Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

06/10/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 6/10/2016, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 4 cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thống nhất khung pháp lý cho việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thúc đẩy năng lực đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Băn khoăn lớn nhất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các đạo Luật khác, nhất là Luật Doanh nghiệp năm 2015. Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ mối quan hệ của các chính sách hỗ trợ trong dự thảo Luật với các Luật khác; Sự tương thích giữa các quy định của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Các tác động của dự thảo Luật đối với kinh tế - tài chính của đất nước.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, ban soạn thảo phải làm rõ một số câu hỏi đó là: Sự cần thiết ban hành Luật? Các quy định trong dự thảo Luật có chồng chéo với các Luật khác, có làm mất đi tính đồng bộ của hệ thống pháp luật? Nếu chỉ ban hành chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có công bằng đối với các loại hình khác? Đồng thời các quy định của dự thảo Luật đã phù hợp, tương thích với các cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên?

Trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, trao đổi với một số cơ quan hữu quan, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sẽ bổ sung các nội dung: Trình Quốc hội xem xét Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, kiện toàn bộ máy của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương từ sau Đại hội 12 đến nay; Bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường. Bổ sung trong báo cáo về kinh tế - xã hội chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tình hình biến đổi khí hậu gây thiệt hại về kinh tế xã hội, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ rút hai nội dung đó là dự án Luật Công an xã và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)./.

Hà Linh

 

Xem thêm »