Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

29/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 28/9/2016, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp. 

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng như Luật NSNN, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự... với các quy định về: Công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, đấu thầu, quản lý DNNN; Tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ; Quyền khởi kiện vụ án dân sự của cơ quan, tổ chức để bảo vệ lợi ích của nhà nước. Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Với kết cấu gồm 11 chương và 126 điều, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời đảm bảo tính hợp pháp và tính thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế cùng với các chế tài về hình sự đã được quy định trong pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để tạo ra khung pháp lý tổng thể nhằm ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng. Đồng thời, mở rộng từng bước, có chọn lọc về phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước, nhằm chống sự thông đồng tham nhũng giữa khu vực công và khu vực tư, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh.

Tại phiên họp các đại biểu đã đóng góp ý kiến về nhiều nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) như: Quy định về các hành vi tham nhũng; Công khai minh bạch thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Kiểm soát tài sản, thu nhập; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức phòng, chống tham nhũng; Xử lý tham nhũng và vi phạm pháp luật...

Kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội./.

Hà Linh

Xem thêm »