Lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)

08/11/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 7/11/2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng kết; Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện 38 tỉnh, thành phố khu vực từ Thanh Hóa trở vào. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa lâu dài liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước và sự tồn vong của chế độ. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. 

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc rất quan trọng, được dư luận quan tâm. Các ý kiến đóng góp cho Dự thảo cần phát huy dân chủ, nói thẳng, nói thật, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân; đề xuất các chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách hiệu quả trong thời gian tới. 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị

Dự thảo đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đánh giá: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) và Kết luận Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI). Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và truyền thông về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên. Cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được hoàn thiện. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng tiếp tục được coi trọng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói chung và việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X), kết luận Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI) nói riêng trong những năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”...

Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản tán thành với dự thảo đề án Tổng kết, đồng thời thảo luận xoay quanh các nội dung về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng cũng như vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu trong thực hiện Nghị quyết; đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua; hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên một số lĩnh vực; vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, báo chí và người dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí... 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra các ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian tới; bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, các văn bản pháp luật cho phù hợp thực tiễn, thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong đó, công tác phòng ngừa tham nhũng là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, kiên quyết xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các cấp ủy đảng, tổ chức đảng cần quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đặt ra. Đề án giám sát, kiểm soát quyền lực cần sớm được xây dựng để có thể ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cần phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động ở các lĩnh vực nhằm giảm dần môi trường phát sinh tham nhũng, mang lại sự bình đẳng, công bằng cho người dân khi tiếp cận cơ quan công quyền./.

Hà Linh


Xem thêm »