(kiemtoannn.gov.vn)
- Sáng ngày 10/11/2016, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm toán nội bộ của KTNN" do PGS.TS Đinh Trọng Hanh - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X làm chủ nhiệm đề tài. TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kiểm toán (KTNN) là Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, sau hơn 22 năm hoạt động, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng của KTNN đã từng bước được cải thiện cả về tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, những hoạt động thuộc chức năng kiểm tra – kiểm soát nội bộ của KTNN vẫn còn một số tồn tại như có sự trùng chéo trong hoạt động, hiệu quả, hiệu lực hoạt động còn chưa cao… Bên cạnh đó, trước yêu cầu phát triển tổ chức bộ máy, mở rộng phạm vi, chất lượng kiểm toán theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, việc nghiên cứu hoàn thiện tổ chức và hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm toán nội bộ của KTNN là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.
Ban chủ nhiệm Đề tài cũng cho biết, hoàn thiện tổ chức và hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng và kiểm toán nội bộ của KTNN là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ những vấn đề về pháp lý, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động… Điều đó đặt ra yêu cầu phải có sự nghiên cứu đầy đủ cả về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm của các cơ quan KTNN trên thế giới để có những giải pháp thích hợp trong từng giai đoạn thực hiện.
Với kết cấu 3 chương, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm toán nội bộ của KTNN" đã nghiên cứu cơ sở lý luận về tổ chức, hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm toán nội bộ của KTNN; Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của hệ thống kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán, kiểm toán nội bộ của KTNN Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài về tổ chức và hoạt động trên. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện tổ chức và hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm toán nội bộ của KTNN.
Theo Hội đồng nghiệm thu, đây là đề tài có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đối với KTNN trong giai đoạn hiện nay, nội dung đề tài thiết thực, phong phú, cách tiếp cận khoa học. Một số ý kiến cho rằng, đề tài sau khi được nghiệm thu có thể dùng làm tài liệu tham khảo để hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị tham mưu trong hoạt động KTNN, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động của các đơn vị tham mưu KTNN. Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu cũng đưa ra những góp ý cụ thể về kết cấu, nội dung, thể thức báo cáo kết quả nghiên cứu… để đề tài được hoàn thiện và có giá trị khoa học cao hơn.
Tổng hợp ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, TS. Lê Đình Thăng – Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm trong việc nghiên cứu, hoàn thiện đề tài. Ông Lê Đình Thăng cho biết, đề tài đã nghiên cứu, làm rõ những khái niệm liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm toán nội bộ của cơ quan KTNN, đồng thời hệ thống hóa được thực trạng của hoạt động thanh tra và kiểm soát chất lượng của một số đơn vị trực thuộc KTNN… Trên cơ sở đó, đề tài đã đưa ra được một số giải pháp nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức cũng như tổ chức công việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm toán nội bộ của cơ quan KTNN.
Để hoàn thiện đề tài, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, bổ sung thêm một số nội dung phân định rõ các mối quan hệ trong hoạt động thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của cơ quan KTNN, bổ sung thêm nội dung về hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Vụ Tổng hợp và Vụ Pháp chế để từ đó rút ra được những vấn đề phân định trong chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị…
Xét về nội dung, yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề tài đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Với điểm bình quân 85,7/100, đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc./.
M. Thúy