(kiemtoannn.gov.vn)
- Chiều 02/2/2017, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc và chúc Tết cán bộ, công chức, người lao động KTNN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Thay mặt KTNN, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ niềm vinh dự lần đầu tiên Ngành được đón Thủ tướng Chính phủ đến thăm và chúc Tết.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về một số kết quả công tác và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong thời gian qua bộ máy của KTNN đã từng bước được kiện toàn, tương đối gọn nhẹ và hoạt động ổn định, KTNN hiện có 32 đơn vị cấp Vụ, tổng số công chức, viên chức và người lao động trên 2.300 người.
Về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, 05 năm qua, kể từ năm 2012 đến 2016, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 115.203 tỷ đồng, riêng năm 2016 đã kiến nghị xử lý tài chính 35.931 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015. Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.
Thông qua kiểm toán, trong 5 năm qua, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 500 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo về một số kết quả công tác và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của KTNN
Trong năm 2016, qua kết quả kiểm toán quá trình thực hiện tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa, tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Qua kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp, KTNN đã chỉ ra các vấn đề về tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ, các dự án BOT, KTNN có đã nhiều kiến nghị hoàn thiện cơ chế quản lý, đồng thời sau kiểm toán đã giảm thời gian hoàn vốn của các dự án BOT so với phương án tài chính ban đầu. Kết quả kiểm toán cũng đã phát hiện việc quản lý chi dịch vụ công ích tại các tỉnh thành lớn, việc quản lý một số khoản phí, lệ phí còn không ít bất cập, kém hiệu quả, phát hiện nhiều sơ hở trong công tác quản lý thu ngân sách.
Hiệu lực hoạt động kiểm toán cũng đã có sự tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN qua từng năm ngày càng được nâng lên. Năm 2016, tổng số kiến nghị xử lý tài chính các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện là 14.367/19.383 tỷ đồng, bằng 74,1%, tăng cao so với năm 2015 (64,3%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN đạt 82%.
KTNN cũng đã nỗ lực nghiên cứu, kiến nghị nâng cao địa vị pháp lý trong Hiến pháp và sửa đổi Luật KTNN năm 2005. Kết quả, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó bổ sung quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước; thông qua Luật KTNN năm 2015 với nhiều nội dung mới tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN. Năm 2016, KTNN đã triển khai có hiệu quả Hiến pháp và Luật KTNN 2015 với việc ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn thi hành, gắn với cải cách hành chính trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Hệ thống 39 chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế đã chính thức được ban hành, áp dụng vào thực tế hoạt động kiểm toán từ năm 2017.
Báo cáo Thủ tướng về công tác tổ chức đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, toàn Ngành đã tập trung quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Ban bí thư; Chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Bên cạnh đó, lãnh đạo KTNN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN đã tổ chức các hoạt động thiết thực quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động; đã chủ động tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà tết cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc nghèo vùng cao...
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, KTNN xác định: “Phấn đấu cơ bản hoàn thành 08 mục đích của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, trong đó: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN năm 2015; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”.
Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày một số kiến nghị của KTNN với Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao:
Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016.
Chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc Chính phủ và các Bộ,ngành, căn cứ kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN, rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của Hiến pháp.
Giúp đỡ để Bộ Chính trị thông qua Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm đảm bảo cho KTNN có đủ biên chế, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Hiến pháp và Luật KTNN năm 2015.
Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bố trí đủ cho các dự án của KTNN trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Tạo điều kiện và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc xây dựng Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN, triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của KTNN và việc tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018 nhằm nâng cao vị thế, hiệu quả và hiệu lực hoạt động của KTNN.
Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan tới công tác kiểm toán, kể cả dữ liệu điện tử và việc truy cập các phần mềm cho KTNN.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự trưởng thành của KTNN qua hơn 20 năm phát triển, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng của đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước,
chất lượng của hoạt động kiểm toán trong những năm gần đây. “ Địa vị pháp lý của KTNN được nâng cao trong Hiến pháp 2013. Luật KTNN 2015 đã được thông qua tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN. Các quy chế hoạt động của KTNN ngày càng đầy đủ, rõ ràng và minh bạch” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các kết quả nổi bật của KTNN trong thời gian qua và đánh giá hoạt động của KTNN đã góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tài chính, tài sản công; Kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm chống thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; Phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của Chính phủ...
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu KTNN cần đi đầu trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động; Phấn đấu trở thành công cụ quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong giám sát quyền lực, ngăn chặn lạm quyền và nâng cao hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, KTNN kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ vừa có tầm, vừa có tâm; Tập trung các hoạt động kiểm toán vào các lĩnh vực Quốc hội và Chính phủ quan tâm như tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu, nợ công, cổ phần hóa DNNN…; Hoạt động kiểm toán cũng cần tập trung vào lĩnh vực kiểm toán hoạt động theo xu thế của các nước phát triển; Lắng nghe, có cơ chế phối hợp hiệu quả với các cơ quan thanh tra, kiểm tra; Tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính cơ quan KTNN; Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, hoàn thiện quy trình, thủ tục kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán, giảm phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm…
Thủ tướng Chính phủ đồng tình với các kiến nghị của KTNN và yêu cầu Văn phòng Thủ tướng Chính phủ có thông báo kết luận về buổi làm việc sau khi nghe báo cáo, các kiến nghị của KTNN.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cam kết cùng toàn Ngành phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Tổng Kiểm toán nhà nước cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ của KTNN./.
Ngọc Bích