Tổng Kiểm toán nhà nước làm việc với Trung tâm Tin học: Triển khai ứng dụng CNTT toàn diện vào các hoạt động của KTNN

25/02/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 24/02/2017, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với Trung tâm tin học (TTTH) để nghe báo cáo và bàn các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của TTTH, nhằm tăng cường và đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của KTNN.
 

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc kết luận buổi làm việc

 
Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc; đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu và các cán bộ, viên chức của của TTTH.
 
Báo cáo về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của TTTH, Giám đốc Phạm Thị Thu Hà cho biết, đến nay, tổng số cán bộ, viên chức của Trung tâm gồm 22 người, được tổ chức thành 04 phòng chuyên môn và văn phòng.
 
Trong thời gian qua, TTTH đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động tham mưu, tổ chức xây dựng trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển CNTT trong phạm vi toàn Ngành, phù hợp cho từng giai đoạn và đồng bộ với chương trình quốc gia về CNTT, các văn bản quản lý về CNTT.   
 
TTTH cũng đã tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT toàn Ngành. Đến nay đã hình thành hệ thống mạng tại KTNN Trung ương và 13 KTNN khu vực; Trung tâm dữ liệu KTNN được xây dựng và đặt tại trụ sở chính của KTNN.Trung tâm đã cố gắng, nỗ lực quản lý, vận hành đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn bảo mật thông tin cho hệ thống mạng của KTNN, đồng thời tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho công chức, kiểm toán viên trong quá trình khai thác, sử dụng hệ thống mạng của KTNN.
 
Đến cuối năm 2016 TTTH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, gồm: Cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán; Phần mềm Quản lý thông tin nhật ký kiểm toán; Quản lý tiến độ và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; Hỗ trợ lập báo cáo kiểm toán cho lĩnh vực doanh nghiệp; Tổng hợp kết quả kiểm toán.
 
Về công tác đào tạo CNNTT, Trung tâm đã tham mưu xây dựng các chương trình đào tạo về CNTT; tổ chức mở các lớp theo kế hoạch đào tạo của Ngành. Đến nay đã đào tạo bồi dưỡng kiến thức CNTT cho khoảng hơn 5.000 lượt người, trên 80% cán bộ, công chức có trình độ tin học cơ bản; trên 45% có trình độ tin học nâng cao.
 
Đến cuối năm 2015, TTTH được giao bổ sung chức năng triển khai hoạt động kiểm toán CNTT, đây là một lĩnh vực kiểm toán mới của Ngành. Mặc dù với nhân lực rất hạn chế nhưng đã đạt được một số kết quả quan trọng trong bước đầu triển khai kiểm toán như: Tham gia hỗ trợ một số cuộc kiểm toán Ngân sách địa phương và các Đoàn kiểm toán ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV; phối hợp với KTNN chuyên ngành VII thực hiện cuộc kiểm toán CNTT đầu tiên là kiểm toán Hệ thống CNTT liên quan đến việc lập báo cáo tài chính năm 2015 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
 
Theo Giám đốc TTTH, các khó khăn, tồn tại về cơ chế hoạt động, biên chế, nhân sự, sự phối hợp với các đơn vị trong Ngành trong thời gian qua đã khiến cho việc triển khai các nhiệm vụ của TTTH còn hạn chế như: Hoạt động tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch còn chưa hiệu quả; Việc ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành còn chưa kịp thời; Việc triển khai một số phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán còn chậm so với tiến độ...
 
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo TTTH và đại diện lãnh đạo một số phòng của Trung tâm đã đề xuất một số kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Trung tâm như: Kiện toàn bộ máy và bổ sung nhân lực theo Đề án vị trí việc làm của TTTH giai đoạn 2016-2017 đã trình KTNN; Tạo điều kiện cho đơn vị có cơ chế hoạt động và tài chính phù nhằm nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức của đơn vị và khuyến khích, thu hút nhân lực; Sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Ngành trong việc xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động kiểm toán; Bố trí kịp thời kinh phí để triển khai các Dự án, chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT đã được phê duyệt.
 
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị tham mưu của KTNN chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của TTTH thời gian qua, đồng thời đồng thuận cho rằng, để triển khai được các nhiệm vụ của TTTH, điểm mấu chốt là cần kiện toàn tổ chức, bộ máy nhân sự của Trung tâm và có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai các nhiệm vụ của TTTH.
     
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc cho rằng, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng so với yêu cầu hiện nay của Ngành, năng lực hiện tại của TTTH còn rất nhiều bất cập. Phó Tổng Kiểm toán yêu cầu, trong thời gian tới Trung tâm cần phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ đánh giá về năng lực và nhiệm vụ đặt ra để tìm ra mô hình tổ chức hoạt động phù hợp; Đổi mới phương pháp quản lý và điều hành; Đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT đảm bảo khả thi và hiệu quả.
 
Kết luận buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc biểu dương một số kết quả TTTH đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong điều kiện nguồn lực còn nhiều hạn chế. TTTH cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá về những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra về nhân lực thiếu và yếu; hoạt động ứng dụng CNTT chậm đổi mới, thiếu chủ động; việc triển khai các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán chưa đạt yêu cầu.
 
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, TTTH: Rà soát, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh giản, hiệu quả; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT theo hướng chuyên sâu theo từng lĩnh vực chuyên môn, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tinh nhuệ; Xây dựng cổng thông tin điện tử của KTNN và phát triển các phần mềm ứng dụng của KTNN một cách đồng bộ, tập trung, đồng thời đáp ứng yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam; Hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho triển khai ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào các hoạt động của KTNN nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT.
 
Về một số kiến nghị của TTTH, Tổng Kiểm toán nhà nước đồng ý sẽ xem xét, điều chuyển, bổ sung đủ biên chế cho TTTH theo đề án đã phê duyệt; Yêu cầu Vụ TCCB phối hợp với TTTH để xây dựng tiêu chí tuyển dụng phù hợp để tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế để tăng cường dịch vụ để nâng cao thu nhập cho Trung tâm...
 
Thay mặt TTTH, Giám đốc TTTH Phạm Thị Thu Hà tiếp thu các góp ý các đơn vị, các ý kiến chỉ đạo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc và Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc; đồng thời tin tưởng với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài ngành và sự phấn đấu nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, TTTH sẽ vượt qua các khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao./. ​
 
Ngọc Bích

Xem thêm »