(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 22/2/2017, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực III - 18 Phan Đình Phùng- Đà Nẵng, Đoàn khảo sát của Uỷ ban TCNS Quốc hội đã làm việc với KTNN khu vực III. Đoàn do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Bùi Đặng Dũng làm Trưởng đoàn, cùng Uỷ viên thường trực Uỷ ban TCNS Hoàng Quang Hàm và các thành viên trong Đoàn.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Bùi Đặng Dũng phát biểu
Tham dự buổi làm việc Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn; Uỷ viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng Phan Thị Thuý Linh; Phó Chánh văn phòng KTNN Trần Kim Lộc.
Nội dung khảo sát về công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán kiểm toán khi triển khai thực hiện Luật KTNN năm 2015; tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN; công tác quản lý, xây dựng trụ sở làm việc theo Thông báo số 76/UBTVQH14-TCNS ngày 29/12/2016 về việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cho các dự án của KTNN giai đoạn 2017-2020.
Thay mặt Lãnh đạo KTNN khu vực III, Quyền Kiểm toán trưởng Lê Quí Hưng đã báo cáo một số nội dung cụ thể:
Về công tác tổ chức, điều hành hoạt động kiểm toán được triển khai thực hiện ngay sau khi Luật KTNN được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động của KTNN. Đến nay, KTNN đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật, 13 văn bản quản lý; trong có nhiều văn bản quan trọng về chuẩn mực kiểm toán, quy trình, qui chế, qui định liên quan đến hoạt động kiểm toán. Hiện nay, KTNN đang tập trung xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qui định chi tiết một số điều của Luật KTNN và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán. Các văn bản trước khi ban hành của KTNN đều được tổ chức lấy ý kiến tham gia của toàn Ngành, KTNN khu vực III là một trong những đơn vị tích cực tham gia đóng góp ý xây dựng văn bản của ngành, đã tổ chức cho CBCC các phòng nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp.
Việc triển khai thực hiện Luật KTNN, hoạt động kiểm toán của KTNN khu vực III đã được mở rộng hơn từ đối tượng kiểm toán, nội dung kiểm toán đến đơn vị được kiểm toán, cụ thể: Năm 2016, KTNN khu vực III đã triển khai thực hiện 06 đơn vị kiểm toán, kế hoạch kiểm toán năm 2017 được KTNN giao 09 đơn vị.
Về đối tượng kiểm toán: Ngoài kiểm toán công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các địa phương; kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư các dự án, như những năm trước đây; năm 2017 đơn vị sẽ tập trung triển khai 01 chủ đề kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, tại 04 cuộc kiểm toán NS địa phương năm 2017 đều quan tâm lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, ô tô, và các tài sản khác có giá trị trên 500 trđ tại các cơ quan nhà nước… theo đúng chỉ đạo của Ngành.
Về nội dung kiểm toán: Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nội dung kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, trong những năm gần đây KTNN khu vực III đã chú trọng hơn vào các nội dung kiểm toán hoạt động, đi sâu vào đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, chương trình và dự án. Cụ thể, năm 2015, đã thực kiểm toán hoạt động nhà ở xã hội TP Đà Nẵng; năm 2016 đơn vị đã thực hiện kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam; năm 2017, đơn vị được giao thực hiện 02 chủ đề kiểm toán hoạt động kinh phí sự nghiệp đô thị niên độ NS năm 2016 của thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Việc công khai kết quả kiểm toán theo Điều 50 Luật KTNN (sửa đổi) tại đơn vị được thực hiện theo Quyết định số 1562/QĐ-KTNN ngày 08/9/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Hàng năm, KTNN tổ chức họp báo công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN và đăng tải Báo cáo này trên trang thông tin điện tử của KTNN. Đối với các báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán, Báo cáo kiểm toán được tóm tắt công bố công khai trên Tạp chí kiểm toán, Báo kiểm toán của KTNN.
