Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia

21/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 5, sáng 21/12/2016, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính- NSNN 03 năm, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng nămnhằm thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 đã được ban hành trước đó. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp

Dự họp còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch-Đầu tư.

​UBTVQH  thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết. Đây là lần thứ 2 UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sau lần cho ý kiến tại phiên họp thứ 3 được tổ chức vào trung tuần tháng 9/2016. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) đã tổ chức họp với đại diện dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan hữu quan và phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

​Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 5 Chương và 23 Điều gồm: Chương I - Những quy định chung, gồm 3 điều (từ Điều 1 đến Điều 3); Chương II - Lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và quyết toán NSNN hằng năm, gồm 7 điều (từ Điều 4 đến Điều 12); Chương III - Thẩm tra các báo cáo do Chính phủ trình,gồm 3 điều (từ Điều 13 đến Điều 15); Chương IV - Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc cho ý kiến đối với các báo do Chính phủ trình, gồm 4 điều (từ Điều 16 đến Điều 20); Chương V -Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 21, Điều 22). Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn có 74 mẫu biểu kèm theo.

​Tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH đồng tình với các vấn đề được Ban soạn thảo cũng như Ủy ban TCNS của Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa cũng như các ý kiến giải trình. Ngoài ra, các Uỷ viên UBTV QH đã cho ý kiến nhằm làm rõ hơn một số quy định về thời gian trình tự của quy trình lập, thẩm tra cũng như trách nhiệm phối hợp của các Ủy ban Quốc hội với các cơ quan hữu quan.

​Sau ý kiến phát biểu làm rõ hơn các vấn đề của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: UBTVQH hoan nghênh cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến tại phiên họp thứ 3 để hoàn thiện một lần nữa dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đồng chí ủy viên UBTVQH tại phiên họp lần này để hoàn thiện Nghị quyết; thống nhất bỏ từ Quy chế trong tên gọi của Nghị quyết cũng như chỉnh sửa một số chỗ trong Điều 12, Điều 15 của dự thảo.
 
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp sáng 21.12

​Về thời gian gửi báo cáo, Phó Chủ tich Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: Chính phủ gửi UBTVQH  đồng gửi các Ủy ban của Quốc hội có liên quan trước ngày 20/9 hằng năm; các Ủy ban thực hiện thẩm tra theo nội dung liên quan và gửi lại Ủy ban TCNS 10 ngày trước khi  báo cáo UBTVQH. Ngoài ra, yêu cầu Ban soạn thảo hoàn thiện lại hệ thống mẫu biểu đảm bảo thống nhất trong cách gọi cũng như gắn với các Điều khoản.

​Kết thúc buổi họp, UBTVQH đã thống nhất 100% biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm. UBTV QH giao Ủy ban TCNS, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh về mặt nội dung và kỹ thuật văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

​Một trong những điểm mới đề cập trong dự thảo Nghị quyết lần này là quy định cụ thể, đầy đủ hơn về vai trò, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước. So với Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH mới chỉ quy định nhiệm vụ của KTNN về kiểm toán quyết toán NSNN thì tới dự thảo Nghị quyết lần này đã quy định cụ thể về nhiệm vụ của KTNN trong việc tham gia ý kiến với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phương án phân bổ NSTW. 

​Các nội dung quy định về KTNN được đề cập tại Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: 

“… nhiệm vụ của KTNN trong việc trình Quốc hội, Chính phủ; UBTVQH quyết định hoặc cho ý kiến đối với các báo cáo: Trình Quốc hội quyết định về kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và quyết toán NSNN hằng năm, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương; việc lập lại hoặc điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW trong trường hợp cần thiết”.

Trình Quốc hội có thông tin tham khảo về kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia khi xem xét, quyết định dự toán NSNN và phân bổ NSTW hằng năm.

Trình UBTVQH quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN, bổ sung dự toán số tăng thu NSNN, phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của NSTW; cho ý kiến đối với các chế độ chi ngân sách quan trọng, phạm vi  ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước.

​Ngoài ra, tại Điều 12. Phối hợp giữa các cơ quan trong lập, xây dựng các báo cáo do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội có quy định cụ thể về việc Ủy ban TCNS của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, KTNN phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan khác của Chính phủ trong quá trình lập, xây dựng các báo cáo do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội bằng các hình thức: 

Tổ chức trao đổi ý kiến, mời báo cáo về tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài chính-NSNN và đầu tư phát triển; dự báo tình hình, xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, NSNN, đầu tư phát triển toàn xã hội, đầu tư công cho giai đoạn 05 năm và hằng năm.

Tham gia các cuộc thảo luận với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, lập dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW, xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP.

Đại diện UB TCNS của Quốc hội, KTNN được mời tham dự phiên họp của Chính phủ xem xét, thảo luận về kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và quyết toán NSNN hằng năm.

​Tại Khoản 3, Điều 13. Trách nhiệm thẩm tra các báo cáo do Chính phủ trình, có quy định: KTNN tham gia với Ủy ban TCNS của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW, phương án điều chỉnh dự toán NSNN do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội; thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN.

​Tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 15. Tổ chức thẩm tra quy định: KTNN tổ chức lập và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN đến UBTVQH, Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội theo quy định tại Điều 48 Luật Kiểm toán nhà nước; tham gia ý kiến bằng văn bản với Ủy ban TCNS của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra các báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW, phương án điều chỉnh dự toán NSNN do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội; (3): Ủy ban TCNS của Quốc hội xây dựng báo cáo thẩm tra đối với các báo cáo do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội trên cơ sở tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN và ý kiến tham gia xem xét, thẩm tra các báo cáo khác của KTNN; đồng thời, chủ trì tổ chức phiên họp, có sự tham dự của đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, KTNN, đại diện Chính phủ và các cơ quan liên quan để thẩm tra đối với các báo cáo này chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày UBTVQH họp, cho ý kiến đối với báo cáo có liên quan.

​Tại Mục 3, Điểm e, Khoản 1, Điều 19. Các báo cáo trình Quốc hội, quy định: Báo cáo do KTNN trình gồm Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN; Báo cáo tham gia ý kiến đối với các báo cáo dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW./.

Phương Vân

Xem thêm »