Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kiểm toán nhà nước: Đất đai - nội dung kiểm toán trọng tâm trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2016

21/02/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kiểm toán nhà nước (KTNN) trả lời phỏng vấn báo giới xung quanh nhiều nội dung đang nhận được sự quan tâm của xã hội: Xác định lại giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, BOT giao thông; Lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường và công nghệ thông tin… Trang Thông tin điện tử KTNN trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn.

Ông Đào Văn Dũng trả lời phỏng vấn Trang Thông tin điện tử KTNN

 
Thưa ông, được biết, khi kiểm toán các dự án BOT giao thông, KTNN đã giảm trừ thời gian thu phí các dự án này tới cả chục năm. Vậy xin ông cho biết các nguyên nhân chủ yếu để KTNN kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án BOT?
 
Trong năm 2016, KTNN đã thực hiện kiểm toán 21 dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Qua kiểm toán cho thấy hầu hết các dự án lập Phương án tài chính ban đầu chưa hợp lý, nhiều chỉ tiêu trong Phương án tài chính lập chưa sát với thực tế hoặc chưa phù hợp với quy định của Nhà nước nên sau kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh giảm thời gian thu phí hoàn vốn của dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với Phương án tài chính ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do: 
 
Việc xác định tổng vốn đầu tư của dự án chưa hợp lý, một số chi phí trong tổng vốn đầu tư lập cao nhưng thực tế sử dụng không hết do ít biến động về giá cả hoặc rút ngắn thời gian thi công (Chi phí dự phòng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng; chi phí bồi thường GPMB); xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế GTGT được nhà nước hoàn lại...
 
Số liệu về lưu lượng phương tiện giao thông trong Phương án tài chính lập không phù hợp với thực tế. Ví dụ: Nhiều đơn vị chỉ dựa trên số liệu thống kế của Tư vấn khảo sát trong 2 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ, nên ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu doanh thu thu phí hoàn vốn của dự án. Các Đoàn kiểm toán của KTNN trên cơ sở kiểm toán doanh thu thu phí đối với một số dự án đã thu phí và kết hợp với kiểm tra hiện trường để xác định lại chỉ tiêu này cho phù hợp với thực tế.
 
Giảm chi phí đầu tư thực hiện của dự án do các phát hiện về tính sai khối lượng, định mức, đơn giá và các sai khác trong quá trình nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành và các nội dung công việc đã thực hiện.
 
Qua kiểm toán 07 DNNN được xác định lại giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, KTNN đã xác định phần vốn nhà nước tăng thêm so với kết quả tư vấn định giá của các tổ chức định giá (theo phương pháp tài sản) là 5.106 tỷ đồng. Tại sao lại có sự chênh lệch quá lớn như vậy thưa ông?
 
Năm 2016, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp đối với 07 DNNN. Qua kiểm toán, KTNN đã xác định phần vốn nhà nước tăng thêm so với kết quả tư vấn định giá của các tổ chức định giá (theo phương pháp tài sản) là 5.106 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị tư vấn xác định sai giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, quyền sử dụng đất, tài sản cố định... 
 
Ngoài ra, trong số 07 doanh nghiệp được kiểm toán có 02 đơn vị đủ điều kiện áp dụng phương pháp định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản (Công ty Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV TCT Truyền hình Cáp Việt Nam). KTNN xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, tăng so với phương pháp tài sản do KTNN xác định là 15.684 tỷ đồng (Công ty Truyền hình cáp Saigontourist 12.018 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV TCT Truyền hình Cáp Việt Nam 3.666 tỷ đồng). KTNN không kiến nghị điều chỉnh giá trị doanh nghiệp mà chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lưu ý khi thẩm định và phê duyệt trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
 
Trong những năm vừa qua, KTNN đã tổ chức kiểm toán lĩnh vực đất đai, riêng năm 2016 đã tổ chức kiểm toán một số lĩnh vực mới như môi trường, công nghệ thông tin và đã thu được một số kết quả khả quan ban đầu. Vậy KTNN sẽ tiếp tục lên kế hoạch kiểm toán cho các lĩnh vực này như thế nào trong thời gian tới?
 
Lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường và công nghệ thông tin là những lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, nên trong thời gian tới KTNN sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo để nâng cao hiệu quả kiểm toán các lĩnh vực này. Riêng trong năm 2017, KTNN dự kiến tổ chức thực hiện 04 cuộc kiểm toán về lĩnh vực môi trường. 
 
Trong lĩnh vực đất đai, ngoài việc tổ chức kiểm toán 07 cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về lĩnh vực này tại 09 địa phương, KTNN còn đưa nội dung kiểm toán về lĩnh vực đất đai thành một trong những nội dung kiểm toán trọng tâm trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2016.

Qua hoạt động kiểm toán năm 2016, ông đánh giá gì về tình trạng các văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành còn những thiếu sót, dễ dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công. KTNN đã có những kiến nghị gì để hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khắc phục tình trạng trên. Ông có thể cho biết một số trường hợp cụ thể?
 
Qua kiểm toán cho thấy, không ít các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành không phù hợp với quy định chung của Nhà nước như: Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND các cấp không phù hợp với Luật, Nghị định của Chính phủ; Các văn bản hành chính do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách song không phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Một số vấn đề trong thực tiễn cần quản lý, hướng dẫn song pháp luật chưa quy định, hoặc quy định nhưng chưa phù hợp với thực tiễn.
 
Thông qua kết quả kiểm toán trong 03 năm gần đây (từ 2014-2016), KTNN đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thay thế, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 349 văn bản; riêng trong năm 2016 là 136 văn bản,  trong đó có 02 Nghị định, 04 Thông tư, 09 Nghị quyết, 27 Quyết định và 94 văn bản khác. Một số trường hợp cụ thể từ kết quả kiểm toán năm 2016 như:
 
Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung 02 Thông tư, trong đó có 01 Thông tư mới ban hành.
 
Qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: 
 
KTNN phát hiện việc Bộ Tài chính ban hành Công văn số 5923/BTC-QLCS ngày 6/5/2015 về giá tính tiền thuê mặt biển Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro từ ngày 01/01/2011 trở đi là sai khung giá quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, dẫn đến số tiền thuê mặt biển do Chi cục Thuế TP Vũng Tàu tạm tính bị thiếu. Đoàn kiểm toán xác định lại số tiền thuê mặt biển phải thu từ  ngày 01/7/2014 đến ngày 31/12/2015 tăng thêm so với số do Chi cục Thuế tạm tính là 97,5 tỷ đồng, đồng thời KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi Công văn số 5923/BTC-QLCS.
 
Qua kết quả kiểm toán tại một số bộ, cơ quan Trung ương cho thấy số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và số dư Quỹ đầu tư phát triển tại một số đơn vị sự nghiệp hình thành từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại theo quy định chưa được đưa vào cân đối NSNN, thể hiện nguồn thu ngân sách chưa đầy đủ, chưa bao quát hết số thu. 
 
KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định về phí, đảm bảo số thu được để lại phù hợp nhu cầu chi thực tế, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn thu từ phí, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí có hiệu lực thi hành từ năm 2017./.
 
Phương Vân thực hiện

Xem thêm »