Để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị kiểm toán, Quy trình kiểm toán mới được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành tại Quyết định 08/2016/QĐ-KTNN ngày 23/12/ 2016 đã quy định “Sau khi KHKT tổng quát và KHKT chi tiết được phê duyệt, Tổng Kiểm toán nhà nước (hoặc người được ủy quyền) ký quyết định kiểm toán” đây là điểm mới bổ sung quy định KHKT chi tiết phải được phê duyệt trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán so với Quy trình kiểm toán trước đây.
Việc thực hiện kiểm toán tại KTNN khu vực III đúng theo Điều 34, Điều 46 của Luật KTNN sửa đổi, theo kế hoạch được duyệt, mục tiêu kiểm toán của ngành. Việc bố trí đoàn kiểm toán tại các địa phương tinh gọn, không triển khai quá 2 đoàn kiểm toán 1 địa phương/năm, chọn đơn vị kiểm toán tránh trùng lắp với kế hoạch của các cơ quan thanh, kiểm tra khác. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán đúng theo qui định của KTNN, thông qua việc thành lập Tổ Kiểm soát chất lượng kiểm toán, giúp Kiểm toán trưởng chỉ đạo Đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán theo đúng qui trình và nâng cao chất lượng kiểm toán. Kế hoạch kiểm tra đối chiếu, kiểm tra với bên thứ ba được chỉ đạo phân tích tình hình và nêu rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp thực hiện trước khi đối chiếu theo quy định tại Công văn số 275/KTNN-CĐ ngày 18/3/2016 của KTNN. Mối quan hệ phối hợp với HĐND-UBND địa phương được lãnh đạo Đoàn tổ chức chặt chẽ, xuyên suốt, giúp cho Đoàn kiểm toán quản lý tốt về nhận sự và phối hợp chỉ đạo thực hiện Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Việc lập và gửi báo cáo của các Đoàn kiểm toán thực hiện theo Điều 47 của Luật KTNN. Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/8/2016 về Danh mục các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được KTNN gửi báo cáo kiểm toán. Tiến độ lập và gửi báo cáo kiểm toán cơ bản đáp ứng thời hạn quy định phục vụ tốt cho việc phê duyệt quyết toán của HĐND các tỉnh, thành phố.
Việc theo dõi kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện theo Điều 49 Luật KTNN năm 2015. Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy định về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN (Quyết định số 07/2016/QĐ-KTNN ngày 14/12/2016); trong đó đã phân cấp gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; kiến nghị người có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN quy định tại Khoản 4, Điều 14 Luật KTNN sửa đổi.
Từ khi Luật KTNN sửa đổi có hiệu lực, kết luận các cuộc kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước gửi trực tiếp cho Bí thư tỉnh ủy các địa phương. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát các kiến nghị tồn đọng từ 2014 về trước, mời KTNN khu vực III tham gia các cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì với các đơn vị được kiểm toán để có biện pháp thực hiện kiến nghị dứt điểm. Một số địa phương đưa nội dung thực hiện kiến nghị kiểm toán vào chương trình công tác hàng năm. Do vậy, nên kiến nghị kiểm toán của KTNN khu vực III từ sau khi Luật KTNN sửa đổi tỷ lệ thực hiện cao hơn các năm trước.
Trên địa bàn 04 địa phương KTNN khu vực III phụ trách, hiện không còn DN nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, các Tổng công ty lớn đã thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi loại hình không còn vốn nhà nước (Tổng công ty công trình giao thông 5; Công ty CP vẫn tải đa phương thức;…). Thời gian qua KTNN đã giao cho KTNN chuyên ngành VI chủ trì soạn thảo Hướng dẫn Quy định kiểm toán DN do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, KTNN chuyên ngành VI cũng đã có dự thảo gửi cho các đơn vị toàn Ngành tham gia ý kiến. Sau khi KTNN ban hành Quy định kiểm toán DN do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, KTNN khu vực III sẽ quan tâm mở rộng đối tượng kiểm toán loại hình này trong các năm sau.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị được kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán (Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN ngày 29/7/2016). KTNN khu vực III chưa nhận được trường hợp khiếu nại của đơn vị được kiểm toán theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 Luật KTNN năm 2015; mà chủ yếu tiếp nhận và giải quyết, trả lời các kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về kết quả kiểm toán. Đến 31/12/2016, có 37 kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về kết quả kiểm toán đã nhận, đơn vị đã đề nghị KTNN và trả lời theo phân cấp là 27 kiến nghị, đang chỉ đạo trả lời 10 kiến nghị.
Tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN từ khi thực hiện Luật KTNN, cụ thể: Đối với kiến nghị kiểm toán năm 2013 (niên độ 2012): Tổng kiến nghị kiểm toán: 1.381.943trđ; đã thực hiện: 989.083trđ, đạt tỷ lệ 71,57%; chưa thực hiện: 392.860trđ. Đối với kiến nghị kiểm toán năm 2014 (niên độ 2013): Tổng kiến nghị kiểm toán: 2.209.459trđ; đã thực hiện: 1.838.111trđ, đạt tỷ lệ 83,19%; chưa thực hiện: 371.348trđ. Đối với kiến nghị kiểm toán năm 2015 (niên độ 2014): Tổng kiến nghị kiểm toán: 884.712trđ; đã thực hiện: 740.709trđ, đạt tỷ lệ 83,72%; chưa thực hiện: 144.003trđ.
Năm 2016, KTNN khu vực III kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của các năm 2013-2014-2015, các địa phương đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi bổ sung 08 văn bản địa phương ban hành không đúng quy định của pháp luật, không đúng thẩm quyền; đến nay các địa phương đã thực hiện 02/08 kiến nghị (TP Đà Nẵng thực hiện 01/06 kiến nghị; Bình Định 01/01 kiến nghị, tỉnh Quảng Nam 0/01 kiến nghị), đã thực hiện 153/239 kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, đạt tỷ lệ 64%; có 30/239 kiến nghị đang thực hiện, đạt tỷ lệ 12,6%; kiến nghị chưa thực hiện 56/239 bằng 23,4%; đã thực hiện 12/19 kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đạt 63,2%; trong đó: DA Trung tâm hành chính Đà Nẵng thực hiện 3/4 kiến nghị, đạt 75%; Chương trình Nhà ở Xã hội thực hiện 1/2 kiến nghị, đạt 50%; Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện 3/6 kiến nghị, đạt 50%; Tỉnh Quảng Nam thực hiện 2/3 kiến nghị, đạt 66,7%; Tỉnh Bình Định thực hiện 3/3 kiến nghị, đạt 100% .
Nguyên nhân do: một số kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý liên quan đến trách nhiệm thực hiện của nhiều đơn vị tại địa phương và trong đơn vị được kiểm toán nên cần có thời gian rà soát, phối hợp để thực hiện; kiến nghị liên quan đến các chính sách đặc thù cần phải có sự rà soát, hướng dẫn chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; đơn vị chưa nghiêm túc triển khai thực hiện; một số kiến nghị của đoàn kiểm toán còn chung chung chưa cụ thể; KTNN chưa có chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện kiến nghị của KTNN.
Một số kiến nghị chưa thực hiện, chủ yếu do: Đơn vị gặp khó khăn về tài chính, chưa bố trí được nguồn để nộp NSNN hoặc đã giải thể; dự án đầu tư đang trong quá trình thực hiện hoặc đã hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt quyết toán nên đề nghị sẽ thực hiện khi quyết toán; đơn vị chưa thống nhất, đã có văn bản đề nghị xem xét giải quyết nhưng KTNN chưa có văn bản trả lời; đơn vị chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng để chứng minh việc thực hiện kiến nghị; một số trường hợp chưa nghiêm túc thực hiện kiến nghị của KTNN.
Một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật KTNN
Tại khoản 2 Điều 42 “Về quyền của Kiểm toán viên nhà nước yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán”; tại khoản 3 Điều 57 “về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán trong việc cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước”; Tại Điều 7 “quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán: Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”; Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định chế tài xử lý đối với các tổ chức, đơn vị chấp hành chưa nghiêm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán, chưa chấp hành các kiến nghị của KTNN, làm giảm hiệu lực của Luật KTNN.
