Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Phó kiểm toán trưởng trong hoạt động kiểm toán

29/11/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 28/11/2016 Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã ký và ban hành Quyết định số 1899/QĐ-KTNN Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán trưởng (KTT), Phó kiểm toán trưởng (PKTT) trong hoạt động kiểm toán.

 
Theo đó, Quyết định 1899 quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTT, PKTT các đơn vị KTNN chuyên ngành và các đơn vị KTNN khu vực trong hoạt động kiểm toán; các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTT, PKTT trong các lĩnh vực khác thực hiện theo quy định hiện hành và phân cấp của KTNN.
 
Quy định gồm 3 Chương và 11 Điều, áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán.
 
Nhiệm vụ của KTT: Lãnh đạo, điều hành, quản lý công chức trong các đơn vị và chuyên gia, cộng tác viên, công chức tham gia Đoàn Kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được giao; chỉ đạo xây dựng chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nhà nước và kiểm tra nội bộ đối với lĩnh vực kiểm toán được phân công; tổ chức xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, trung hạn, dài hạn, phương án tổ chức kiểm toán hàng năm và kế hoạch kiểm toán tổng quát của Đoàn kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt; báo cáo, giải trình với Tổng Kiểm toán nhà nước các vấn đề trọng tâm về kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị kiểm toán; báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán với Tổng Kiểm toán nhà nước; tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán trong các cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì kiểm toán; tổ chức quản lý và lưu trữ hồ sơ kiểm toán, giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
Về trách nhiệm của KTT: KTT có trách nhiệm quản lý thành phần Đoàn kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước, tổ chức chỉ đạo hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động kiểm toán ; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước về tiến độ thực hiện kế hoạch và tình hình kết quả hoạt động kiểm toán.
 
Trong trường hợp KTT là Trưởng đoàn kiểm toán, ngoài quy định trên, KTT phải thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn kiểm toán theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Kiểm toán nhà nước và Quy chế tổ chức, hoạt động của Đoàn KTNN; chỉ đạo Đoàn kiểm toán do đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xem xét giải quyết và trả lời các khiếu nại, kiến nghị về kết luận và kiến nghị kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
Quy định cũng nêu rõ quyền hạn của KTT yêu cầu các đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước theo quy định của Pháp luật.
 
KTT đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật được phát hiện qua kiểm toán, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của KTNN hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho KTNN và Kiểm toán viên nhà nước; đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước trưng cầu giám định về chuyên môn khi cần thiết.
 
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTT đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và quy định cho phù hợp; đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ Đoàn kiểm toán, quyết định tạm đình chỉ Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán khi có hành vi vi phạm Điều 28 Luật Kiểm toán nhà nước; Quyết định tạm đình chỉ từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 8 và Điều 28 Luật Kiểm toán nhà nước; đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán và các thành viên Đoàn kiểm toán khi có thành tích đột xuất hoặc có sai phạm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; KTT cũng được quyền ủy quyền cho 01 PKTT quản lý điều hành hoạt động kiểm toán của đơn vị khi KTT vắng mặt.
 
Bên cạnh nhiệm vụ và quyền hạn, Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của KTT:
 
Có trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm toán của đơn vị đúng với chủ trương, chính sách, các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán do đơn vị chủ trì kiểm toán…Ngoài ra, KTT phải chịu trách nhiệm về ý kiến bảo lưu kết quả kiểm toán trước Tổng Kiểm toán nhà nước; chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của thành viên Đoàn kiểm toán đối với cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì.
 
Khi thực hiện kiểm toán đối với đơn vị ở nước ngoài hoặc không tổ chức tại nước ngoài nhưng cần xác minh nội dung kiểm toán, có trách nhiệm đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Hợp tác Quốc tế) để làm việc, liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại nước sơ tại phối hợp, giúp đỡ.
 
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó Kiểm toán trưởng: Giúp việc KTT thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của KTT và chịu trách nhiệm trước KTT về nhiệm vụ được phân công và các trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật.
 
KTT, PKTT phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Việc chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới và xử lý khi xảy ra hành vi tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách thực hiện theo quy định của pháp luật./.
 
Thanh Trang

Xem thêm »