Hệ thống 39 Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước: Kỳ vọng tạo bước tiến mới về chất lượng kiểm toán

20/01/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hệ thống 39 chuẩn mức kiểm toán nhà nước (CMKTNN) mới ban hành vừa có sự tiếp thu có chọn lọc thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với thực tế Việt Nam; do vậy sẽ có giá trị thực tiễn rất cao. Hệ thống chuẩn mức mới này khi phát huy hiệu quả, chắc chắn chất lượng kiểm toán được nâng lên và phục vụ tốt hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) đất nước. Đây là chia sẻ của TS. Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với báo giới.

TS. Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò và kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gắn liền với những thành tựu phát triển KT-XH của Việt Nam thời gian qua?

Ông Hoàng Quang Hàm: Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, hoạt động của KTNN luôn gắn kết với quá trình phát triển, đổi mới đất nước. Vai trò của KTNN ngày càng được thể hiện rõ nét đi cùng với những thành tựu phát triển KT-XH của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Theo đó, KTNN đóng góp trong xây dựng, quyết định các chính sách và đánh giá việc thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển KT-XH, để điều chỉnh kịp thời cho phù hợp thực tiễn như các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; miễn giảm, giãn, hoàn thuế;…

Đồng thời, KTNN có vai trò trong việc báo cáo và tư vấn cho Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH; tư vấn và nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính, tài sản công cho phát triển KT-XH. Mặt khác, kết quả, kiến nghị của KTNN vừa có tác dụng phòng ngừa, vừa mang tính răn đe các cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng nguồn lực công, công quỹ, đảm bảo nguồn lực cho phát triển KT-XH một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Cùng với đó, một vai trò khác rất dễ nhận thấy của KTNN đó là việc tạo ra nguồn lực đóng góp cho phát triển KT-XH. Thời gian qua, thông qua các kết quả, kiến nghị của mình, KTNN đã giúp cho ngân sách nhà nước tăng thu, giảm chi hàng nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn nữa là KTNN đã có những kiến nghị trực tiếp với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan tài chính tổng hợp để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách thu - chi, góp phần hoàn thiện chính sách, giúp các cơ quan thực hiện thu đúng, thu đủ và chi tiết kiệm hiệu quả.

Trong suốt thời gian qua, khi KTNN đã ngày càng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình hoạt động, chuẩn mực kiểm toán,… giúp chất lượng hoạt động kiểm toán được nâng lên, thì vai trò của KTNN cũng ngày càng được thể hiện rõ hơn đối với sự phát triển KT-XH của đất nước.

PV: Là một chuyên gia am hiểu về lĩnh vực kiểm toán, ông đánh giá thế nào về Hệ thống 39 CMKTNN vừa được KTNN ban hành gần đây?

Ông Hoàng Quang Hàm: Thực ra, hệ thống CMKTNN không phải lần này mới được ban hành, mà đã được KTNN chú trọng xây dựng, ban hành từ những năm đầu mới thành lập và sau đó tiếp tục có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, với việc xây dựng và ban hành Hệ thống 39 CMKTNN lần này thực sự là một bước tiến mới trên nhiều phương diện. 

Theo tôi, Hệ thống 39 CMKTNN lần này đã được KTNN tâm huyết xây dựng rất công phu, tập trung được trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước trong suốt hơn 3 năm. Hệ thống đã được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc thông lệ quốc tế, tuân thủ pháp luật và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, cũng như môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam.

Hệ thống là các quy định pháp lý hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán; cho cả ba loại hình kiểm toán (tài chính, tuân thủ, hoạt động); từ đó sẽ là căn cứ tốt, làm chuẩn để xây dựng các quy trình, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán. Đây là kim chỉ nam hành động cho kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán, đảm bảo cho kiểm toán viên tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng kiểm toán. Giúp cho công việc kiểm toán được tiến hành một cách chuyên nghiệp và hiện đại hơn, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán được nâng lên.

Hệ thống chuẩn mưc kiểm toán tạo ra cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên và căn cứ để giám sát hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên.

Ngoài ra, hệ thống CMKT mới còn giúp các đơn vị được kiểm toán có chỉ dẫn để phối hợp trong hoạt động kiểm toán và giải quyết các vấn đề phát sinh.

PV: Ông có đề xuất gì để Hệ thống 39 CMKTNN phát huy hiệu quả thực sự trong thực tiễn?

Ông Hoàng Quang Hàm:Tôi cho rằng, để hệ thống CMKTNN mới phát huy được hiệu quả thực sự, thì điều đầu tiên là cần thay đổi về tư duy, nhận thức về việc áp dụng chuẩn mực kiểm toán trong hoạt động kiểm toán cho kiểm toán viên và KTNN. Tôi nghĩ rằng, đây là điều rất quan trọng, tối cần thiết, vì nhận thức có thay đổi mới chuyển dịch được các hành động tiếp theo.

Theo đó, về phía KTNN, từ lãnh đạo đến kiểm toán viên phải coi việc áp dụng hệ thống chuẩn mực trong hoạt động kiểm toán là không thể thiếu đồng thời hiểu và áp dụng được hệ thống chuẩn mực trong thực tiễn hoạt động. Để làm được điều này, KTNN cần đẩy mạnh việc đào tạo toàn hệ thống. Tuy nhiên, nỗ lực từ một phía là chưa đủ, để 39 CMKTNN thực sự ngấm vào thực tiễn, rõ ràng cần các đơn vị liên quan phải có hiểu biết cần thiết để phối hợp.  Do vậy, tôi cho rằng, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới các đối tượng hữu quan.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là KTNN cần xây dựng đồng bộ các hướng dẫn hoạt động kiểm toán, từ quy trình, hướng dẫn, mẩu biểu hồ sơ phù hợp với chuẩn mực mới.

PV: Là thành viên của Ủy ban Tài chính  - Ngân sách của Quốc hội, theo ông, khi các CMKTNN làn này phát huy hiệu quả thực tiễn, thì sẽ có tác dụng hỗ trợ gì đối với Quốc hội và Chính phủ?

Ông Hoàng Quang Hàm: Tôi cho rằng, khi hệ thống chuẩn mức mới phát huy hiệu quả thực tiễn, thì chắc chắn chất lượng kiểm toán được nâng lên, thông tin phục vụ cho Quốc hội nhiều hơn và chất lượng hơn để thực hiện tốt 3 chức năng quan trọng của Quốc hội là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Cùng với đó, với hệ thống chuẩn mực mới kỳ vọng kiểm toán tài chính được chuẩn hóa, bài bản hơn, từ đó phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách được tốt hơn.

Đồng thời, khi kiểm toán hoạt động được đẩy mạnh và đúng cách sẽ đánh giá sâu sắc hơn về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài khóa, tiền tệ; cũng như cách thức sử dụng hiệu quả tài chính, tài sản công giúp Quốc hội quyết định chính xác và giám sát chặt chẽ tài chính, tài sản công.

Bên cạnh đó, khi kiểm toán tuân thủ được thực hiện tốt hơn thì sẽ nâng cao kỷ luật trong quản lý tài chính ngân sách, thực hiện tốt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra về nợ công, bội chi, an ninh tài chính quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xem thêm »