Thời điểm lập BCQT ngân sách địa phương hiện nay là quá dài trong điều kiện công nghệ thông tin (hết tháng 9 hàng năm); do vậy ảnh hưởng đến chất lương hoạt động kiểm toán của KTNN: Nếu triển khai công tác khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương sớm vào đầu năm thì chất lượng còn có những hạn chế nhất định do tại thời điểm khảo sát chưa lập xong báo cáo tài chính. Đồng thời nếu triển khai trể thì chưa phục vụ cho HĐND quyết nghị đối với cuộc kiểm toán NS địa phương.
Một số BCQT ngân sách địa phương được HĐND quyết nghị còn lệch số liệu kiểm toán của KTNN do địa phương tiếp tục xử lý số liệu sau khi đoàn kiểm toán kết thúc; địa phương chưa có báo cáo với Bộ Tài chính trong khi KTNN không có cơ sở kiểm tra lại.
Một số nội dung HĐND quan tâm đề nghị (thuộc chương trình giám sát năm) nhưng chưa được KTNN khu vực III đưa vào trọng tâm kiểm toán do nhân lực, thời gian và còn tập trung các mục tiêu, trọng tâm kiểm toán hàng năm của ngành.
Tại điều 38 Luật KTNN 2015 quy định Tổ trưởng Tổ kiểm toán “phải là Kiểm toán viên chính hoặc Kiểm toán viên giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên”, Tuy nhiên đội ngũ cán bộ cấp phòng chưa phù hợp với cơ cấu từng lĩnh vực kiểm toán, nên các đoàn kiểm toán thiếu Tổ trưởng tổ kiểm toán; các KTV trong diện qui hoạch Phó trưởng phòng, có nghiệp vụ chuyên môn, có kinh nghiệm, đã từng được giao nhiệm vụ Tổ trưởng nhưng vướng Luật KTNN nên từ năm 2016 không bố trí nhiệm vụ Tổ trưởng.
Từ thực tế hoạt động và một số vướng mắc, khó khăn trong triển khai Luật KTNN sửa đổi, KTNN khu vực III kiến nghị, đề xuất một số nội dung:
Sớm hoàn thành việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực KTNN nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán.
Đề nghị Ủy ban TCNS của Quốc hội có ý kiến tham gia sửa đổi Luật NSNN theo hương rút ngắn thời gian hoàn thành báo cáo quyết toán ngân sách địa phương để tạo điều kiện hoạt động kiểm toán thuận lợi, kịp thời phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán của HĐND theo luật.
Để tăng cường hơn nữa tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, kiến nghị Ủy ban TCNS phối hợp chặt chẽ với KTNN giám sát việc thực hiện kiến nghị của KTNN, đặc biệt các kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện qua kiểm toán.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Bùi Đặng Dũng đánh giá công tác chuẩn bị báo cáo, phục vụ rất chu đáo, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của KTNN khu vực III trong quá trình 21 năm xây dựng và phát triển. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai thực hiện Luật KTNN năm 2015 rất nghiêm túc, thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm toán của KTNN, đảm bảo công khai, dân chủ trong hoạt động kiểm toán, luôn giữ được mối quan hệ tốt với các địa phương trên địa bàn. Công tác kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ khá cao, đồng tình với những kiến nghị đề xuất của đơn vị.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS cũng đề nghị đơn vị tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể CBCC, KTV nắm chắc Luật KTNN năm 2015 và các quy định, quy trình của KTNN, về công khai báo cáo kiểm toán cũng cần được mở rộng phạm vi, đối tượng trên Website của KTNN, báo kiểm toán, báo các địa phương, tại trụ sở nơi được kiểm toán, gửi cho Ban Nội chính, UB kiểm tra đảng…để tạo sự đồng thuận, cùng với KTNN, góp phần nâng cao vị thế của KTNN trong việc làm lành mạnh và minh bạch hoá nền tài chính công./.
Viết Nhãn