Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

16/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều 15/9/2016, tại Hà Nội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Các ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua. Đồng thời, thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Một số ý kiến cho rằng, phạm vi của tài sản công là rất rộng và ở nhiều hình thái khác nhau, trong đó nhiều loại tài sản không hoặc chưa xác định được giá trị, nên việc quy định tất cả các loại tài sản vào quản lý trong Luật là quá rộng, sẽ dẫn đến tình trạng luật khung, thiếu tính khả thi. Vì vậy, đề nghị cần ban hành Bộ luật về tài sản công hoặc căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nguồn hình thành của từng loại tài sản công, các nhóm tài sản công để xây dựng các luật cụ thể cho phù hợp.

Các đại biểu đánh giá cao Cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo Luật đã rà soát, đối chiếu với hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý tài sản công ở các Luật chuyên ngành. Tuy nhiên để đảm bảo hơn nữa tính thống nhất giữa của hệ thống pháp luật, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công ở các Luật chuyên ngành để tiến hành bổ sung, sửa đổi Luật.

Một vấn đề khác được các thành viên trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đặt ra đó là trong khi tài sản công là tải sản thuộc sở hữu toàn dân và Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, nhưng dự thảo Luật lại chưa đề cập đến quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội. Do đó, cần bổ sung quy định trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội trong việc ban hành các chính sách quốc gia về quản lý, sử dụng tài sản công và giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công đúng hiến pháp và pháp luật đảm bảo phục vụ mục đích phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và an ninh quốc phòng.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công hàng năm. Qua đó, đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả và được sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời đảm bảo thông tin kịp thời, giúp Quốc hội có căn cứ hoạch định các chính sách quốc gia trong việc quản lý, khai thác nguồn tài sản quốc gia.

Về chế độ, quản lý, sử dụng tài sản công tại các tổ chức, đơn vị, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo Luật đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị tài sản công như: Xe công, trụ sở làm việc, nhà công vụ, trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản dưới Luật trong thời gian qua để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản công. Theo đó, quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công cần hết sức chặt chẽ, có báo cáo kiểm kê đánh giá tài sản công.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị công phu từ khâu tổng kết, đánh giá thực tiễn, rà soát pháp luật, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, xây dựng dự thảo Luật, đánh giá tác động của dự án Luật. Khẳng định mục tiêu cao nhất của việc sửa đổi Luật là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, huy động khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế-xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 vào tháng 10 tới./.

Hà Linh



Xem thêm »