Xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

17/11/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 04/11/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn số 9549/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc đồng ý đưa Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2017 của Chính phủ.

 
Nêu về sự cần thiết phải ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tại Văn bản số 1056/KTNN-PC ngày 12/9/2016, Kiểm toán nhà nước (KTNN) nêu rõ: Sau hơn 20 năm hoạt động, KTNN đã từng bước được xây dựng và ngày càng phát triển trở thành một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Với việc địa vị pháp lý của KTNN được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Kiểm toán nhà nước  năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ IX thay thế cho Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005 đã góp phần đưa hoạt động kiểm toán nhà nước đi vào nề nếp, mang lại những kết quả nhất định, hoạt động quản lý tài chính, ngân sách được hiệu quả hơn...Tuy nhiên, do Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005 cũng như Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 còn thiếu quy định về chế tài xử phạt vi phạm hành chính nên các hành vi vi phạm Luật KTNN thường xuyên xảy ra ở các đơn vị được kiểm toán như: Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước; cản trở công việc của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước; báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ và thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của KTNN; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán của KTNN hoặc vi phạm quy định về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán... Hay các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước của thành viên đoàn kiểm toán của KTNN như vi phạm các quy định về nghiệp vụ kiểm toán. Ngoài ra, tại  Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
 
Thực tế cho thấy chưa có một chế tài nào đối với những hành vi vi phạm Luật KTNN nên thực tế từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành chưa có cơ quan chức năng nào xử lý đối với những vi phạm này. Trong hoạt động kiểm toán, khi xảy ra những trường hợp vi phạm này thì Kiểm toán viên nhà nước chỉ có thể sử dụng những phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ khai thác nhằm khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hoặc khi phát hiện có sai phạm, KTNN chỉ được kiến nghị xử lý với các cơ quan có liên quan chứ không được xử lý trực tiếp. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế tính khả thi của Luật Kiểm toán nhà nước. Vì vậy, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN, qua đó ngăn chặn các hành vi vi phạm của các đơn vị được kiểm toán cũng như hành vi vi phạm của Kiểm toán viên nhà nước.
 
Việc đưa văn bản Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vào Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2017 của Chính phủ sẽ thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về KTNN; Xây dựng KTNN trở thành công cụ mạnh và quan trọng. Đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả lĩnh vực KTNN. Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay; việc XLVPHC phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
 
Xoay quanh nội dung này, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ, trong đó có những trao đổi cụ thể về đối tượng, hành vi bị xử lý cũng như việc hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề xuất lập đề nghị xây dựng đối với Nghị định này.
 
Trên cơ sở đề nghị của KTNN, ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý để KTNN đưa Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 của Chính phủ, đồng thời yêu cầu KTNN tiếp thu ý kiến đề xuất của hai cơ quan trên để hoàn chỉnh  dự thảo Nghị định này và trình Chính phủ theo đúng quy định hiện hành về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL./.
 
Thanh Trang




Xem thêm »