Ưu tiên nguồn lực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước

30/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hoàng Hồng Lạc
Trưởng Ban chỉ đạo CNTT KTNN,
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước

 
Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong bốn trụ cột của kinh tế tri thức, giữ vai trò nền tảng, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đầu tư và phát triển CNTT, như việc ban hành Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT”; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020.  
 
Trong những năm qua, Đảng ủy và lãnh đạo KTNN đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển, ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN theo định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, từ việc quyết tâm thành lập đơn vị chuyên trách về CNTT theo Quyết định số 03/2002/QĐ-TTg ngày 04/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ, đưa chủ trương ưu tiên ứng dụng, phát triển CNTT trong các hoạt động của KTNN vào nghị quyết của Đảng bộ KTNN các nhiệm kỳ, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, đến việc cụ thể hóa phát triển, ứng dụng CNTT thông qua ban hành Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015 - 2020 nhằm tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động của KTNN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ngành, từng bước hiện đại hóa cơ quan KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. 
 
Nhìn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm Tin học, tuy còn những khó khăn, thách thức và hạn chế, song Trung tâm Tin học đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển lớn mạnh của KTNN, đặc biệt là việc đóng góp sức lực và trí tuệ trong việc quản lý thống nhất các hoạt động CNTT và đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động của KTNN, đó là việc: Chủ động đề xuất phát triển lực lượng cán bộ, viên chức có năng lực trình độ chuyên môn cao theo hướng đa dạng hóa chuyên ngành đào tạo, gắn kiến thức chuyên ngành đào tạo vào hoạt động thực tiễn thông qua các cuộc kiểm toán đã dần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; phát triển, quản lý hạ tầng kỹ thuật CNTT, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn cho hệ thống mạng LAN, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ cho công việc hàng ngày và công tác điều hành của lãnh đạo KTNN; phát triển, quản lý các phần mềm ứng dụng; đào tạo CNTT và kiểm toán CNTT. Thành công có ý nghĩa nổi bật trong suốt 15 năm qua của Trung tâm Tin học đó là việc chủ trì xây dựng thành công Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020; tổ chức triển khai hệ thống hạ tầng CNTT trong toàn Ngành và thiết lập Trung tâm dữ liệu KTNN hoạt động ổn định và đáp ứng được yêu cầu của Ngành; tập trung phát triển các phần mềm có giá trị ứng dụng cao nhằm tin học hoá các hoạt động của KTNN, đặc biệt là các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; tổ chức xây dựng tài liệu, quy trình và chương trình đào tạo kiểm toán trong môi trường CNTT cho KTNN.   
 
Bên cạnh kết quả đã đạt được, vai trò tham mưu và tiên phong trong việc phát triển, ứng dụng CNTT trong các hoạt động KTNN của Trung tâm Tin học vẫn còn hạn chế, chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích, hiệu quả sử dụng thiết bị CNTT; các đơn vị trong ngành chưa thực sự đánh giá đúng tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, chưa thực sự coi CNTT là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển. Do vậy việc tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT chưa có sự quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt; các ứng dụng phần mềm hiện nay được phát triển theo nhu cầu một cách đơn lẻ, chưa có sự kết nối, đồng bộ dữ liệu, trao đổi thông tin để tối ưu hóa lợi ích sử dụng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nòng cốt về xây dựng và quản lý CNTT còn yếu và thiếu, ít được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế và ít được rèn luyện kỹ năng tại các trung tâm CNTT lớn.
 
Thời gian tới, trước yêu cầu cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhận thức về ứng dụng, phát triển CNTT theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện tốt mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 là “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”, đòi hỏi tập thể cấp ủy, lãnh đạo, viên chức và người lao động Trung tâm Tin học phải nỗ lực cố gắng, đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc tổ chức và triển khai thực hiện tốt Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020, Nghị quyết số 32-NQ/ĐU ngày 11/3/2016 của Đảng ủy KTNN về “Lãnh đạo ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán của KTNN” nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đề án là: "Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động của KTNN nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán; từng bước hiện đại hóa cơ quan KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam", theo đó, Trung tâm Tin học cần tập trung thực hiện những nội dung chủ yếu sau:
 
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức và người lao động, nhất là cán bộ chủ chốt về vai trò tiên phong và tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển CNTT trong các hoạt động của KTNN, đưa nội dung ứng dụng, phát triển CNTT vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy và trở thành kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên ở đơn vị, tạo ra phong trào thi đua sâu, rộng trong toàn đơn vị; cần có nhiều hình thức, biện pháp xây dựng động cơ, trách nhiệm, động viên khuyến khích cán bộ, viên chức và người lao động tham gia phát triển, ứng dụng CNTT trong các hoạt động của Ngành đạt hiệu quả thiết thực.
 
Hai là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, hiệu quả việc ứng dụng, phát triển CNTT của KTNN. Chủ động tham mưu rà soát, đánh giá trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ trong Ngành, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trước hết, cần tập trung xây dựng lực lượng đầu ngành về CNTT tại Trung tâm Tin học và nhóm nòng cốt về CNTT của KTNN bảo đảm có trình độ chuyên môn cao, đủ sức làm đầu tàu trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành và phát triển các phần mềm ứng dụng CNTT đặc thù của KTNN; nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo KTNN việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; từng bước nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài với sự nghiệp phát triển của KTNN.
 
Ba là, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp, bám sát mục tiêu hoạt động, chiến lược phát triển của KTNN, các kế hoạch, chương trình công tác của KTNN để cụ thể hóa thành chương trình hành động của Trung tâm Tin học đối với sự nghiệp phát triển và ứng dụng CNTT; đảm bảo tiến độ xây dựng và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT trong Ngành kiểm toán, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao công tác quản lý và chuyên môn của KTNN.
 
Bốn là, chủ động, tích cực tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các đối tác, nhất là các đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực CNTT để triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động của KTNN, đặc biệt là việc xây dựng và ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, triển khai kiểm toán CNTT; coi trọng phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế để ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến trên thế giới phù hợp với điều kiện của KTNN./. 
 

Xem thêm »