện và xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 trình phê duyệt. KTNN khu vực VI xác định nội dung kiểm tra, giải quyết dứt điểm các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện là một nội dung trọng tâm trong năm 2017.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật KTNN năm 2015 cũng có một số khó khăn nhất định:
Đối với một số cuộc kiểm toán có quy mô lớn, kết quả kiểm toán liên quan đến nhiều đơn vị của một địa phương hoặc nhiều địa phương, thời gian phát hành báo cáo kiểm toán còn chưa kịp thời so với quy định của Luật KTNN năm 2015. Thời hạn phát hành báo cáo kiểm toán ngoài việc phụ thuộc vào KTNN còn phụ thuộc nhiều vào thời gian cung cấp tài liệu, thời gian giải trình của đơn vị được kiểm toán.
Một số đơn vị được kiểm toán chưa có sự phối hợp tốt trong việc cung cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu trên phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử để phục vụ hoạt động kiểm toán nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động kiểm toán.
Qua thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực VI đề xuất, kiến nghị một số nội dung:
Nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015.
Để tăng cường hiệu lực hoạt động kiểm toán cần sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực KTNN.
Để tăng cường hơn nữa tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, kiến nghị Ủy ban TCNS của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với KTNN giám sát việc thực hiện kiến nghị của KTNN, đặc biệt là các kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách; kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện qua kiểm toán.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS của Quốc hội Bùi Đặng Dũng kết luận Hội nghị
Sau khi nghe Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Hữu Phúc trình bày báo cáo, các thành viên của Đoàn khảo sát, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đại diện HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị KTNN khu vực VI báo cáo và trình bày thêm một số thông tin để làm rõ thêm nội dung của báo cáo. Lãnh đạo KTNN khu vực VI đã phát biểu ý kiến nhằm làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất trong nội dung báo cáo.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS của Quốc hội Bùi Đặng Dũng ghi nhận những kết quả mà KTNN khu vực VI đã đạt được trong thời gian qua, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của KTNN khu vực VI trong gần 10 năm xây dựng, phát triển; đồng thời đồng thuận với những đề xuất, kiến nghị của đơn vị. “Những ý kiến của đơn vị sẽ giúp cho Đoàn khảo sát nắm bắt thêm tình hình thực tiễn, nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015. Đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật KTNN năm và các quy định, quy trình mới ban hành của KTNN. Việc công khai báo cáo kiểm toán cần có lộ trình thực hiện theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 50 của Luật KTNN. Tôi đề nghị KTNN khu vực VI tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán” - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS của Quốc hội Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh./.
Lương Quốc Chiến.