Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2016: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

05/10/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn)- Ngày 3 và 4/10/2016, tại trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2016 nhằm bàn thảo nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào việc cho ý kiến hoàn thiện các văn kiện báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội trình Ban chấp hành Trung ương và Quốc hội trong phiên họp sắp tới. Chủ trì Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương“phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3-6,5%”.

Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày, tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 9/2016 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,14% so với tháng 12/2015. Tăng trưởng GDP quý III tăng mạnh so với 2 quý trước (đạt 6,4%), 9 tháng đạt 5,93%. Khu vực nông nghiệp có bước phục hồi khá. Khu vực dịch vụ, du lịch, khách quốc tế tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 128,2 tỷ USD, xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá. Phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng, có 81.451 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 629.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% về số doanh nghiệp và tăng khoảng 50% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, nếu quý IV tăng trưởng như quý III là 6,4%, thì cả năm 2016 tăng trưởng chỉ đạt 6%, nếu tăng trưởng tương đương quý IV/2015 là 7% thì cả năm 2016 tăng 6,3%. Để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì quý IV phải tăng 7,7%. Theo đó, phải có sự nỗ lực cao thì tăng GDP cả năm mới có thể đạt khoảng 6,3-6,5%. Vì vậy, trong 3 tháng cuối năm, kỳ vọng được đặt vào smột số dư địa về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2016, cải thiện cầu và sức mua trong nước, phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

Nhận định tình hình tháng 9 và 9 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhất là quý 3 đạt 6,4%. Lạm phát ở mức thấp, “đặc biệt, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội của người dân, doanh nghiệp không ngừng được cải thiện”. Tuy vậy, 9 tháng, tăng trưởng mới đạt 5,92%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Để đạt tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% thì tăng trưởng kinh tế quý IV phải đạt 7,1-7,3%. “Tuy đây là mục tiêu cao, khó, nhưng không phải không thực hiện được. Những năm trước quý IV bao giờ cũng tăng cao hơn các quý. Quý IV có nhiều điều kiện tốt có thể phấn đấu tăng GDP” - Thủ tướng nói.

Trong nhiệm vụ xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình 4 đề án quan trọng đối với việc phát triển đất nước năm 2017 và các năm tiếp theo ra Ban chấp hành Trung ương; Chính phủ cũng đã trình các Luật đến Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, từ Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Riêng đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành tới 40 văn bản để chỉ đạo. Điều đó cho thấy Chính phủ rất tập trung trong công tác xây dựng thể chế. 

Về thu chi ngân sách, Thủ tướng nhận xét, nhiều địa phương đạt kết quả tốt, giải ngân vốn đầu tư có sự tiến bộ rõ nét. An ninh trật tự được giữ vững, dù tình hình phức tạp xảy ra khi một số người dân bị kích động trong vụ cá chết do ô nhiễm môi trường ở miền Trung. Đến nay, Chính phủ đã tạm ứng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do cá chết ở miền Trung và đang chỉ đạo để các khoản hỗ trợ sớm đến người dân. 

Cần những giải pháp cụ thể
Tổng hợp tình hình, Thủ tướng cho biết trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao, đến nay, 11 chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có tăng trưởng GDP. Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,3 đến 6,5% cũng là thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ bởi theo đánh giá của một sổ chức quốc tế uy tín, như ADB, thì Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. 

Để thực hiện được nhiệm vụ tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. “Tôi xin nhấn mạnh, không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể đạt mục tiêu 6,3 đến 6,5%. ADB nói Việt Nam đạt tăng trưởng 6% trong năm nay do khách quan như tình trạng cá chết ở miền Trung, hạn hán, bão lũ, khai khoáng giảm. Ta phải quyết liệt vượt quá mức tăng trưởng mà ADB nhận định” - Thủ tướng nêu rõ. 

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam; rà soát lại những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra còn phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016 – 2021. 

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải chú ý đến các cân đối lớn của nền kinh tế cả trước mắt và dài hạn, gắn với các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, nguồn cung điện năng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt có nguy cơ bị hẫng hụt, Thủ tướng yêu cầu tập thể Chính phủ phải có biện pháp giải quyết tình trạng này, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trước mắt và lâu dài. 

Ngoài ra, thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ nhìn nhận lại các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021./.

Minh Thúy

Xem thêm »